Khó chồng khó, doanh nghiệp "ngóng" được hoàn thuế VAT
Đơn hàng suy giảm, chi phí đầu vào gia tăng, cộng với khó khăn trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đã khiến một số doanh nghiệp (DN) phải dừng xuất khẩu hoặc hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhiều DN sẽ phải đóng cửa.
Quy định vượt tầm thực hiện của doanh nghiệp
Thời gian qua, cộng đồng DN xuất nhập khẩu đối mặt nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, những khu vực có sức chi trả cao thu hẹp đơn hàng và có những đơn hàng không thực hiện được. Cùng với đó là chi phí đầu vào gia tăng. Do đó, DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động và điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, DN khó chồng khó là thế nhưng theo phản ánh, họ vẫn chưa được cơ quan thuế hoàn thuế VAT. DN vẫn đang "ngóng" hoàn thuế trong suốt từ 1-3 năm qua. Đối với những đơn hàng xuất khẩu đã hoàn thành, khi thương vụ đã thành công, hàng đã được xuất đi, tiền đã được lấy về việc hoàn thuế cho DN lại ách tắc với những lý do liên quan đến công tác quản lý của cơ quan chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc.
Có một số vướng mắc được DN phản ánh về các trường hợp không được hoàn thuế VAT đối với sản phẩm xuất khẩu. Thứ nhất, DN không xác định được đối tác nhập khẩu hàng hóa của DN theo quy định. Còn cơ quan thuế cho rằng không đủ căn cứ để hoàn thuế.
"Đây là trường hợp của ngành sắn, khi các DN Việt Nam xuất khẩu tinh bột sắn sang nước láng giềng nhưng không liên lac được với người mua hoặc không xác định được địa chỉ, địa vị pháp lý xác thực của bên này. Lập luận của DN là họ đã hoàn thành hồ sơ xuất khẩu thì phải được hoàn thuế, không phụ thuộc vào việc có xác định được người mua hay không. Đã có DN bị điều tra theo thủ tục của cơ quan công an, ảnh hưởng đến danh tiếng và phải ngừng hoạt động", ông Phòng nói.
Thứ 2, DN không xác định được nguồn gốc nguyên liệu đối với các hàng hóa có căn cứ vào nguồn gốc. Vướng mắc này hiện được nhiều DN xuất khẩu gỗ, dăm gỗ phản ánh.
Ngày 22/5/2020, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2124/TCT-TTKT yêu cầu xác minh, đối chiếu nguồn gốc mặt hàng gỗ dăm, gỗ thành phẩm nhằm bảo đảm việc giải quyết hoàn thuế. Trong hồ sơ để xác minh nguồn gốc hợp pháp khi hoàn thuế, cơ quan thuế yêu cầu ngoài hồ sơ theo quy định của Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT.
Với quy định này, DN xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ chỉ được hoàn thuế VAT nếu gỗ đó có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng. Do coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương... trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.
Tuy nhiên, các DN cho rằng, trong nhiều trường hợp với chuỗi cung ứng có nhiều trung gian thì thực sự gây khó cho DN. Nhà xuất khẩu Việt Nam mua gỗ thương phẩm từ một DN thương mại, DN thương mại này có thể mua gỗ trực tiếp từ nhiều nguồn. Do đó, việc xác minh chi tiết tới từng đơn vị chủ rừng là điều không thể thực hiện.
Theo một số DN xuất khẩu các sản phẩm gỗ, việc phải xác minh đối tác với các đơn hàng XK khác là ngoài tầm của DN. Bởi DN muốn xuất khẩu được phải thu mua nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu mà nguồn nguyên liệu tương đối đa dạng. Đối với nguyên liệu mua từ bà con nông dân, cơ sở sản xuất thì có thể truy xuất được nguồn gốc ngay.
Tuy nhiên, người cung cấp cũng thực hiện các hợp đồng thương mại với đối tác thứ 3, thậm chí thứ 4 thì hoạt động truy xuất với các DN, đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu gỗ gặp rất nhiều khó khăn. Các DN gỗ đã phản ánh nhiều lần lên VCCI và cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Các DN ngành gỗ kiến nghị cho phép hoàn thuế VAT đối với DN xuất khẩu có hợp đồng với DN thương mại, vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng được điều kiện hoàn thuế. Với DN thương mại thu mua gỗ không có nguồn gốc hoặc nguồn gốc bất hợp pháp bị điều tra phát hiện, chỉ xử lý hành vi vi phạm của các DN này.
Một DN tại Quảng Ninh cho hay, sau khi hồ sơ được đưa vào vòng xác minh bởi công an thì sau 1,5 năm tới cách đây ít ngày được biết công an mới kiểm tra xong 10%. Nghĩa là tầm 15 năm mới kiểm tra xong toàn bộ chuỗi cung hàng cho DN này. Mọi hoạt động của DN vì thế bị đình trệ, không thể làm ăn được.
Tổng hợp phản ánh của DN, Văn phòng Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện có 11 DN gỗ ở Quảng Ninh đang chờ hoàn thuế với số tiền của mỗi DN đều cả trăm tỷ đồng. Trong khi đó, việc gửi hồ sơ đề nghị được hoàn thuế cũng khá khó khăn. Vì thế, DN đề nghị Cục thuế Quảng Ninh đối thoại.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn thực trạng một số DN phải dừng xuất khẩu, một số DN phải hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài, nhiều DN sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, cơ quan chức năng thì cho rằng chưa đủ cơ sở để hoàn thuế cho DN. Trong khi đó, DN chứng minh họ đã hoàn thành nghĩa vụ trong thực hiện hợp đồng thương mại với các đối tác và đối tác của DN đã trả tiền. Theo cơ cấu tính toán về tài chính thì rõ ràng việc hoàn thuế cũng là khoản tương đối lớn. DN cần dòng tiền để có thể tiếp tục thực hiện các đề án xuất nhập khẩu tiếp theo.
Khẩn trương gỡ khó cho doanh nghiệp
Với Công điện số 470/CĐ-TTg ban hành ngày 26/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế VAT một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, DN.
Sau đó, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5427 thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẩn trương thực hiện, chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải kịp thời giải quyết các hồ sơ hoàn thuế VAT đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện việc sử dụng hóa đơn giả, trục lợi trong hoàn thuế nhằm chiếm đoạt ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, công điện của Thủ tướng là sự nhắc nhở các cơ quan có liên quan thực thi nhiệm vụ của mình một cách công tâm, bảo đảm chính sách công bằng để tháo gỡ khó khăn cho DN. Những vấn đề gì còn vướng, "nghẽn" thì các cơ quan cùng ngồi với DN để tìm ra giải pháp phù hợp. Nếu vấn đề hoàn thuế VAT không được giải quyết thì kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN sẽ bị ảnh hưởng, từ đó tác động đến mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Gần đây, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, việc hoàn thuế thời gian qua được thực hiện bình thường. Tuy vậy, thời gian vừa qua, trong hoàn thuế hoạt động xuất khấu, xuất hiện tình trạng DN vi phạm trong vấn đề sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp, nhằm hợp thức hoá hồ sơ hoàn thuế với giá trị rất lớn.
Tính chung trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế chuyển hồ sơ của 9 DN trực tiếp đề nghị hoàn thuế VAT mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh, chưa kể các DN trung gian bán hàng cho DN hoàn thuế nêu trên. Nguyên nhân do DN có dấu hiệu sử dụng hoá đơn khống để hoàn thuế, DN mua hàng của DN có rủi ro cao về thuế…
Theo đề xuất của VCCI với Chính phủ, đối với những thương vụ đã được xác minh, thậm chí có những thương vụ đã được cơ quan công quyền, cơ quan điều tra, giám sát, kiểm tra và xác minh, có những kết luận không đủ yếu tố để xử lý theo những hình thức của pháp luật thì cơ quan thuế nên tính đến việc hoàn thuế cho DN. Còn nếu như sau này truy cứu và phát hiện ra những vấn đề cần phải xử lý thì tích cực xử lý.