Khó trông chờ được 'giải cứu', doanh nghiệp xây dựng nên tự cứu mình như thế nào?
Trong hoàn cảnh bi đát như hiện nay, sẽ là rất khó nếu các doanh nghiệp xây dựng ngồi im, trông chờ vào chính sách “giải cứu”. Nói một cách hình ảnh, tới một lúc, sẽ có không ít doanh nghiệp thậm chí không còn đủ sức để mà kêu cứu.
Cơn bão chưa tan
Nếu nhìn một cách công bằng, thị trường bất động sản – xây dựng quý II/2023 đã có những chuyển biến tích cực hơn so với 2 quý liền kề trước đó. Tuy nhiên, những chuyển biến này vẫn là rất nhỏ và rất chậm, căn bản chưa tạo ra được sự thay đổi cục diện chung. Ngành xây dựng vẫn chìm trong khó khăn và các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang ngụp lặn với những vấn đề cũ.
Nguồn việc tiếp tục là nỗi đau đầu lớn nhất đối với các nhà thầu khi mùa đông bất động sản chưa kết thúc, số lượng dự án bất động sản mới vẫn hết sức ít ỏi, bất chấp các nỗ lực gỡ vướng pháp lý của Chính phủ và các địa phương (như TP. HCM).
Hầu hết doanh nghiệp xây dựng đang phải sống bằng các hợp đồng cũ, với giá thấp, và chịu chi phí nhiên - nguyên vật liệu tăng cao, khiến biên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh. Đơn cử, biên lợi nhuận gộp của 3 doanh nghiệp đầu ngành là Coteccons (HoSE: CTD), Hòa Bình (HoSE: HBC), Ricons trong quý I/2023 chỉ ở mức lần lượt là 1,8%, -17% và 2,5% - rất thấp và đã liên tục suy giảm trong các quý gần đây cũng như rất kém so với giai đoạn 2016 – 2019.
Bên cạnh đó, việc các chủ đầu tư dự án gặp khó khăn trong khâu bán hàng, huy động vốn (vay ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ), đã ảnh hưởng tới khả năng thanh toán công nợ cho nhà thầu. Hệ quả tất yếu là các nhà thầu phải trích lập dự phòng nợ xấu rất lớn, điển hình như CTD và HBC năm 2022 phải trích lập lần lượt hơn 1.000 tỷ đồng và gần 400 tỷ đồng.
Một hệ quả song song khác là các nhà thầu bị thiếu hụt dòng tiền nên phải tăng cường vay mượn để bù đắp. Với môi trường lãi suất cao duy trì liên tục trong khoảng 1 năm qua, các nhà thầu chịu chi phí tài chính “khổng lồ”. Ví dụ như HBC, quy mô nợ vay năm 2019 là 4.900 tỷ đồng, tới năm 2022 đã vượt quá 6.000 tỷ đồng, tương ứng với chi phí lãi vay tăng từ 322 tỷ đồng lên 520 tỷ đồng. Chung cảnh ngộ với HBC là rất nhiều “ông lớn” xây dựng khác như Phục Hưng Holding (HoSE: PHC), Tập đoàn Xây dựng SCG (HNX: SCG)… với hệ số đòn bẩy tài chính rất cao, vượt quy mô vốn chủ sở hữu. CTD có thể xem là trường hợp hiếm hoi duy trì được nền tảng tài chính khỏe mạnh với nợ vay rất thấp.
Tựu trung, các vấn đề trên đã tác động mạnh mẽ tới lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng năm qua với mẫu số chung là suy giảm so với giai đoạn trước. Điển hình là lợi nhuận của 3 “ông lớn” CTD, HBC và Ricons năm 2019 lần lượt là 711 tỷ đồng, 417 tỷ đồng, 360 tỷ đồng đến năm 2022 giảm xuống chỉ còn 21 tỷ đồng, 91 tỷ và lỗ 1.138 tỷ đồng.
Doanh nghiệp xây dựng phải tự cứu mình trước
Đứng trước những khó khăn rất lớn nêu trên, những tên tuổi thâm niên nhất trong ngành xây dựng có lẽ mới thấm thía nỗi đau phụ thuộc quá nhiều vào ngành bất động sản trong thời gian quá dài.
Thực tế, bất động sản dân dụng chỉ là một thị phần trong bức tranh lớn. Nguồn công việc của ngành xây dựng vẫn còn rất nhiều. Thị trường vẫn có nhu cầu xây dựng từ các công trình tiện ích (trường học, bệnh viện, hạ tầng đầu tư công khác…). Bên cạnh đó còn là nhu cầu xây dựng nhà xưởng, nhà máy từ doanh nghiệp phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, cả ở khối FDI lẫn khối quốc nội (như VinFast, Hòa Phát…).
Như vậy, giải pháp trước tiên là các doanh nghiệp xây dựng dân dụng phải đa dạng hóa danh mục khách hàng. Một trong những trường hợp thành công trong giải pháp này là CTD. Việc thắng được gói thầu xây dựng giá trị hàng trăm triệu USD với Lego đã giúp CTD đảm bảo được khối lượng công việc cho hơn 2.000 cán bộ nhân viên, đồng thời củng cố sức khỏe tài chính với hơn 4.000 tỷ đồng tiền mặt (đóng góp lớn từ nguồn tiền trả trước của Lego).
Ngoài giải pháp trên, doanh nghiệp xây dựng cũng phải chủ động đánh giá, lựa chọn khách hàng có khả năng đảm bảo thanh khoản, đáp ứng thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi tới hạn. Vinhomes, Ecopark, Sonkim Land… là số ít những nhà phát triển bất động sản có năng lực tài chính tốt trong giai đoạn này.
Tiếp theo, muốn hướng tới tương lai phải thấm đẫm bài học quá khứ. Trước đây và cho tới cả bây giờ, ngành xây dựng đã không có một cơ chế giá hay sức mạnh đàm phán giá với các chủ đầu tư bất động sản. Điều này khiến các doanh nghiệp xây dựng luôn ở vị thế yếu, chịu trận, bị động, chấp nhận biên lợi nhuận mỏng. Do vậy, đây chính là giai đoạn mà các doanh nghiệp xây dựng phải đồng hành cùng nhau nhiều hơn, tránh các cuộc chiến về giá hay gây tổn thương không đáng có cho anh em trong ngành.
Thời gian tới đây, nhiều dự án đầu tư hạ tầng giá trị lớn của Chính phủ sẽ được mở thầu phù hợp với năng lực các doanh nghiệp xây dựng trong nước. Điều này càng thôi thúc sự đoàn kết, hợp tác trong nội bộ ngành để tạo nên sức mạnh tổng lực. Đây cũng chính là cơ hội lớn cho nhà thầu nội nhận được dự án hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Giải pháp thứ ba là tự tái tạo bằng cách tăng cường năng lực tài chính. Doanh nghiệp xây dựng có thể “bắt tay” với ngân hàng trong nước để thu xếp nguồn vốn và đảm bảo sức khỏe dòng tiền. Ví dụ thành công gần đây là Viettin Bank, BIDV, MB đã thỏa thuận hợp tác, thu xếp vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng cho CTD để triển khai các dự án hạ tầng như cao tốc, metro, đường bộ… Việc có được sự hỗ trợ tài chính một cách toàn diện giúp doanh nghiệp xây dựng Việt củng cố nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần trong nước và làm tiền đề để phát triển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài.
Biện pháp cuối cùng là cải tiến cách thức bỏ thầu nhận dự án và áp dụng các mô hình quản trị dự án kiểu mới tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Thêm một minh chứng cho sự khởi sắc hiếm hoi tới lúc này của ngành xây dựng là CTD. Doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam này đang áp dụng chiến lược quản trị dự án theo mô hình “Fast-track” tiếp cận quốc tế, đẩy mạnh chiến lược bán hàng “Repeat Sale” nhằm khai thác tối đa nguồn công việc từ siêu dự án của chủ đầu tư bất động sản hàng đầu trong và ngoài nước. Nhờ những giải pháp mới trong hoạt động, CTD đã cải thiện đáng kể năng lực quản trị rủi ro, qua đó giảm thiểu phát sinh trích lập dự phòng ở tương lai – một trong những bước chắc chắn để đảm bảo đà tăng trưởng của lợi nhuận.
Bởi vậy, có thể nói, trong sự phục hồi hậu Covid-19 của nhiều ngành nghề, hay sự đơn lẻ của mỗi doanh nghiệp trong từng ngành nghề, CTD đang cho thấy một sự khác biệt trong nửa trên của mô hình chữ K. Mô hình này gồm 3 nét, trong đó nét sổ thẳng của chữ K được dùng để chỉ tình hình kinh tế suy thoái đột ngột; 2 nét xiên ngắn của chữ K cho thấy tình trạng phục hồi trái ngược nhau, tùy từng lĩnh vực và doanh nghiệp liên quan. Đối chiếu mô hình chữ K với ngành xây dựng, có thể nhận thấy một dấu hiệu khá rõ ràng là CTD đang có sự khác biệt so với các nhà thầu còn lại khi họ chủ động quản trị rủi ro, đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào chu kỳ ngành và gần đây nhất là hành động cởi nút thắt cạnh tranh nhau về giá giữa các công ty trong cùng ngành. CTD dường như đang thuộc nét xiên phía trên chữ K sớm thoát khỏi khủng hoảng để tiếp tục đi lên.
Ngược lại, những doanh nghiệp xây dựng nào vẫn chăm chăm lao vào “cuộc đua xuống đáy” về giá, sẽ thuộc nửa dưới của mô hình chữ K. Nói không ngoa, việc giảm giá, thậm chí làm dưới giá vốn để có việc làm, không khác gì tự ăn thịt mình để chống đói, hoàn toàn không thể là biện pháp cứu được các doanh nghiệp này. Bởi tới một lúc nào đó, các doanh nghiệp sẽ kiệt quệ, không còn sức để làm công việc đơn giản nhất là “kêu cứu” và kể cả khi được cứu cũng không còn nguyên khí để phục hồi.
Tín hiệu lạc quan là mặt bằng lãi suất vẫn đang đi xuống, phần nào giúp các doanh nghiệp xây dựng đỡ gánh nặng trên vai. Ngành bất động sản đã tạo đáy và bắt đầu đi lên, phần nào mang lại hi vọng tươi sáng cho giai đoạn tới. Tuy vậy, phía trước vẫn là gian nan. Mà phàm đã làm kinh doanh, chẳng ai đau đẻ lại đợi sáng trăng bao giờ.