Kiến nghị đóng cửa TTTM bán đồ hiệu giả: Không bất ngờ

Nhiều luật sư không bất ngờ trước việc trung tâm thương mại Saigon Square bị cơ quan chức năng kiến nghị đóng cửa vì để bán nhiều hàng giả.

Ngày 20/1, Cục Quản lý thị trường TP.HCM xác nhận đã kiến nghị lên UBND TP.HCM, đề nghị cho đóng cửa Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1, TP.HCM) vì nơi đây kinh doanh nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, tại Trung tâm thương mại Saigon Square đang kinh doanh nhiều hàng hóa về thời trang, túi xách, đồng hồ, giày dép… Tuy nhiên, tại đây có nhiều mặt hàng giả các thương hiệu nổi tiếng, không có hóa đơn, xuất xứ rõ ràng.

Khi đơn vị tổ chức kiểm tra thì các chủ quầy sạp bất hợp tác, đối phó bằng cách tạm thời đóng cửa, gây khó khăn. còn chủ đầu tư Saigon Square cũng chưa có sự hợp tác với cơ quan chức năng để xử lý người thuê quầy sạp vi phạm.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hải - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, Saigon Square được doanh nghiệp kinh doanh bất động sản xây dựng và đứng ra quản lý nên không có đầy đủ thẩm quyền, chuyên môn kiểm tra, xử phạt như các cơ quan quản lý thị trường.

"Về nguyên tắc thì đơn vị quản lý chợ chỉ đảm bảo về mặt an ninh, PCCC và quản lý các chủ cửa hàng ra vào tại khu trung tâm thương mại. Còn chuyện quản lý hàng giả, hàng nhái trách nhiệm chính thuộc về đơn vị QLTT" - ông Hải nói.

Kiến nghị đóng cửa TTTM bán đồ hiệu giả: Không bất ngờ - Ảnh 1
Cục Quản lý thị trường TP. HCM kiến nghị đóng cửa trung tâm thương mại Saigon Square vì bán nhiều hàng giả.

Tuy nhiên, ông Hải cho biết, nếu trung tâm mua sắm Saigon Square đã xảy ra nhiều vụ việc bày bán hàng nhái, không rõ nguồn gốc mà đơn vị quản lý trung tâm này không có quy định nghiêm, xử lý các tiểu thương vi phạm trong khu vực chợ mình quản lý thì đã vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

"Vấn đề quản lý hàng giả, hàng nhái... không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng chuyên môn mà còn là nghĩa vụ của mỗi công dân, doanh nghiệp sống và làm việc tại Việt Nam. Các cá nhân, tổ chức đều có quyền tố giác khi phát hiện cá nhân, tập thể có biểu hiện sai phạm" - ông Hải nói.

Từ đó, ông Hải cho rằng, việc kiến nghị đóng cửa trung tâm thương mại Saigon Square của Cục Quản lý thị trường TP.HCM để chấn chỉnh không khiến mọi người bất ngờ, cũng không vi phạm về mặt quản lý.

Còn Luật sư Phạm Văn Hữu - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, để xảy ra tình trạng tiểu thương bày bán hàng giả, hàng nhái trong trung tâm mua sắm nhiều lần thì đơn vị quản lý trung tâm này không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Bởi các tiểu thương này sai phạm trong khu vực doanh nghiệp quản lý.

"Doanh nghiệp quản lý Saigon Square cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, có chế tài xử lý với các doanh nghiệp vi phạm như hủy hợp đồng thuê mặt bằng, đưa doanh nghiệp vi phạm vào "danh sách đen" không cho mở rộng hoặc thuê thêm diện tích tại chợ... Có như thế mới mong chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật tại chợ dược phẩm" - ông Hữu bày tỏ.

Thế nhưng, khi cơ quan chức năng đã có thông điệp cảnh báo và đề nghị phối hợp để ngăn chặn hành vi buôn bán hàng giả, không rõ nguồn gốc mà đơn vị quản lý trung tâm thương mại không phối hợp thì đây được xác định là hành vi vi phạm.

Ông Hữu cho rằng, việc đóng cửa trung tâm thương mại Saigon Square trong bối cảnh hiện tại là cần thiết, đó vừa là hành thức xử phạt cũng vừa là hình thức để chấn chỉnh lại cách thức hoạt động của đơn vị này.

Trung tâm thương mại Saigon Square do Công ty TNHH Phan Thành làm chủ đầu tư. Trong năm 2020, Cục Quản lý thị trường TP. HCM đã kiểm tra, xử phạt 38 vụ trong chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Saigon Square, tịch thu tiêu hủy gần 3.000 đơn vị sản phẩm quần áo, túi xách, ba-lô, ví, giày dép, đồng hồ... giả nhãn hiệu, không xuất xứ, trị giá gần 3 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, trong nhiều đợt kiểm tra, chủ kinh doanh thường không có mặt tại sạp, chỉ có nhân viên được thuê bán. Các chủ hàng vi phạm thường cố tình tránh né hoặc đối phó bằng cách khóa cửa, kéo màn che sạp, bỏ đi nơi khác...

Cơ quan chức năng còn nghi ngờ lực lượng bảo vệ của Saigon Square trở thành người hỗ trợ bằng cách báo động, kéo dài thời gian đo thân nhiệt để người kinh doanh có thời gian đóng sạp, trốn đi nơi khác.

Theo ông Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4, Trung tâm thương mại Saigon Square, Lucky Plaza, chợ Bến Thành (Q.1) được xác định là các điểm nổi cộm buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, giả nhãn hiệu... và ngày càng diễn biến phức tạp.

Đáng nói, sau khi lực lượng chức năng tuyên truyền thì 100% hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Nhưng thực tế, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó lực lượng kiểm tra, như phân tán nhỏ hàng hóa, bày bán lẫn lộn với các mặt hàng cùng chủng loại có hóa đơn chứng từ...

Ông Hải cho biết đề xuất dẹp bỏ TTTM Saigon Square vì nơi đây phần lớn buôn bán hàng hóa vi phạm quy định pháp luật. Ngay cả xét tiêu chí thành lập đơn vị kinh doanh này cũng chưa đạt, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ... không thể hiện văn minh thương mại.

Thế nhưng, hiện các ban ngành chưa thống nhất được và chưa có giải pháp cụ thể mang tính trách nhiệm quản lý địa bàn, tập trung vào các điểm kinh doanh nổi cộm như Saigon Square.

Ngọc Khánh

Theo Đất Việt