Kido hoãn trả cổ tức đặc biệt 5.000 đồng và gia nhập ngành nước mắm
CTCP Tập đoàn Kido vừa cho biết sẽ tạm hoãn thực hiện chốt danh sách cổ đông để chi cổ tức đặc biệt bằng tiền 5.000 đồng/cổ phiếu, tức tỷ lệ 50%.
Việc trả cổ tức đặc biệt được thông qua tại đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 tổ chức vào 20/12/2022. Sau đó, Kido thông báo 20/3 là ngày đăng ký cuối cùng và 6/4 là ngày chi trả cổ tức đặc biệt. Tổng số tiền Kido dự kiến chi trả là 1.286 tỷ đồng.
Ngày 23/2, Kido cho biết tạm hoãn việc chi trả cổ tức đặc biệt này, ngày chốt danh sách cổ đông và thời gian chi trả sẽ được thông báo sau.
Có lẽ việc chi ra 1.286 tỷ đồng để trả cổ tức đặc biệt trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng cao, kinh tế khó khăn sẽ khiến nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh suy yếu nên Kido đã ra quyết định tạm hoãn này. Tại ngày 31/12/2022, Kido có 3.920 tỷ đồng nợ vay ngân hàng, 1.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và phải trả 233 tỷ đồng lãi vay trong năm 2022. Ngoài ra, Kido chỉ còn 1.100 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng dưới 3 tháng sẽ không đủ cho việc trả cổ tức đặc biệt này.
Năm 2022, doanh thu thuần của Kido đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 12.520 tỷ đồng, tăng 2.023 tỷ đồng tương đương 19,3% so cùng kỳ năm trước (YoY). Lợi nhuận gộp đạt 2.280 tỷ đồng, tăng 228 tỷ đồng (+11,1% YoY) nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp đã giảm về 18,2% từ mức 19,5% của năm 2021.
Doanh thu tài chính đạt 281 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng (+75,6% YoY), lãi trong công ty liên doanh liên kết đạt 104 tỷ đồng, giảm 6 tỷ đồng (-5,8% YoY), lợi nhuận khác đạt 17 tỷ đồng, tăng 17 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận gộp, doanh thu tài chính, lãi trong công ty liên doanh liên kết và lợi nhuận khác đã mang về Kido 2.681 tỷ đồng, tăng 360 tỷ đồng (+15,5% YoY).
Thế nhưng trong năm 2022, các loại chi phí của Kido đều tăng mạnh đạt 2.171 tỷ đồng, tăng 538 tỷ đồng (+32,9% YoY). Cụ thể, chi phí tài chính đạt 306 tỷ đồng, tăng 113 tỷ đồng (+58,3%), chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 1.453 tỷ đồng, tăng 256 tỷ đồng (+21,4% YoY), chi phí bán hàng đạt 411 tỷ đồng, tăng 169 tỷ đồng (+69,5% YoY).
Kết thúc năm 2022, Kido đạt 510 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 177 tỷ đồng (-25,8% YoY) và 351 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ, giảm 239 tỷ đồng (-40,5% YoY).
Với kết quả trên, Kido chỉ hoàn thành 89,4% kế hoạch doanh thu và 56,7% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022.
Ngoài việc tạm hoãn trả cổ tức đặc biệt 5.000 đồng/cổ phiếu, Kido còn thông báo góp vốn thành lập CTCP Thực phẩm và Gia vị TA với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó, Kido sở hữu 98%. Công ty mới thành lập có ngành nghề chính là chế biến và bảo quản nước mắm.
Song song đó, Kido sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của đại hội đồng cổ đông. Ngày đăng ký cuối cùng là 8/3, thời gian thực hiện lấy ý kiến từ 16/3 - 29/3.
Đóng cửa ngày 24/4, cổ phiếu KDC của Kido đạt 55.800 đồng/cổ phiếu, giảm 14,2% so với đầu năm. Ở mức giá này, vốn hóa của Kido đạt 14.790 tỷ đồng.