Khởi công cao tốc gần 45 nghìn tỷ đồng Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188 km
Sáng 17/6, tại An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh đồng loạt khởi công 4 dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng giai đoạn 1.
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2 km, đi qua 4 tỉnh, thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và địa phương.
Trong đó, điểm đầu dự án kết nối QL91 thuộc TP.Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Trong giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, đến giai đoạn hoàn chỉnh, DA sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Theo kế hoạch, dự án đường bộ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Dự án được chia làm 4 dự án thành phần, giao cho Ủy ban Nhân dân 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua làm cơ quan chủ quản đầu tư; được áp dụng các cơ chế đặc thù như khai thác mỏ vật liệu, chỉ định thầu… Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn làm nhà thầu chính.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ Dự án cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia; được kỳ vọng là một trong 6 tuyến cao tốc thay đổi Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một vùng kinh tế trọng điểm phát triển của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững, theo Nghị quyết Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khắc phục các tồn tại hạn chế trong việc đầu tư phát triển hạ tầng vừa qua.
Dự án tuyến đường bộ cao tốc trục ngang Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng đi qua trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế-xã hội khu vực; phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế-xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mekong.