Khát vọng của vua thép Trần Đình Long
Phần lớn các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất của Việt Nam đều thành công ít nhiều dựa vào bất động sản. Nhưng với Hòa Phát của ông Trần Đình Long, danh hiệu “Vua thép” đã khẳng định câu chuyện đầu tư và phát triển bằng công nghiệp, điều hiếm có và rất nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam trong vài thập kỷ qua.
Từ nội thất đến thép
Hơn 15 năm trước, đi đường 5 đoạn qua Phố Nối thấy nổi bật lên cái tên Hoà Phát với một hệ thống nhà xưởng đồ sộ, tìm hiểu mới biết đó là công ty chuyên sản xuất đồ nội thất và thiết bị điện lạnh.
Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương. Ông lấy bằng Cử nhân tại Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1984. Ra trường, ông về làm cho Nhà máy xe đạp Xuân Hòa. Đầu những năm 80, khi các nước trong khối XHCN gặp khó khăn, nguồn cung ứng vật tư từ khối này thay đổi, Xuân Hòa chuyển sang sản xuất đồ nội thất, mặt hàng mà thị trường đang có nhu cầu. Công ty Xuân Hoà lúc đó được coi là doanh nghiệp nhà nước khá năng động và biết chuyển đổi kịp thời để thích ứng với thời cuộc nhưng so với nhu cầu thị trường thì vẫn còn nhiều bất cập.
Năm 1992, ông Trần Đình Long cùng người bạn thân thiết của mình là ông Trần Tuấn Dương thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng chuyên buôn bán các loại máy xây dựng. Đây là công ty chủ yếu buôn bán đồ cũ từ Nga về. Sang năm 1993, ông Long cùng các cộng sự lần đầu tiên có chuyến xuất ngoại để nhập hàng. Đây được đánh giá là chuyến đi quan trọng đối với công ty và là lần đầu tiên công ty nhập hàng một cách tương đối bài bản.
Năm 1994, khi tìm mua bàn ghế cho văn phòng nằm trên đường Giải Phóng, ông Long và các cộng sự nhận ra rằng, lúc bấy giờ, các doanh nghiệp đều đang nhập khẩu bàn ghế gỗ từ Đài Loan về. Vì vậy, ông Long đã quyết định gia nhập thị trường khi thành lập công ty nội thất, tìm hiểu các nhà cung cấp từ Đài Loan cho đến Malaysia, Singapore... Và năm 1995, Hòa Phát của ông Trần Đình Long được thành lập với tôn chỉ: “Hoà hợp để phát triển”, từng bước trở thành một tập đoàn hùng mạnh với hơn chục công ty thành viên.
Khi ra đời năm 1992, Hòa Phát thuộc nhóm những công ty đầu tiên ra đời sau Luật doanh nghiệp. Đây là việc không hề dễ dàng, với nhiều thủ tục nhiêu khê. Ông Trần Đình Long đã phải lấy nhà của mình làm địa điểm đăng ký kinh doanh và chứng minh vốn bằng cách mượn tiền đóng vào ngân hàng để làm vốn pháp định.
Như vậy, khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực Nội thất (1995), Ống thép (1996), Thép (2000), Điện lạnh (2001), Bất động sản (2001). Năm 2007, Hòa Phát tái cấu trúc theo mô hình Tập đoàn, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát giữ vai trò là Công ty mẹ cùng các Công ty thành viên và Công ty liên kết. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.
Năm 1996, các công ty thiết bị phụ tùng thường phải mua ống thép về làm giàn giáo. Tuy nhiên, việc mua ống thép hết sức khó khăn, do phải xin phê duyệt rồi phải có tiền lobby mới mua được 5-10 tấn. Thấy rằng việc làm ống thép không khó, ông Long đã quyết định thành lập công ty Ống thép Hòa Phát, sử dụng công nghệ Đài Loan. Sau 8 năm bán đủ thứ từ máy móc, nội thất tới ống thép, phải đến năm 2000, “thép xây dựng” mới có mặt trong danh mục sản phẩm của Hòa Phát.
Nhớ lại giai đoạn khởi nghiệp, ông Trần Tuấn Dương, người anh em gắn bó keo sơn với ông Long suốt mấy chục năm từ thời sinh viên đến nay đã ghi lại vài dòng hồi ký thời khởi nghiệp ở Hòa Phát. Bài viết có đoạn: “Lúc đó và kể cả bây giờ, nhiều mặt hàng trong nước được mang tên: thép Việt Mỹ, Việt Hàn, Việt Nhật, Việt Pháp, Việt Đức … rất nhiều. Một số công ty, máy móc chẳng có gì liên quan đến các nước Mỹ, Hàn, Nhật, Pháp… nhưng lại sính ngoại lấy tên như thế. Mình thì mua máy móc mới tinh của nước ngoài nên lúc đầu cũng định lấy tên ghép như vậy nhưng sau nhận thấy hàng Việt Nam cũng rất đáng để tự hào, thế là chọn “Hòa Phát”. Cái tên này cũng được ông Long đồng thuận. Trần Đình Long giải thích: Hòa Phát có nghĩa là hòa hợp và phát triển”.
Khát vọng của vua thép
Tháng 8/2007, Hoà Phát thành lập Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát Hải Dương là chủ đầu tư dự án Khu liên hợp (KLH) sản xuất gang thép Hòa Phát ở Kinh Môn - Hải Dương. Đây là dự án trọng điểm của Tập đoàn Hòa Phát trong lộ trình trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam.
Khu liên hợp sử dụng công nghệ lò cao với công suất thiết kế lên đến 1.700.000 tấn/ năm. Đến năm 2016, cả ba giai đoạn đầu tư của Khu liên hợp đã hoàn thành, góp phần nâng công suất sản xuất thép xây dựng của Hòa Phát lên 2 triệu tấn/năm từ quý I/2016. Mô hình khu liên hợp được đánh giá là đồng bộ, hiện đại và quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Nhớ lại cách đây mấy chục năm, Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên là tổ hợp công nghiệp lớn nhất Việt Nam một thời được xây dựng bằng tiền viện trợ của Trung Quốc. Khu liên hợp này được khởi công xây dựng từ năm 1959, qua nhiều lần mở rộng quy mô, nâng cấp, mãi đến năm 1965 mới đạt công suất 200.000 tấn/năm. Trong nhiều năm trời, khu gang thép Thái Nguyên vẫn là niềm tự hào của nền công nghiệp nặng quốc gia. Nói như vậy để thấy Khu liên hợp gang thép ở Hải Dương do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư bằng nguồn lực tự có của mình có ý nghĩa thế nào trong chặng đường phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt là trong thời kỳ mở cửa, hội nhập. Năm 2017, Hòa Phát xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016.
Như nhiều doanh nghiệp khác, sau khi xây dựng vị trí vững chắc với sản phẩm thép, Tập đoàn Hòa Phát bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nhiều ngành nghề như điện lạnh, nông nghiệp, tôn mạ và vừa tiếp nhận siêu dự án thép trị giá hơn 2 tỷ USD ở Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
Như đã nói ở trên, nếu như Khu liên hợp gang thép Hoà Phát ở Hải Dương là một bước tiến mới của ngành thép thì dự án Khu liên hợp thép ở Dung Quất lại có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần. Về công suất, dự án Dung Quất lớn gấp đôi công suất hiện tại của Hòa Phát, đạt 4 triệu tấn/năm. Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát ở Hải Dương, dự án đã đưa Hòa Phát lên vị trí nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, cũng chỉ tiêu tốn của Hòa Phát với mức đầu tư xấp xỉ 440 triệu USD. Thêm vào đó, Khu liên hợp gang thép Hoà Phát ở Dung Quất là một tổ hợp đồng bộ luyện gang, thép với đa dạng nhiều chủng loại sản phẩm. Cùng với đó là hệ thống kho bãi, cảng nước sâu, đội tàu vận tải đưa hàng đi tiêu thụ đến các nước khu vực. Doanh thu dự kiến của dự án Dung Quất sau khi hoàn thành là khoảng 2 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 8.000 lao động.
Con số này cho thấy quy mô của dự án Dung Quất, cũng như tham vọng của Hòa Phát gửi gắm trong đó. Dự kiến một nửa công suất ở khu liên hợp này sẽ sản xuất thép dài, tức thép xây dựng quen thuộc, là thế mạnh và chủ lực lâu nay của Hòa Phát. Một nửa công suất còn lại sẽ dành sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC), một bán thành phẩm dùng làm nguyên liệu cho sản xuất tôn mạ, ống thép. HRC là thị trường chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào dấn bước.
Tháng 6/2016, mới chỉ nhà máy Formosa sản xuất thử nghiệm và cung cấp ra thị trường Việt Nam những tấn thép HRC đầu tiên. Lâu nay, các công ty sản xuất tôn mạ, ống thép đều phải nhập toàn bộ nguyên liệu HRC từ nước ngoài, chịu thuế phí, rủi ro tỉ giá và thời gian nhận hàng. Khi nguồn HRC có sẵn trong nước, những lo âu của các đơn vị sản xuất thép tại Việt Nam ít nhiều giảm đi. Tuy nhiên, sẽ có nhiều rủi ro nếu chỉ mình Formosa làm thép HRC và không có sự góp mặt của công ty trong nước. Đây là lý do để Hòa Phát quyết tâm làm dự án Dung Quất và cũng được tạo điều kiện để làm.
Hiện nay, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với sản lượng trên 8 triệu tấn. Từ năm 2025, sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành thì năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát là hơn 14 triệu tấn/năm, trong đó, 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao. Ngoài ra, Hòa Phát hiện sở hữu Khu liên hợp sản xuất thép lớn nhất tại tỉnh Quảng Ngãi với số vốn tập đoàn đã đầu tư là khoảng 7 tỷ USD. Khi dự án Dung Quất 2 ổn định, doanh thu hàng năm từ 150.000 - 250.000 tỷ đồng và mỗi đóng góp khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng vào ngân sách.
Ở Hòa Phát vẫn lưu truyền câu chuyện ông Trần Đình Long dấn bước vào ngành thép từ câu nhận xét phũ phàng “biết gì về thép mà làm” của một trùm buôn thép những năm cuối 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, ông Trần Đình Long chỉ là tay mới trong lĩnh vực thép, những vị trí trùm thép trong giới buôn thép đều nằm tại đất Thái Nguyên. Nhưng thép như chảy trong huyết mạch, có trong từng tế bào khiến ông Trần Đình Long và các cộng sự càng làm càng mê. Khó khăn như vậy nhưng thực ra đó mới là cơ hội cho người biết làm và dám làm. Dễ thì mọi người cùng dễ, ai cũng làm được, thế là “dễ” lại trở thành “khó”.
Một doanh nghiệp muốn thành công phải “nhìn thấy cơ hội trong khó khăn”. Nhưng quan trọng hơn, để doanh nghiệp lớn và phát triển mạnh mẽ thì phải “làm đúng” và “làm tốt”. Ông Trần Đình Long vẫn thường nói với cộng sự: “Với doanh nghiệp, đứng lại là chết mà đi chậm cũng chết, phải tăng tốc thôi”.
Mới đây, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, vua thép Trần Đình Long cho biết ngành thép Việt Nam hiện đang dẫn đầu Đông Nam Á và xếp thứ 12 thế giới về sản lượng. Hòa Phát cũng là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á và Top 50 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới. Trong kế hoạch sắp tới, ông bày tỏ sự quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 70 tỷ USD và cho rằng đây là công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia.
Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn Hòa Phát tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này, khẳng định tập đoàn hoàn toàn đủ năng lực kỹ thuật để sản xuất thép cho đường ray của các dự án đường sắt tốc độ cao.
Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: toasoan@vietnamfinance.vn.