Không công khai dự án 'cắm' ngân hàng, chủ đầu tư có thể bị phạt 1 tỷ đồng
Chủ đầu tư không công khai thông tin đã thế chấp dự án bất động sản có thể sẽ bị phạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, theo đề xuất của Bộ Xây dựng.
Mức phạt này hiện đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Theo như dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng đề xuất phạt 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng đối với 4 hành vi như sau:
1. Chủ đầu tư không công khai thông thông tin về việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản (BĐS) đưa vào kinh doanh.
2. Chủ đầu tư đưa BĐS vào kinh doanh nhưng không đủ các điều kiện.
3. Chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh BĐS thuộc dự án không đảm bảo các điều kiện.
4. Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không đảm bảo đầy đủ các điều kiện, đối với hành vi này, chủ đầu tư sẽ bị đình chỉ kinh doanh từ 3-6 tháng đối với các dự án có vi phạm.
Ngoài việc bị phạt tiền, chủ đầu tư còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung là đình chỉ kinh doanh BĐS từ 3-6 tháng đối với những dự án có vi phạm.
Đối với hành vi ký kết văn bản huy động vốn, việc thực hiện huy động vốn cho phát triển nhà ở chưa đủ điều kiện, doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt tiền từ 600-800 triệu đồng, Nghị định 16 hiện hành hiện không có khung tiền phạt ở mức này.
Trên thực tế trong những năm qua có không ít các dự án BĐS bị chủ đầu tư thế chấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người mua nhà, người dân cũng khốn đốn vì không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng).
Tại TP. HCM vào năm 2023, theo như thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trên địa bàn có 60 dự án nhà ở đã được chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng; trong số đó có 41 dự án thế chấp từ năm 2016-2023 và nhiều dự án thế chấp từ các năm 2008-2011 khiến nhiều người mua nhà vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Hiện có 3 loại hình mà chủ đầu tư các dự án thế chấp bao gồm:
- Thế chấp quyền sử dụng đất (đất).
- Thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (đất và nhà).
- Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (nhà trên đất).
Theo như quy định, trước khi làm thủ tục đề nghị cấp sổ hồng cho người mua nhà, chủ đầu tư phải giải chấp và nộp bản chính giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất để Sở TN&MT chỉnh lý, chuyển hình thức sử dụng đất sang hình thức sử dụng chung.
Mặc dù vậy, trên thực tế có nhiều chủ đầu tư không thực hiện xóa thế chấp khiến cho dự án bị "treo" sổ hồng trong thời gian dài, đơn cử như tại dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại, khách sạn tại ô đất HH2 khu đấu giá quyền sử dụng đất phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.