Khởi công 3 tuyến ở cao tốc Đông Nam Bộ trước 30/4/2025

Đây là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra tại Hội nghị lần thứ 4 Hội đồng điều phối vùng Đông Nam, ngày 10/8, tại TP.HCM.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Phấn đấu khởi công các dự án cao tốc này vào dịp 30/4/2025.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc này nhằm tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các dự án đi qua địa bàn các tỉnh để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới.

Khởi công 3 tuyến ở cao tốc Đông Nam Bộ trước 30/4/2025 - Ảnh 1
Thủ tướng giao các địa phương phấn đấu khởi công các dự án cao tốc ở Đông Nam Bộ vào dịp 30/4/2025.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao TP.HCM chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội đối với Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, thời hạn trình vào kỳ họp của Hội đồng vào tháng 11/2024.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương được giao khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án lớn của vùng và liên vùng. Cụ thể đó là, đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. HCM, Trung tâm Thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối trong vùng...

TP.HCM cần 48 tỷ USD làm metro

Báo cáo tại Hội nghị về tình hình thực hiện đề án phát triển đường sắt đô thị TP. HCM, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến đến năm 2035, TP. HCM sẽ xây dựng thêm 183km đường sắt đô thị (metro), lúc đó năng lực vận tải công cộng của đường sắt đô thị chiếm 15-20%.

Đến năm 2045, TP. HCM có thêm 168 km, nâng tổng số đường sắt đô thị là 352km, năng lực vận tải công cộng chiếm từ 40 đến 50%. Đến năm 2060, hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị của TP. HCM với tổng chiều dài là 510km, năng lực vận tải công cộng chiếm 50-60%.

Để thực hiện đề án, TP.HCM xác định nguồn vốn trong nước và đầu tư công là chủ yếu. Trong đó, nhu cầu vốn đến năm 2035, TP. HCM cần khoảng 36 tỷ USD; đến năm 2045 cần 33 tỷ USD và đến năm 2060 cần 48 tỷ USD.

Số tiền này được huy động từ nguồn đầu tư công của thành phố bằng cách bố trí hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi; nguồn từ khai thác quỹ đất; nguồn từ Trung ương hỗ trợ qua các dự án trọng điểm; nguồn từ vay trái phiếu chính quyền địa phương và sẽ trả từ các nguồn thu từ ngân sách thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị cần có cơ chế vượt trội trong xây dựng đề án, giải phóng mặt bằng, huy động vốn và quản lý. TP.HCM dự kiến sẽ trình Quốc hội ban hành một nghị quyết có các cơ chế, chính sách về quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường tái định cư, huy động vốn, thủ tục dự án.

Đông Nam Bộ phát triển kinh tế chưa đạt kỳ vọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, quá trình phát triển của vùng Đông Nam bộ vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Đó là tăng trưởng kinh tế vùng 6 tháng chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, động lực tăng trưởng của vùng đang chậm lại.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế của vùng chưa thực sự bền vững, khả năng chống chịu và chưa có các giải pháp kịp thời trước các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài.

Công nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng của vùng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng là vấn đề bức xúc nhưng chậm được cải thiện, nhất là tại TP. HCM. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; liên kết vùng thiếu chặt chẽ.

 

Trần Lê

Theo VietnamFinance