Kiến nghị xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay sản xuất và tiêu dùng

Bộ trưởng Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều hành tín dụng sao cho nguồn vốn tín dụng chảy vào khu vực sản xuất và xuất khẩu để tiếp sức cho doanh nghiệp. Xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay đối với sản xuất và tiêu dùng để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng 3/3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hai tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới giảm sút, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu…

Việc suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động đến sản xuất và xuất khẩu nhanh hơn dự kiến. 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập giảm khoảng 13%. Tuy nhiên, cán cân thương mại tiếp tục ở mức xuất siêu 2,82 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13% so với cùng kỳ, quy mô và tốc độ tăng đang dần bắt kịp với với tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước dịch bệnh.

Kiến nghị xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay sản xuất và tiêu dùng - Ảnh 1

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên,2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập giảm khoảng 13%.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của sự suy giảm này đến từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Trong đó các yếu tố bên ngoài là cạnh tranh chiến lược các nước lớn, xung đột tại Ukraine khiến giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng và logistics toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN) trong nước. Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng. Xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Các yếu tố bên trong bao gồm sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm. Thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất. Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ. Các DN còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, dự báo tình hình quốc tế thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp, từ đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, thời gian tới cần tập trung phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa; đẩy mạnh phát triển thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước.

Để thực hiện được các giải pháp này, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu, Bộ trưởng Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều hành tín dụng sao cho nguồn vốn tín dụng chảy vào khu vực sản xuất và xuất khẩu để tiếp sức cho doanh nghiệp. Xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay đối với sản xuất và tiêu dùng để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.

Đối với các địa phương, Bộ trưởng đề nghị phối với các bộ, ngành đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu. Tham dự Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hàng tháng và các buổi đối thoại doanh nghiệp...

Nguyệt Minh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam