Kinh Bắc (KBC) tự tin lên kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng, liệu sẽ lại tiếp tục “vỡ mộng”?
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) sẽ tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận 3.200 tỷ đồng trong năm 2025. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đặt dấu hỏi vì đã nhiều năm qua, doanh nghiệp đều không hoàn thành mục tiêu đề ra.
![]() |
Ảnh minh hoa. |
Tự tin do đâu?
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) mới đây đã công bố các tờ trình để chuẩn bị cho ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào ngày 6/3 tới đây, với các nội dung về kế hoạch kinh doanh năm 2025 và giao dịch với các bên liên quan.
Trong đó, đáng chú, doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu hợp nhất dự kiến 10.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức thực hiện năm 2024. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế mục tiêu đạt 3.200 tỷ đồng, cao gấp 7 lần cùng kỳ.
![]() |
Nguồn: KBC. |
Sở dĩ, doanh nghiệp này tự tin đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng trên là do theo KBC, doanh nghiệp dự kiến cho thuê đất khu công nghiệp năm 2025 có thể đạt hơn 200 ha, đến từ KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, cụm công nghiệp Hưng Yên, KCN Tràng Duệ 3. Do đó, doanh nghiệp này lên kế hoạch lợi nhuận năm 2025 cao gấp 7 lần năm trước.
Nói về mục tiêu tham vọng trong năm nay, KBC cho hay các khu công nghiệp của Công ty đều đón nhận tín hiệu tích cực về pháp lý của các dự án và thu hút đầu tư ngay từ đầu năm 2025, trong đó KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, cụm công nghiệp Hưng Yên đã ký kết được các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận đặt cọc với diện tích cho thuê lớn.
Do đó, KBC dự kiến tổng diện tích cho thuê năm 2025 có thể đạt hơn 200 ha, đến từ KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, cụm công nghiệp Hưng Yên, KCN Tràng Duệ 3. Đồng thời, ghi nhận doanh thu từ nhà ở xã hội (NOXH) thị trấn Nếnh, NOXH khu đô thị Tràng Duệ và tiếp tục xây dựng các tòa NOXH tại 2 dự án.
Ngoài ra, khu đô thị Tràng Cát đã đền bù, nộp tiền sử dụng đất đang tiến hành đầu tư hạ tầng và đã đạt được giấy tờ pháp lý quan trọng, dự án dự kiến đưa vào kinh doanh từ năm 2025; KCN Lộc Giang - Long An có quy mô 466 ha đã đền bù được 110 ha, đang tiếp tục đầu tư hạ tầng, có thể sớm được đưa vào kinh doanh.
Đặc biệt, trong tháng đầu năm, KCN Tràng Duệ 3 (diện tích hơn 652,7 ha), dự án khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát (gần 585 ha) tại Hải Phòng và dự án KCN Kim Thành 2 giai đoạn 1 (gần 235 ha) tại Hải Dương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Liệu có tiếp tục vỡ mộng?
Thực tế, năm 2025 không phải là năm đầu tiên Đô Thị Kinh Bắc đưa ra kết hoạch kinh doanh tham vọng. Trong giai đoạn 2022 – 2024, doanh nghiệp đưa ra kế hoạch doanh thu 9.000 – 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận lên đến 4.000 – 4.500 tỷ đồng, song tỷ lệ thực hiện tương đối khiêm tốn.
Như năm 2024, kế hoạch kinh doanh của KBC là doanh thu 9.000 tỷ và lợi nhuận 4.000 tỷ đồng. Thực tế, Đô thị Kinh Bắc chỉ thực hiện được 3.334 tỷ đồng doanh thu, bằng 37% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 450 tỷ đồng, bằng 11,5% kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu trong năm 2024 hầu hết các dự án mà tổng công ty kỳ vọng đưa vào đầu tư kinh doanh và ghi nhận doanh thu như khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, khu công nghiệp Tràng Duệ 3, khu đô thị Tràng Cát, khu đô thị Phúc Ninh… đều chưa được tháo gỡ các thủ thục pháp lý kịp thời.
Theo thống kê trong hơn 1 thập kỷ qua, số năm Đô thị Kinh Bắc có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh rất thấp, chỉ 2 – 3 năm. Kể từ năm 2020 đến nay, chưa năm nào doanh nghiệp có thể hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận được giao, tỷ lệ thực hiện vào khoảng 30% - 56%.
Với việc tiếp tục lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận “khủng” lại khiến nhiều nhà đầu tư phải đặt dấu hỏi liệu KBC có thể hiện thực hóa tham vọng qua đó chấm dứt chuỗi “vỡ kế hoạch hàng năm” hay không? Hay sẽ lại tiếp tục vỡ mộng? Câu trả lời phải đợi hết năm 2025 mới có thể biết được.
Chào báo 250 triệu cổ phiếu
Bên cạnh việc đặt ra kế hoạch kinh doanh năm nay, hiện tại Kinh Bắc cũng đang triển khai kế hoạch chào bán 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Đã có 11 nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu.
Cụ thể, ĐQT KBC đã thông qua hồ sơ đăng ký chào bán 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Hồ sơ bao gồm giấy đăng ký chào bán, nghị quyết phương án, điều lệ doanh nghiệp và các tài liệu liên quan. Tỷ lệ chào bán dự kiến tương đương 32,57% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Giá chào bán tối thiểu là 16.200 đồng/cp, trong khi mức tối đa được đặt ở 80% giá trung bình của 30 phiên giao dịch liên tiếp trước thời điểm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Thời gian và giá chào bán chính thức sẽ được thông báo sau khi nhận phê duyệt.
Số tiền KBC dự kiến huy động là 6.250 tỷ đồng - trong đó, 6.090 tỷ đồng được sử dụng để cơ cấu nợ, giải ngân trong năm 2025, còn 160 tỷ đồng dành cho bổ sung vốn lưu động.
![]() |
Danh sách 11 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phiếu của đợt chào bán 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ của KBC (Nguồn: KBC). |
Bên cạnh đó, KBC cũng công bố danh sách 11 nhà đầu tư tham gia đợt chào bán, trong đó: CTCP Quản lý Quỹ SGI (dự kiến mua 48,97 triệu cổ phiếu); Phạm Khánh Duy (39 triệu cổ phiếu); Trình Bảo Duy Tân (38 triệu cổ phiếu); Nguyễn Hồng Nhung và Nguyễn Hoàng Thanh Thanh (mỗi người 35 triệu cổ phiếu); CTCP Chứng khoán VPBank (20 triệu cổ phiếu); Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (13 triệu cổ phiếu); Vietnam Enterprise Investments Limited (10 triệu cổ phiếu); Amersham Industries Limited (8 triệu cổ phiếu); DC Developing Markets Strategies Plublic Limited Company (2,5 triệu cổ phiếu); Samsung Vietnam Securites Master Investment Trust (Equity) (500.000 cổ phiếu).
Sau giao dịch, nhóm 11 nhà đầu tư này sẽ sở hữu tổng cộng 28,52% vốn điều lệ tại Kinh Bắc và không nhà đầu tư nào trong số này trở thành cổ đông lớn của KBC và như vậy, sau thời gian hạn chế giao dịch một năm, các nhà đầu tư này có thể tự do chuyển nhượng cổ phiếu mà không cần báo cáo.