Không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, thay vì xây dựng một luật mới về xử lý nợ xấu. Việc Chính phủ nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu, cũng được Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tại phiên thảo luận tổ 12, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.  
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.  

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng, Nghị quyết 42 của Quốc hội Khóa XIV về bản chất cũng là một luật như vậy, khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan.

 “Ngành ngân hàng, Chính phủ phải tự đặt ra áp lực để vượt lên, phải giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian thực hiện kéo dài Nghị quyết 42, nhất là nhiệm vụ về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để đưa trở về trạng thái bình thường”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết theo phương án đang trình quốc hội, Nghị quyết 42 sẽ kéo dài đến hết năm 2023, là thêm 1 năm 8 tháng nữa.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023, vì việc dừng áp dụng Nghị quyết 42 trong khi chưa luật hóa, sẽ làm mất đi công cụ cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu, tạo áp lực, thách thức lớn đối với tổ chức tín dụng, tạo hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế vĩ mô.

Trung Kiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống