Báo động nguy cơ rủi ro trái phiếu bất động sản lãi suất cao nhìn từ 'bom nợ' Evergrande

Với khoản lãi trái phiếu đến hạn phải thanh toán hơn 130 triệu USD trong tổng số nợ khoảng 300 tỷ USD, “gã khổng lồ” địa ốc Trung Quốc Evergrande đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Đây là lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam khi “chạy đua” phát hành trái phiếu với lãi suất cao ngất.

“Bom nợ” 300 tỷ USD và khoản lãi trái phiếu “khổng lồ” của Evergrande

Câu chuyện “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc Evergrande đứng bên bờ vực sụp đổ đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, tài chính toàn cầu. Hiện Evergrande đang “oằn mình” gánh khoản nợ “siêu khủng” lên đến khoảng 300 tỷ USD.

Với số nợ này, Evergrande là công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới và phải xoay sở đủ cách để thanh toán cho nhà cung cấp và các chủ nợ.

Kỳ hạn thanh toán các khoản nợ đang đến gần, và “cửa ải” đầu tiên Evergrande cần phải vượt qua trong cuộc khủng hoảng nợ là vào thứ Năm tuần này, khi doanh nghiệp đến hạn thanh toán tiền lãi trái phiếu. Giới đầu tư toàn cầu đang quan tâm liệu Evergrande có thực hiện được nghĩa vụ thanh toán này hay không?

 Evergrande đứng trước nguy cơ vỡ nợ.  
 Evergrande đứng trước nguy cơ vỡ nợ.  
Theo dữ liệu từ S&P Global Ratings, Evergrande sẽ phải thanh toán số tiền lãi 83 triệu USD vào ngày thứ Năm (23/9). Đây là tiền lãi của một lô trái phiếu USD kỳ hạn 5 năm, với tổng mệnh giá phát hành khoảng 2 tỷ USD, nhà đầu tư nắm giữ chủ yếu là tổ chức và cá nhân nước ngoài. Trái phiếu này sẽ đáo hạn vào tháng 3/2022.

Được biết, giá trái phiếu Evergrande nói chung đã giảm khoảng 75% từ đầu năm đến nay. Lợi suất của lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 3/2022 này hiện đã tăng vọt lên mức 560%, từ mức hơn 10% vào đầu năm nay.

Đáng chú ý, mới đây Evergrande bất ngờ tuyên bố sẽ trả lãi trái phiếu nội địa đúng hạn, nhưng thay vì thanh toán bằng tiền mặt, doanh nghiệp sẽ phát cho trái chủ các phiếu giảm giá. Khoản thanh toán tiền lãi trái phiếu bằng phiếu giảm giá này có trị giá khoảng 35,88 triệu USD.

Công ty này còn một khoản đến hạn phải thanh toán lên tới 47,5 triệu USD vào ngày 29/9 tới, đây là nợ lãi cho lô trái phiếu USD khác có kỳ hạn 7 năm, đáo hạn vào tháng 3/2024.

Nếu không thể trả lãi đúng hẹn, Evergrande vẫn còn 30 ngày để thanh toán khoản tiền này theo thỏa thuận giữa các bên.

Theo giới phân tích, khi Evergrande mất khả năng thanh toán những khoản chuẩn bị đáo hạn, các nhà đầu tư sẽ phải chịu thiệt hại, trong đó nhà đầu tư nước ngoài khác sẽ gánh phần thiệt hại nhiều hơn so với các nhà đầu tư trong nước…

Lời cảnh tỉnh cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển “nóng” với lượng phát hành tăng mạnh. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản liên tục dẫn đầu về lượng phát hành cũng như lãi suất trái phiếu.

Theo Báo cáo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 2/2021của SSI Research, trong nửa đầu năm 2021, tổng lượng TPDN phát hành là 208,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2020.

Trong đó nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn dẫn đầu về lượng phát hành với 92,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,2%. SSI cho biết, lãi suất trái phiếu bất động sản bình quân 10,3%/năm, giảm 17 điểm phần trăm so với quý 1/2021. Tính chung nửa đầu 2021, lãi suất của các doanh nghiệp bất động sản phát hành vẫn neo ở mức 10,36%/năm.

Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về lượng phát hành trong nửa đầu năm 2021.    
Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về lượng phát hành trong nửa đầu năm 2021.    
Với mức lãi suất này, mặt bằng chung lãi suất trái phiếu bất động sản đang cao gấp đôi lãi suất ngân hàng, trong đó phần lớn trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc được đảm bảo bằng cổ phiếu.

Lãi suất cao trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khó khăn như hiện nay, có thể thấy khả năng doanh nghiệp có tăng trưởng mạnh để có thể trả lãi cao cho nhà đầu tư như hiện nay là rất khó. Chưa kể nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể mất khả năng trả nợ. Như vậy, rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán cả gốc và lãi trái phiếu là rất có thể xảy ra.

Chưa kể, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh, thậm chí giá trị cổ phiếu của tổ chức phát hành có thể về 0 nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hay phá sản.

Và vụ việc Evergrande là một minh chứng rõ ràng, là lời cảnh báo để các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nhìn nhận lại khả năng trả nợ của mình khi phát hành trái phiếu ồ ạt với lãi suất cao trên thị trường hiện nay.

Vào đầu tháng 9 mới đây, Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) đã cảnh báo rủi ro khi mua trái phiếu lãi suất cao của doanh nghiệp bất động sản. Đơn vị này nêu lên những nguy cơ, rủi ro đối với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất cao, nhiều lô trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.

Vụ Tài chính ngân hàng khuyến nghị: “Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu”

Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Lãi suất trái phiếu bất động sản cao gấp đôi lãi suất ngân hàng

Bất chấp mọi cảnh báo và nguy cơ rủi ro có thể xảy đến, trong bối cảnh thị trường khó khăn, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế, để huy động vốn cho các dự án không có cách nào khả dĩ hơn việc phát hành trái phiếu khi vốn tín dụng từ ngân hàng bị siết chặt. Nhiều “đại gia” địa ốc đã chạy đua phát hành trái phiếu trị giá hàng ngàn tỷ đồng với mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng.

Điển hình mới đây, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR) đã thông qua phương án phát hành đợt trái phiếu lần thứ 6 trong năm với giá trị 270 tỷ đồng, lãi suất 13%/năm.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Bất động sản Phát Đạt đã nhiều đợt phát hành trái phiếu, huy động hàng nghìn tỷ đồng với mức lãi suất khá cao so với mặt bằng chung chung của thị trường. Các lô trái phiếu của Phát Đạt thường có lãi suất trung bình 13%/năm.

Lãi suất trái phiếu nhiều doanh nghiệp bất động sản cao gấp đôi lãi suất ngân hàng.    
Lãi suất trái phiếu nhiều doanh nghiệp bất động sản cao gấp đôi lãi suất ngân hàng.    
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Phát Đạt đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất cao, có đợt phát hành lên đến 14,45%/năm. Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 2/2021 của Công ty Chứng khoán MB (MB Securities), Phát Đạt là doanh nghiệp có lãi suất phát hành cao nhất trong quý với tỷ lệ 13%.

Hiện tại Phát Đạt đang đẩy mạnh các hoạt động M&A dự án và tập trung mở rộng quỹ đất, đề xuất dự án mới…

Một “đại gia” bất động sản cũng gây nhiều chú ý với các thương vụ phát hành trái phiếu lãi suất “siêu khủng” là Tập đoàn Apec Group.

Theo thông tin từ Apec Group, kể từ 02/08/2021 doanh nghiệp chính thức phát hành 6 gói trái phiếu doanh nghiệp mới với lãi suất từ 10% - 13% và kỳ hạn từ 1 – 5 năm. Hiện trên các website về đầu tư xuất nhiều thông tin quảng cáo các gói trái phiếu của Apec với lãi suất hấp dẫn.

Trước đó, Apec Group cũng khiến giới tài chính một phen dậy sóng khi công bố kế hoạch phát hành gói trái phiếu Happy18 Bond với lãi suất 18%. Bởi đây được xem là trái phiếu có mức lãi suất “siêu khủng”, cao bậc nhất trong nhóm trái phiếu bất động sản hiện nay.

Theo kế hoạch, Apec Group sẽ huy động khoảng 3.000 tỷ đồng từ lô trái phiếu nảy. Tuy nhiên sau đó, thông tin công bố từ doanh nghiệp cho biết gói trái phiếu này chỉ huy động được 8,1 tỷ đồng.

Thực tế này cho thấy, không phải cứ đưa ra mức lãi suất cao thì trái phiếu sẽ thu hút được các nhà đầu tư. Bởi lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Nhất là đối với mức lãi suất cao “đột biến”, các nhà đầu tư sẽ càng trở nên thận trọng và cân nhắc hơn.

Tháng 6 vừa qua, Nhà Khang Điền thông qua phương án phát hành riêng lẻ tối đa 400 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, kỳ hạn 4 năm với lãi suất cố định 12%/năm. Thời gian phát hành chậm nhất quý 3 năm nay, ngày cụ thể do Tổng giám đốc quyết định.

Với lãi suất 12%/năm, trái phiếu của Nhà Khang Điền cũng thuộc TOP cao trong nhóm trái phiếu bất động sản. Tính đến hết quý 2/2021, nợ vay trái phiếu của doanh nghiệp này là 582 tỷ đồng, kỳ hạn trả vào tháng 12/2021 và tháng 6/2022 và tháng 6/2025, lãi suất 12%/năm.

Lãi suất trái phiếu Nhà Khang điền ở mức 12%  
Lãi suất trái phiếu Nhà Khang điền ở mức 12%  
Mới đây, Hải Phát Invest cũng vừa phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất thấp nhất là 11% mỗi năm. Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của công ty.

Thời gian qua, Hải Phát Invest liên tục huy động vốn từ trái phiếu, tính đến cuối tháng 6/2021, tổng giá trị trái phiếu đã phát hành trước đó của doanh nghiệp đạt gần 3.300 tỷ đồng. Riêng đầu năm 2021 đến nay, công ty đã huy động cả nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất cao với khối lượng lớn như: Công ty CP Bông Sen (4.800 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Big Gain (1.000 tỷ đồng)… Kỳ hạn phát hành từ 1-4 năm, lãi suất dao động từ 8,2-13%/năm.

Nhiều “ông  lớn” như Vinaconex, Tân Hoàng Minh, Tiến Phước, Đất Xanh, BCG Land, Bất động sản An Gia, Cengroup… cũng không nằm ngoài xu hướng này khi liên tục huy động vốn qua trái phiếu, bổ sung nguồn vốn để mở rộng đầu tư, triển khai các dự án…

Với lãi suất hấp dẫn, cao hơn khá nhiều so với lãi suất tiết kiệm của ngân hàng hiện nay nên trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, bấp chấp cảnh báo từ các cơ quan chức năng, giới chuyên gia tài chính và các đơn vị nghiên cứu thị trường…

Hải Lan

Theo Sở hữu trí tuệ