Kinh Bắc (KBC) của ông Đặng Thành Tâm phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu với mục đích gì?
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã CK: KBC) vừa công bố thông tin về tình hình sử dụng vốn thu được từ các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trước đó.
Theo thông tin được Kinh Bắc công bố, doanh nghiệp đã sử dụng 2.800 tỷ đồng trái phiếu của 5 đợt phát hành vào các mục đích khác nhau như thanh toán lãi trái phiếu và trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng cũng như đầu tư phát triển dự án.
Cụ thể, KBC đã sử dụng 200 tỷ đồng từ lô trái phiếu mã KBC2020.200 để chuyển tiền hợp tác kinh doanh cho CTCP Khu công nghiệp (KCN) Sài Gòn - Bắc Giang (công ty con của Kinh Bắc), để góp vốn kinh doanh thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Quang Châu, Bắc Giang.
Cùng với đó, công ty cũng sử dụng 400 tỷ đồng từ lô trái phiếu mã KBCH2123001 để cho CTCP KCN Sài Gòn - Hải Phòng vay, nhằm bổ sung vốn lưu động, tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, dùng 200 tỷ đồng lô trái phiếu mã KBC2020.VB, để chi tiền đền bù hạ tầng KCN, thanh toán chi phí xây dựng, cải tạo sửa chữa KCN và thanh toán chi phí xây dựng dự án Láng Hạ.
Đối với 1.000 tỷ đồng từ lỗ trái phiếu mã KBCH2123002, công ty đã dùng 785 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu cũng như trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và đơn vị khác, dùng 215 tỷ đồng để thanh toán chi phí hoạt động của công ty và góp vốn vào Công ty TNHH MTV Kinh Bắc - Đà Nẵng.
Mục đích sử dụng vốn 1.000 tỷ đồng từ lô trái phiếu KBCH2123002. |
Và cuối cùng là sử dụng 1.000 tỷ đồng từ lô trái phiếu mã KBCH2124003, để tăng quy mô vốn hoạt động cho công ty và hợp tác với công ty con/công ty liên kết để thực hiện các dự án bất động sản KCN bao gồm dự án Tràng Duệ mở rộng tại huyện An Lão, TP Hải Phòng.
Về tình hình kinh doanh của Kinh Bắc, kết thúc quý II/2022 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần giảm 47% so với cùng kỳ về 395 tỷ đồng. Biên lãi gộp của doanh nghiệp cũng giảm từ 50% ở cùng kỳ về 40% trong quý II.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 56% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 251,3 tỷ đồng về 197,54 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 176%, tương ứng tăng thêm 57,57 tỷ đồng lên 90,28 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 21,6%, tương ứng tăng thêm 28,29 tỷ đồng lên 159,46 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 27,8%, tương ứng giảm 37,46 tỷ đồng về 97,2 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 787,3%, tương ứng tăng thêm 1.697,59 tỷ đồng lên 1.913,22 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 1.086,9 tỷ đồng, giảm 60,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.456,7 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Một số chỉ tiêu tài chính của Kinh Bắc (Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2022 của KBC). |
Trong năm 2022, Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành được 54,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 662,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 51,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 937,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 144,5 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Kinh Bắc tăng 9% so với đầu năm lên 33.771,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 11.763,6 tỷ đồng, chiếm 34,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 11.538 tỷ đồng, chiếm 34,2% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 4.783,7 tỷ đồng, chiếm 14,2% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 3.118,7 tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng tài sản.
Trong kỳ, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 31,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.459,4 tỷ đồng về 3.118,7 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 23,5%, tương ứng tăng thêm 2.192,5 tỷ đồng lên 11.538 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn tăng 109,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.495,9 tỷ đồng lên 4.783,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 2,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 166 tỷ đồng về 6.887,8 tỷ đồng và chiếm 20,4% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm 22,8% tổng nguồn vốn).