Kinh Bắc vay 460 tỷ đồng và bảo lãnh khoản vay 320 tỷ đồng của các công ty con

Kinh Bắc vừa chấp thuận bảo lãnh khoản vay 320 tỷ cho một công ty con. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tiến hành vay vốn từ 2 công ty con khác với số tiền lên tới 460 tỷ đồng...

Có khách thuê lớn như LG, Foxconn, Luxshare, Canon và GoerTek, nhưng Kinh Bắc (KBC) đang đối mặt vấn đề gì?

Kinh Bắc vừa chấp thuận bảo lãnh khoản vay 320 tỷ cho một công ty con. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tiến hành vay vốn từ 2 công ty con khác với số tiền lên tới 460 tỷ đồng...

HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (Mã CK: KBC) vừa thông qua việc vay vốn công ty con là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hình thức tín chấp.

Hạn mức vay là 150 tỷ đồng, có thể giải ngân nhiều lần tương ứng với từng hợp đồng vay vốn cụ thể cho đến khi giải ngân hết hạn mức. Thời hạn khoản vay là hai năm. Khoản vay có thể được tất toán trước hạn, đúng hạn hoặc gia hạn bằng văn bản.

Trước đó, vào đầu tháng 12. Kinh Bắc cũng vay theo hình thức tín chấp từ CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang số tiền 200 tỷ đồng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian vay tối đa 2 năm. Như vậy, tổng số tiền Kinh Bắc Vay từ công ty con CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang cả hai lần là 350 tỷ đồng.

Kinh Bắc vay 460 tỷ đồng và bảo lãnh khoản vay 320 tỷ đồng của các công ty con - Ảnh 1
Nghị quyết HĐQT Kinh Bắc về việc vay vốn CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang

Cuối tháng 11 (ngày 29/11), HĐQT Kinh Bắc cũng thông qua việc vay tín chấp 110 tỷ đồng từ một công ty con khác Công ty TNHH Phát triển Cơ sở hạ tầng Công nghiệp Tân Tập với kỳ hạn một năm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như vậy, chỉ trong chưa đầy một tháng, từ ngày 29/11 – 13/12, số tiền Kinh Bắc vay từ công ty con lên tới 460 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, ngày 15/12, Kinh Bắc công bố thông tin về việc chấp thuận bảo lãnh khoản vay cho công ty con. Theo đó, HĐQT Kinh Bắc đã thông qua việc chấp thuận bảo lãnh cho khoản vay 320 tỷ đồng của CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Ngô Quyền.

Mục đích khoản vay là để thanh toán các khoản chi phí đầu tư hợp pháp của Dự án Đầu tư nhà xưởng tại KCN Quế Võ và KCN Quế Võ mở rộng để cho thuê và bán thương mại. Thời hạn bảo lãnh tính từ ngày 15/12/2022 đến khi toàn bộ nghĩa vụ được bảo đảm của bên vay đã được thực hiện xong.

Tính đến cuối quý 3/2022, Kinh Bắc có 15 công ty con. Trong đó, với Công ty TNHH Phát triển Cơ sở hạ tầng Công nghiệp Tân Tập, tính tới 30/9/2022, Kinh Bắc đang sở hữu 86,54% vốn tại doanh nghiệp này và ghi nhận là đầu tư vào công ty con, đơn vị có địa chỉ tại 531E Khu phố 5, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, Long An và hoạt động chính là kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan.

Đồng thời, Kinh Bắc cũng đang sở hữu 88,06% vốn tại CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản, hiện đang chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Quang Châu nằm tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Dự án có tổng diện tích 426 ha, trong đó tổng diện tích đất thương phẩm là 303,7 ha, đã lấp đầy 96,8% hết năm 2021; diện tích đất thương phẩm còn lại 9,77 ha, diện tích đất còn phải đền bù hơn 13,5 ha.

Liên quan đến CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang, trước đó, ngày 24/11, người sở hữu trái phiếu đồng ý cho Kinh Bắc bổ sung tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu mã KBCH2123002. Cụ thể, Kinh Bắc sẽ bổ sung 1,1 triệu cổ phiếu của CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang vào tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu mã KBCH2123002.

Trong đó, giá trị tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu bằng tối thiểu 160% tổng giá trị mệnh giá trái phiếu đang lưu hành. Việc bổ sung tài sản bảo đảm không gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ gốc, lãi trái phiếu đã phát hành.

Theo tìm hiểu, trái phiếu mã KBCH2123002 phát hành ngày 3/6/2021, mệnh giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 10,5%/năm và tài sản đảm bảo là 70,7 triệu cổ phiếu KBC thuộc sở hữu của bên thứ 3.

Kinh Bắc vay 460 tỷ đồng và bảo lãnh khoản vay 320 tỷ đồng của các công ty con - Ảnh 2
Dự án khu công nghiệp Quang Châu - Bắc Giang do CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang làm chủ đầu tư

Trong một diễn biến đáng quan tâm, ngày 28/12, Kinh Bắc dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 lần 2 tại trụ sở Công ty ở Bắc Ninh. Đại hội dự kiến sẽ thông qua nhiều nội dung đáng chú ý như kế hoạch kinh doanh năm 2023, báo cáo về việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022, phương án mua lại cổ phiếu, kế hoạch trả cổ tức bằng tiền, giao dịch giữa các bên liên quan …

Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 1.288,53 tỷ đồng, giảm 58,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.136,51 tỷ đồng, tăng 191,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 47,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KBC đang có nhịp hồi phục khá mạnh sau khi "trượt" về vùng đáy 2 năm vào ngày 10/11. Trong phiên sáng 16/12, KBC đao dao động quanh vùng giá 23.000 đồng/cp.

Mới đây, Chủ tịch HĐQT KBC - ông Đặng Thành Tâm đã hoàn tất việc mua vào 25 triệu cổ phiếu. Cụ thể, từ ngày 15/11 đến ngày 13/12, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc vừa mua vào toàn bộ 25 triệu cổ phiếu đăng ký để nâng sở hữu từ 14,81% lên 18,06% vốn điều lệ, tương đương nắm giữ gần 139 triệu cổ phiếu.

Tạm tính theo mức giá đóng cửa trung bình những ngày diễn ra giao dịch là 19.400 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Đặng Thành Tâm đã chi khoảng 486 tỷ đồng cho giao dịch trên.

Bình Nguyên

Theo Sở hữu trí tuệ