Khủng hoảng Evergrande: Tình thế lưỡng nan của Trung Quốc?
Chuyên gia cho hay, tình cảnh Evergrande gợi nhớ đến Lehman Brothers của Mỹ trước đây, song chính phủ Trung Quốc đang tiến thoái lưỡng nan.
Là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, có tên trong danh sách Global 500 - một trong những doanh nghiệp lớn nhất hành tinh tính theo doanh thu, song Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande đang trên bờ vực phá sản với khối nợ hơn 300 tỷ USD.
Theo chuyên gia kinh tế - Ths Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới), khủng hoảng của Evergrande cho thấy rủi ro của mô hình phát triển của Trung Quốc - nền kinh tế dựa vào bất động sản để tăng trưởng thần tốc.
Theo đó, trong giai đoạn đầu, quốc gia có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao và ồ ạt, nhưng nó rất dễ dẫn dụ nền kinh tế rơi vào vòng xoáy.
"Ban đầu, mọi thứ tăng trưởng rất tốt. Từ cảnh nghèo nàn, đất đai không có gì, ai cũng thiếu nhà cửa đến khi kinh tế phát triển, ai cũng có tiền, muốn mua nhà và giá nhà cứ thế tăng. Khi giá nhà tăng, bất động sản cũng tăng giá theo, dù có khi dự án mới chỉ đang xây dựng. Doanh nghiệp bất động sản sử dụng sự tăng giá đó để vay tiền một cách dễ dàng.
Khi vay tiền rồi, doanh nghiệp lại cảm thấy rất dễ bán, lại tiếp tục vay, rồi lại bán làm cho giá nhà tiếp tục tăng lên. Cuối cùng, thị trường bất động sản rơi vào vòng luẩn quẩn, tăng đến một mức độ nhất định thì theo quy luật, nó sẽ giảm dần.
Các thuận lợi ban đầu đã hết, những rủi ro tích lũy trong giai đoạn tăng trưởng cao như nợ nần, bong bóng... không được để ý giờ bộc lộ rõ nét. Khi nền kinh tế không thể đảm bảo đi nhanh như trước đây, các triển vọng mất đi thì tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn nhưng ở trạng thái ngược lại: giá nhà giảm, giá tài sản cũng giảm, doanh nghiệp vì thế rất khó vay ngân hàng và không thể trả lại tiền cho những người mà họ vay trước đó. Tình cảnh này tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào tình trạng phải bán rẻ nhà và tiếp tục càng khó vay, tài sản tiếp tục mất giá...", Ths Bùi Ngọc Sơn phân tích.
Evergrande đã bị rơi vào tình trạng này, mà theo ông Sơn, những tập đoàn bất động sản khác cũng vậy. Riêng với Evergrande, đây lại là tập đoàn bất động sản dẫn đầu ở Trung Quốc và là minh chứng rõ nét nhất cho mô hình tăng trưởng dựa vào bất động sản của quốc gia này. Ở thời điểm hiện tại, các rủi ro tích lũy đã bộc lộ ra và Evergrande rơi vào đúng điểm ấy.
Về phía chính phủ Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nhận định, họ đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" giữa cứu hay không cứu. Theo đó, nếu không cứu thì cũng "Chết", mà cứu thì không biết thế nào cho đủ bởi ngoài Evergrande, còn có những doanh nghiệp khác cũng không thể không cứu.
"Giống như Lehman Brothers của Mỹ, trước đây Bộ Tài chính Mỹ cũng định cứu nhưng khi họ tính toán thì thấy không thể cứu được và không đủ sức cứu, nếu có cứu thì phải cứu các doanh nghiệp khác. Do đó, Mỹ buộc Lehman Brothers phải tuyên bố phá sản.
Nhưng Mỹ khác với Trung Quốc. Mỹ là cơ chế thị trường, làm gì cũng phải tính đến chi phí cho toàn hệ thống. Còn ở đây, Trung Quốc phải tính đến các yếu tố khác ngoài kinh tế", ông Bùi Ngọc Sơn chỉ rõ và nhận định, Trung Quốc không thể cứu được Evergrande song cũng không thể bỏ mặc được, do đó cách xử lý có thể là để cho doanh nghiệp chết từ từ.
Ths Bùi Ngọc Sơn cũng nhấn mạnh đến tình cảnh của các nhà đầu tư, người mua nhà Trung Quốc đã đổ bao nhiêu tiền vào Evergrande và giờ có nguy cơ mất trắng.
Thống kê cho thấy, ngoài số nợ hơn 300 tỷ USD, Evergrande còn đang nợ người mua nhà khoảng 1,6 triệu căn hộ. Tập đoàn này còn mang nợ đối với hàng chục nghìn nhân viên.
Đầu năm nay, khi Evergrande lâm vào cảnh cạn kiệt tiền mặt, tập đoàn đã quay sang cầu cứu chính các nhân viên của mình với một thông điệp cứng rắn: nếu muốn nhận được trọn vẹn tiền thưởng của năm nay, hãy cho công ty vay tiền.
Công ty đã bắt đầu ép nhân viên cho vay từ đầu tháng 4. Khoảng 70-80% nhân viên trên khắp Trung Quốc đã nhận được yêu cầu cho công ty vay tiền, nếu từ chối thì sẽ bị giảm lương thưởng và hạ mức đánh giá thành tích.
Một số nhân viên đã xoay xở huy động tiền từ bạn bè và người thân để cung cấp cho tập đoàn khoản vay ngắn hạn. Một số thậm chí đi vay tiền ngân hàng. Các khoản vay được đóng gói thành các sản phẩm quản lý tài sản (WMP – một công cụ đầu tư có đặc tính nổi bật nhất là mức lãi suất rất cao nhưng đi kèm với đó cũng là rủi ro lớn). Và, đến tháng này, Evergrande đột ngột ngừng trả nợ cho họ.
Giờ thì các nhân viên Evergrande cũng rơi vào cảnh ngộ khốn khổ giống như những người mua nhà đang bấn loạn vì không đòi được tiền từ Evergrande. Tuần trước họ đã tụ tập bên ngoài nhiều văn phòng của Evergrande trên khắp Trung Quốc để tổ chức biểu tình.
Danh sách các chủ nợ của Evergrande rất dài. Đó là các ngân hàng, nhà cung ứng, nhà đầu tư nước ngoài. Đó là những người đã mua nhà tại các dự án của Evergrande và giờ thì họ không biết bao giờ căn hộ của mình mới hoàn thành.
Evergrande đang đối mặt với hàng loạt vụ kiện từ các chủ nợ và đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm hơn 80% kể từ đầu năm đến nay.
Ths Bùi Ngọc Sơn lưu ý, nếu Evergrande sụp đổ, nó sẽ kéo theo một làn sóng vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản, từ đó tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Điều nguy hiểm là bất động sản chiếm tới 20% GDP của nước này.
"Nếu Evergrande sụp đổ và cả lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sụp đổ, kinh tế Trung Quốc bị tác động nặng nề, rất khó gượng lại được, nhất là trong lúc có quá nhiều thứ rối ren vì bệnh dịch Covid-19.
Cho nên, một là chấp nhận cho Evergrande "chết" và đó là cú nổ khủng khiếp của thị trường. Hai là cứu Evergrande thì kinh tế Trung Quốc cũng mất nhiều sinh lực và từ nay trở đi khó có thể tiến lên được nữa.
Không có cách thoát khỏi kịch bản ấy nếu cứ đổ tiền vào bất động sản, xây nhà để lấy tăng trưởng trong khi nhà không ở được, cứ câu giờ để chờ lên giá", chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nêu rõ.