Khoá mạng sống khi hoả hoạn xảy ra: Vì đâu văn hoá “ chuồng cọp” vẫn tồn tại?

Nắng nóng, hỏa hoạn xảy ra là điều mà thành phố Hà Nội đang phải chứng kiến. Thương tâm hơn, có những vụ cháy cướp đi sinh mạng của nhiều người chỉ vì bị mắc kẹt trong chuồng cọp. Đã có nhiều tử vong, vì đâu văn hóa cơi nới, xây chuồng cọp ở những khu chung cư, tập thể cũ vẫn còn?

Nắng nóng, hỏa hoạn xảy ra là điều mà thành phố Hà Nội đang phải chứng kiến. Thương tâm hơn, có những vụ cháy cướp đi sinh mạng của nhiều người chỉ vì bị mắc kẹt trong "chuồng cọp". Đã có nhiều tử vong, vì đâu văn hóa cơi nới, xây chuồng cọp ở những khu chung cư, tập thể cũ vẫn còn?

 

Từ hàng chục năm nay, việc người dân lắp đặt lồng sắt hay còn được gọi là chuồng cọp nhằm bảo vệ an ninh không còn xa lạ. Nếu như nhiều năm trước, chuồng cọp chủ yếu xuất hiện ở những khu chung cư, tập thể cũ, thì hiện nay nhiều nhà dân cũng lắp đặt.

“Chuồng cọp” vô tình "khóa” mạng sống khi hỏa hoạn xảy ra

Gia cố vật liệu kiên cố vào cửa sổ, ban công nhưng lại không có một thiết kế chuẩn, những nhà cao tầng và khu tập thể này không có lối thoát ngoại trừ cửa chính, vì thế rất nguy hiểm. Khi cháy nổ xảy ra căn hộ trông không khác gì những hộp sắt không cửa. Thực tế đã có rất nhiều cái kết thương tâm từ chuồng cọp. Trong đó có không ít vụ việc gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đơn cử như: Vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) vào năm 2016 làm 13 người thiệt mạng; cháy nhà ngõ 41 phố Vọng (Hai Bà Trưng) năm 2017 làm 2 người thiệt mạng; Vụ cháy xảy năm 2019, tại ngôi nhà cấp 4 số nhà 22 phố Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến 3 bà cháu tử vong.

Hay mới đây nhất, trong 2 ngày 12 - 13.5 xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy khiến 7 người tử vong tại ngôi nhà 3 tầng trên phố Thành Công (Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội). Tuy nhiên, điều đáng nói là toàn bộ mặt trước và các mặt tiếp giáp 2 bên với nhà hàng xóm bên cạnh đều được chủ hộ rào chắn bằng hệ thống khung sắt, bịt kín phía trước dạng chuồng cọp để chống trộm.

Chuồng cọp vô tình đã tước đi mạng sống của rất nhiều người, ngay cả lực lượng Phòng cháy chữa cháy cũng rất khó để có thể tiếp cận được.

“Đeo ba lô” cho nhà tập thể trở thành phong trào

Chuồng cọp cũng có lịch sử phát sinh của nó. Theo đó, bắt đầu từ thập niên 1960 trở đi, lượng người từ nông thôn và số lượng cán bộ công nhân viên chức được điều động công tác dồn về sinh sống và làm việc tại Hà Nội và các thành phố ở miền Bắc Việt Nam ngày một đông

Để ổn định và phục vụ cho nhu cầu an sinh của tầng lớp này, Nhà nước đã cho tiến hành xây dựng các nhà cao tầng để phân chia cho cán bộ, viên chức. Các nhà thường có độ cao 4, 5 tầng với thiết kế 3 lầu, một trệt. Diện tích các phòng của tòa nhà tập thể này dao động từ 18 - 25m2, chỉ dành cho những người độc thân hoặc gia đình nhỏ.

Theo thời gian, nhân khẩu của các căn hộ tăng lên, diện tích sinh hoạt của các phòng trở nên chật chội. Để giải quyết nhu cầu sinh hoạt, người ta tăng diện tích bằng cách gắn ra phía ngoài ban công những lồng bằng sắt có mái che. Diện tích cơi nới thêm này được những người trong căn hộ sinh hoạt, sử dụng như các mặt bằng khác. Từ những người tiên phong, dần dần những chuồng cọp này trở thành phổ thông, xuất hiện rất nhiều ở các khu nhà cao tầng kiểu cũ.

Có thể kể đến như tại Hà Nội, khu tập thể Bách Khoa, khu tập thể Giảng Võ, khu tập thể Thành Công, khu tập thể Kim Liên hay tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính,... đều có những căn hộ chằng chịt chuồng cọp, khung sắt xếp chồng lên nhau. Thậm chí có những chuồng cọp nới ra hẳn 4-5m, ngang một căn phòng nhỏ gây mất mỹ quan đô thị và an toàn về chất lượng công trình. Hiện nay không chỉ là phong trào cố hữu ở các khu tập thể cũ, thói quen cơi nới đã lan ra cả những khu đô thị mới.

Biết nguy hiểm rình rập, nhưng tại sao “chuồng cọp” vẫn tiếp tục tồn tại?

Với khoảng 18-25m² ban đầu, nhà nào cũng cơi nới, mở rộng cả phía trước lẫn phía sau. Nhà ở tầng trên sẽ dựa vào phần nhô ra ở tầng dưới để cơi thêm, càng lên cao, nhà càng rộng. 

Đối với người dân, chuồng cọp đã đã làm tăng đáng kể diện tích sinh hoạt của gia đình. Với các chuồng cọp được làm bằng thanh sắt hay inox vững chắc giúp người dân khu tập thể, chung cư chống trộm tốt. An toàn hơn cho trẻ nhỏ và giảm thiểu những tác động, dị vật từ môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến ngôi nhà.

Sống trong thành phố ngày một hiện đại này, ít ai để ý rằng từ khoảng cầu thang chật hẹp và tối tăm, từ rất nhiều căn phòng ngột ngạt và bức bối, ngày ngày vẫn vang lên những tiếng thở than lặng thầm. Với những hộ gia đình 5 - 6 người chen chúc nhau trong diện tích 18-20m2 cùng những vật dụng lỉnh kỉnh khác đã buộc họ phải cơi nới chuồng cọp để sinh hoạt. Khung cảnh hoả hoạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, song, người dân vẫn bám trụ lại bởi một phần kinh tế không cho phép họ được quyền lựa chọn, phần vì những thuận lợi về vị trí như: Gần trường học, nơi làm việc, tuyến xe buýt,..Sống trong những chuồng cọp bịt lối thoát thân thực tế là nỗi ám ảnh, nỗi lo thường trực của người dân. Dẫu biết những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, nhưng với một số người, họ phải sống và không có sự lựa chọn, hoặc nếu có lựa chọn thì lại phải đánh đổi rất nhiều thứ.

Ở Hà Nội, nhiều năm trước, đã từng có đề xuất dự án cải tạo chỉnh trang đô thị trong những khu chung cư cũ, trong đó có việc tháo bỏ các lồng sắt, chuồng cọp ở ban công các căn hộ. Có thể thấy là việc này không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là bất khả thi. 

Rất khó có một chế tài nào đủ mạnh mẽ, lại vừa linh hoạt để có thể xử lý thấu đáo được vấn đề này. Và có lẽ, trong tương lai, chuồng cọp vẫn hiện diện như một phần tất yếu của cuộc sống, và luôn trông chờ… giải pháp.

Kim Chi

Theo Chất lượng và cuộc sống