Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 3 tháng cuối năm?

Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024 đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng doanh nghiệp bất động sản quay lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm đã tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2023.

PCác bên tham gia thị trường chuẩn bị “tăng tốc” với tâm thế mới

Đại diện Dat Xanh Services – FERI nhận định, các chỉ số tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, quy mô vốn và nhân sự trong 9 tháng đầu năm 2024 đều cho thấy thị trường bất động sản đang có những chuyển biến theo hướng tích cực. Niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp vào thị trường bất động sản đang dần được khôi phục, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định hơn trong thời gian tới.

Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 3 tháng cuối năm? - Ảnh 1

Theo thống kê mới đây của Dat Xanh Services – FERI, có 3.446 doanh nghiệp bất động sản mới được thành lập trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, quy mô vốn bình quân trên mỗi doanh nghiệp thành lập mới đã tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp bất động sản, quy mô nhân sự cũng được tiếp tục mở rộng. Số lao động trong lĩnh vực bất động sản cũng tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Dat Xanh Services, sau giai đoạn "phòng thủ" đầy thận trọng, thị trường bất động sản đang dần chuyển mình sang giai đoạn "tấn công". Thị trường 3 tháng cuối năm 2024 được dự báo sẽ “vào nhịp” với nhiều điểm sáng đáng chú ý.

Trong đó, dự báo thị trường bất động sản cuối năm sẽ diễn ra 3 kịch bản.

Kịch bản lý tưởng: Nguồn cung mới tăng mạnh 40% - 50%, lãi suất thả nổi ở mức 8% - 9%, giá bán tăng 10-15% và tỷ lệ hấp thụ đạt 40-45%. Đây là kịch bản lạc quan nhất, kỳ vọng vào sự phục hồi sớm của thị trường.

Kịch bản kỳ vọng: Nguồn cung mới tăng 25-35%, lãi suất thả nổi ở mức 9-11%, giá bán tăng 5-10% và tỷ lệ hấp thụ đạt 35-40%. Đây là kịch bản khả thi nhất, phản ánh sự tăng trưởng được cải thiện tích cực hơn của thị trường.

Kịch bản thách thức: Nguồn cung mới tăng 10% - 20%, lãi suất thả nổi lên tới 10-12%, giá bán tăng 3-5% và tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 20-25%. Đây là kịch bản cẩn trọng nhất, là dấu chỉ của việc thị trường đi vào chu kỳ hồi phục chậm.

Đại diện Dat Xanh Services – FERI cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đang bắt đầu “vào nhịp” chạy đà cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Dù thị trường vẫn còn nhiều thách thức, nhưng sẽ phát triển minh bạch, ổn định và bền vững hơn. Dự báo các yếu tố vĩ mô dần đi vào ổn định; Các bên chuẩn bị “tăng tốc” với tâm thế mới; Nguồn cung dự báo cải thiện hơn; Niềm tin dần trở lại, kéo theo nhu cầu tăng.

Thị trường vẫn cần “vượt khó” trong giai đoạn mới

Theo ông Ngô Hữu Trường - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, thị trường bất động sản đang xuất hiện những dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Cụ thể, thị trường bất động sản vẫn đang chịu nhiều tổn thương, bao gồm các khách hàng bị ảnh hưởng và lòng tin của thị trường chưa thể phục hồi.

Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 3 tháng cuối năm? - Ảnh 2

Về phía các chủ đầu tư, nhiều công ty bất động sản đang đối mặt với khó khăn pháp lý, lượng hàng tồn kho còn lớn, và dòng tiền bị gián đoạn. Chi phí đầu vào cho việc triển khai dự án mới cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng cũ vẫn gặp trở ngại, dẫn đến chi phí tăng cao và việc định giá thị trường khó có thể giảm. Thời gian chờ đợi pháp lý càng lâu thì chi phí càng gia tăng.

Ông Trường cho rằng cần phải chọn đúng thị trường, đúng phân khúc, và hướng đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng. Tập trung vào các sản phẩm bất động sản có giá trị thực, nhà ở thật. Tiếp theo là đúng thời điểm, chọn đúng "điểm rơi" để dự án có thể triển khai nhanh chóng và hấp thụ tốt. Đồng thời, cần phải định giá đúng.

Trước đây, khi thị trường phát triển mạnh, chúng ta dễ dàng tăng giá, nhưng hiện nay cần phải cắt giảm chi phí hợp lý và định giá phù hợp để thị trường dễ dàng hấp thụ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tập trung vào đúng phân khúc khách hàng. Song song đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, gia tăng các giao dịch mua bán, sáp nhập để thu hút nguồn vốn mới. Bản thân doanh nghiệp cũng cần phải tái hoạch định chiến lược và phát triển một cách bài bản hơn.

Minh Đăng

Theo Chất lượng và cuộc sống