Khi nào pháp luật cho phép thanh tra lại DA Đại Ninh?

Pháp luật đã quy định chi tiết trường hợp phải thanh tra lại sau khi đã có kết luận thanh tra, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đang cố kiến nghị để phúc tra.

Pháp luật quy định rõ ràng minh bạch

Thời gian qua một số dự án đã có kiến nghị thanh tra lại – phúc tra sau khi có kết luận thanh tra ban hành, trong đó có dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh (KĐT Đại Ninh) tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng do Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh (SaiGon Dai Ninh Group) làm chủ đầu tư.

Khi nào pháp luật cho phép thanh tra lại DA Đại Ninh? - Ảnh 1
 

Dưới góc nhìn chung về quy định pháp luật, ngày 3/7/2021, luật sư Phạm Văn Thạch - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, có những trường hợp chủ đầu tư đề nghị phúc tra lại là đúng, phù hợp quy định pháp luật, đảm bảo tính công minh nhưng cũng có những trường hợp doanh nghiệp đề nghị phúc tra để kéo dài dự án sai phạm, dẫn tới khó xử lý.

Theo ông Thạch, nguyên nhân của tình trạng trên đến nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, có trường hợp dù sai phạm trong kết luận thanh tra đã thể hiện rõ ràng, kiến nghị các đơn vị liên quan xử lý sai phạm nhưng đối tượng bị thanh tra tìm nhiều cách khác nhau để né tránh, trì hoãn không thực hiện nghiêm theo kết luận thanh tra. Thậm chí còn có trường hợp "vô lý" yêu cầu thanh tra lại - phúc tra kết quả thanh tra.

"Những trường hợp đó chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp. Họ tìm mọi cách để trì hoãn thực hiện kết quả thanh tra để tìm ra giải pháp mới nhằm hợp thức hóa những sai phạm. Điều này rất vô lý bởi pháp luật đã quy định rất rõ khi nào thì mới phải thực hiện thanh tra lại sau khi đã có kết luận thanh tra", ông Thạch cho hay.

Vị luật sư này đưa ra quy định, theo Khoản 1 Điều 47 của Nghị định 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, nêu rõ: Thanh tra lại là việc xem xét, đánh giá, xử lý kết luận thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra, ra kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, tại Điều 48 Nghị định 86/2011/NĐ-CP quy định, hướng dẫn thanh tra lại được thực hiện khi có những căn cứ: Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong tiến hành thanh tra; Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra; Nội dung kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra.

Hoặc người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật.

Hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

Như vậy những quy định trên đã rất cụ thể chi tiết về những trường hợp được thanh tra lại.

Cần cương quyết thực hiện kết luận thanh tra khi...

Bình luận chung vấn đề pháp lý liên quan tới vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Thành - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội khẳng định, hoạt động thanh tra có tính chất tài phán do kết quả thanh tra là đánh giá sự tuân thủ pháp luật của đối tượng thanh tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý những vi phạm pháp luật.

Các hoạt động tài phán đều có cơ chế xem xét lại phán quyết như việc phúc thẩm lại bản án sơ thẩm trong hoạt động xét xử hay giải quyết khiếu nại, khiếu kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính… Đối với thanh tra, cơ chế để kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra là hoạt động thanh tra lại.

Tuy nhiên, nếu xét thấy quá trình thanh tra hợp pháp, khách quan; Cùng với đó là kết luận thanh tra đã ban hành có nội dung chính xác, phù hợp với quy định pháp luật thì đơn vị phúc tra không được thay đổi nội dung kết luận thanh tra đã ban hành trước đó.

Trước những doanh nghiệp tìm cách kiến nghị để thanh tra lại, luật sư Thành cho rằng, cơ quan chức năng cần phải cương quyết bác bỏ hành vi "vô lý" này, không thỏa thuận để cho sai phạm tiếp tục tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào.

"Cơ quan tiếp nhận kiến nghị phúc tra sau khi kiểm tra các bằng chứng mà doanh nghiệp đưa ra, nếu không thấy có dấu hiệu vi phạm trong quá trình thanh tra thì có quyền từ chối phúc tra, đồng thời yêu cầu các bên liên quan phải xử lý nghiêm theo kết luận thanh tra đã ban hành", luật sư Nguyễn Văn Thành bày tỏ.

Đối với những trường hợp chây ì, không thực hiện và cố tình tìm cách trì hoãn thực hiện kết luận thanh tra, ông Thành kiến nghị: "Cần có chế tài xử lý nghiêm như kiên quyết cưỡng chế sai phạm. Đồng thời cấm có thời hạn hoặc cấm vĩnh viễn doanh nghiệp đó không được hoạt động trên địa bàn. Như thế mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật".

Ngày 28/6/2021, nói về dự án KĐT Đại Ninh trên địa bàn, ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết: "Sau khi kết luận của Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi dự án hồi tháng 6/2020 thì có một đoàn thanh tra khác vào phúc tra lại. Kết quả phúc tra như thế nào thì hiện nay chưa có kết luận cụ thể".

Liên quan đến dự án này, ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng thông tin, chủ đầu tư đang xin cấp trên tiếp tục cho thực hiện dự án. Vì thế, dự án này có tiếp tục để SaiGon Dai Ninh Group triển khai hay không thì phải chờ ý kiến chỉ đạo của trung ương.

Trong khi đó, trả lời trên tờ 1thegioi, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thì cho hay, sau khi có kết luận thanh tra về dự án KĐT Đại Ninh, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành phúc tra, hiện chưa có kết luận mới.

Ông Hiệp khẳng định, Thanh tra Chính phủ có kết luận mới, khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, tỉnh sẽ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.

Còn ông Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng xác nhận, dự án KĐT Đại Ninh tồn tại các sai phạm và đã được Thanh tra Chính phủ nêu tại kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ban hành tháng 6/2021.

Về việc thực hiện theo kết luận thanh tra, ông Quận cho hay, cấp trên kết luận và yêu cầu thì địa phương chấp hành. Đến nay, Lâm Đồng cũng đã có các bước xử lý liên quan sự việc. Tuy nhiên, ông Quận từ chối cung cấp rõ việc xử lý tập thể, cá nhân cũng như chủ đầu tư và dự án Đại Ninh ra sao. Ông Quận đề nghị làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng.

Thanh Hà

Theo Đất Việt