Người mua bất động sản Hà Nội đang dần “tỉnh giấc”, chuyển sang tâm thế thận trọng hơn?
Sau chuỗi ngày sốt nóng với những đợt tăng giá chóng mặt, người mua bất động sản tại Hà Nội đang dần tỉnh giấc. Thay vì chạy theo đám đông, họ bắt đầu tiếp cận thị trường với một tư duy tài chính sắc bén và cái nhìn thực tế hơn.
Người mua bất động sản Hà Nội chuyển hướng
Theo khảo sát khách hàng do Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Mount Group thực hiện vào tháng 5/2025 trên tệp khách hàng có tổng thu nhập hộ gia đình từ 25 triệu đồng/tháng trở lên, có tới 87% khách hàng Hà Nội thể hiện nhu cầu rõ ràng với bất động sản - bao gồm nhóm "Đang cân nhắc" và "Đang tích cực chuẩn bị mua".
Tỷ lệ này tăng nhẹ so với cuối năm 2024, phản ánh sự ổn định của thị trường bất chấp những biến động về giá và kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, hành vi mua của người dân đã có sự dịch chuyển rõ rệt. Khách hàng không còn mua theo cảm tính mà tiếp cận thị trường với tư duy tài chính ngày càng thận trọng, lên kế hoạch dài hạn và tính toán kỹ lưỡng. Theo đó, tỷ lệ khách hàng dự định mua nhà trong vòng một năm tới giảm nhẹ còn 57%, so với 65% ở cuối năm 2024.
Cũng theo khảo sát, 84% khách hàng cho biết, họ dự định mua nhà trong vòng 2 năm tới, cho thấy thị trường vẫn sôi động ở trung hạn. Sự giảm tốc ngắn hạn không phản ánh sự suy yếu mà là dấu hiệu của thị trường đang dần bước vào giai đoạn phát triển lành mạnh hơn.
Đáng chú ý, căn hộ chung cư vẫn là lựa chọn hàng đầu trong mắt người mua, với 50% khách hàng ưu tiên loại hình này, vượt xa các phân khúc khác như đất nền (31%), nhà đất thổ cư (28%), nhà liền kề (25%), biệt thự (16%) hay shophouse (15%).

Ông Trần Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Mount Group - nhận định: “Tuy nhu cầu bất động sản vẫn duy trì ở mức cao nhưng người mua đã có tâm lý thận trọng hơn, không còn quá nóng lòng ra quyết định trong ngắn hạn. Điều này phần nào thể hiện rằng người mua đang quan sát thị trường và đánh giá thông tin kỹ lưỡng”.
Không chỉ giới hạn ở địa bàn Hà Nội, người mua hiện nay đang mở rộng mối quan tâm tới các thị trường vệ tinh và khu vực phía Nam. Theo khảo sát, có tới 30% khách hàng hướng tới Hải Phòng, 20% quan tâm đến Hưng Yên và 16% cân nhắc cả thị trường TP. Hồ Chí Minh. Xu hướng này phản ánh rõ sự dịch chuyển trong tư duy đầu tư – người mua ngày càng chú trọng hơn đến yếu tố hạ tầng kết nối, mặt bằng giá hợp lý và tiềm năng sinh lời, thay vì chỉ tập trung vào khu vực trung tâm Thủ đô như trước.
Không còn tâm lý “lướt sóng”?
Về loại hình sản phẩm, chung cư tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ lựa chọn 50%, vượt trội so với đất nền (31%), nhà thổ cư (28%), liền kề (25%) hay biệt thự và shophouse. Đây là phản ánh rõ nét của tâm lý ưu tiên sản phẩm có pháp lý minh bạch, giá trị vừa tầm và dễ khai thác dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định vẫn bao trùm thị trường.
Ông Trần Minh Tiến đánh giá, thị trường bất động sản Hà Nội đang bước vào giai đoạn tăng trưởng bền vững hơn, nơi người mua tiêu dùng là lực đỡ chính, thay vì chỉ trông chờ vào nhà đầu tư lướt sóng. Đây là thời điểm mà người mua bắt đầu ưu tiên chất lượng sản phẩm, uy tín chủ đầu tư và khả năng sinh lợi dài hạn – yếu tố từng bị xem nhẹ trong giai đoạn tăng nóng.
Sự thận trọng của nhà đầu tư đã phản ánh phần nào xu hướng đầu tư bất động sản năm nay với nhiều phân khúc bất động sản.
Ông Neil MacGregor - Tổng Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam nhận định: tâm lý nhà đầu tư sẽ được cải thiện đáng kể khi những phê duyệt quy hoạch được thông qua và các dự án có thể triển khai ra thị trường.
Việc tiếp cận đất đai thuận lợi hơn thông qua đấu giá và đơn giản hóa quy trình giải phóng mặt bằng sẽ giúp tăng mạnh lượng vốn đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam.
Thị trường vùng ven sẽ được hưởng lợi rõ rệt khi hạ tầng được cải thiện, đặc biệt là những khu vực có thể cung cấp nhà ở với giá hợp lý.
Từ năm 2016 đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh ở các phân khúc nhà ở, văn phòng và bán lẻ, đặc biệt là tại địa bàn Hà Nội, TP HCM nhờ quá trình đô thị hóa nhanh và nhu cầu không gian sống hiện đại gia tăng.
Tuy nhiên, những gián đoạn do dịch bệnh, chính sách tín dụng thắt chặt và rào cản pháp lý kéo dài đã khiến thị trường bước vào giai đoạn thanh lọc sâu, với nhiều dự án bị đình trệ và tâm lý đầu tư dần thận trọng.
“Phản ứng trước thực trạng đó, các cải cách mang tính cấu trúc đã được đẩy mạnh. Việc triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi từ tháng 8/2024 giúp tháo gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục phê duyệt, tăng cường tính minh bạch - yếu tố then chốt để thu hút dòng vốn dài hạn” - ông Neil MacGregor phân tích.