Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản
Theo các chuyên gia, để thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn cung bất động sản (BĐS) đưa ra thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp BĐS rất cần đến nguồn vốn lớn và được huy động từ nhiều kênh để đảm bảo có dòng tiền bền vững.
Cải thiện dòng vốn
Ở Việt Nam những năm gần đây, nguồn vốn thúc đẩy thị trường BĐS phát triển dần trở nên phong phú hơn. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế trong cơ chế, chính sách và phương thức quản lý, điều tiết dòng vốn cho thị trường này.
Doanh nghiệp vẫn phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng, trong khi đó nguồn vốn này đang bị kiểm soát chặt chẽ và có xu hướng ngày càng bị thắt chặt. Do đó, việc cải thiện dòng vốn cho thị trường BĐS cần là một trong những ưu tiên chính sách trong giai đoạn tới.
Chia sẻ vấn đề này tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS" do Reatimes và VIRES vừa tổ chức, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, Nhà nước đang thực hiện chương trình phục hồi thị trường BĐS. Bất cứ cản trở nào gây ra khủng hoảng với thị trường BĐS cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, những ngành liên đới. Do đó, để giải quyết được vấn đề dòng vốn cho thị trường BĐS cần sự quan tâm đồng hành của 3 chủ thể: quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, liên kết của các doanh nghiệp.
Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, để khơi thông nguồn vốn BĐS, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ đổi mới nhận thức, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Trong đó, ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, tiếp tục duy trì và cải thiện dòng vốn này cho thị trường BĐS là một trong những chính sách cần được quan tâm đúng mức trong giai đoạn tới.
Theo TS Long, chính sách tiền tệ cần được vận hành linh hoạt, nhất quán, có kế hoạch phân bổ đều nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng ổn định, có chất lượng của nguồn vốn tín dụng vào khu vực BĐS.
Bên cạnh đó, thu hút dòng vốn FDI, đầu tư gián tiếp (FII) là giải pháp lâu dài. Mặt khác, Chính phủ sớm bổ sung hành lang pháp lý và tổ chức triển khai việc hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như: Quỹ đầu tư BĐS, quỹ tín thác BĐS…
“Cùng với đó, việc siết trái phiếu doanh nghiệp nên thực hiện có lộ trình, từ từ, từng bước một. Nếu phanh quá gấp thị trường trái phiếu, sẽ gây ra các cú sốc cho thị trường, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế” - TS Long nhấn mạnh.
Cũng bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, cần có các biện pháp để thị trường BĐS có thể hồi phục và phát triển.
Cần có biện pháp để phục hồi, phát triển
PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS Việt Nam nói riêng đang có nhiều thuận lợi và cơ hội để phát triển.
Tuy nhiên, các hạn chế, thách thức cũng tiềm tàng. Chính vì thế, việc thu hút nguồn vốn để phát triển đi liền với việc hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện và chế tài nghiêm minh. Cổ phiếu và trái phiếu cũng nằm chung trong bối cảnh và giải pháp đó. Khi vận dụng và thu hút thành công, thị trường BĐS sẽ phát triển vững chắc lên cấp độ tài chính hóa và sẽ trưởng thành cùng với nền kinh tế.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới theo PGS.TS Ngô Trí Long, Bộ Tài chính cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần quán triệt thấu đáo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không lạm dụng, hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trên thị trường chứng khoán; kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm thì cũng được tạo điều kiện để khắc phục và ổn định sản xuất kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp BĐS phát triển trở lại, bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, cổ đông và việc làm cho người lao động, duy trì động lực phục hồi và phát triển kinh tế...