Kinh doanh bết bát, Trung An khai tử 2 công ty con

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (UPCoM: TAR) mới công bố Nghị quyết HĐQT về việc giải thể 2 công ty con để sắp xếp lại cơ cấu tổ chức.

Theo đó, các công ty bị giải thể gồm có: Công ty TNHH MTV Xuất khẩu gạo Trung An (địa chỉ tại đường Nguyễn Trọng Quyền, KV Phụng Thạnh 2, phường Trung Kiên, Quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) và Công ty TNHH MTV Kinh doanh bất động sản Trung An (tại Khu vực 7, phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).

Đây là 2 công ty con 100% vốn của TAR, đều được thành lập ngày 20/05/2022. Trong đó, vốn điều lệ của Xuất khẩu gạo Trung An là 20 tỷ đồng, còn Bất động sản Trung An là 10 tỷ đồng.

Hiện, ông Lê Trung Chí (sinh năm 1985) là Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của Xuất khẩu gạo Trung An, còn ông Phạm Trần Thanh Tân (sinh năm 1991) là Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của Bất động sản Trung An. Ông Tân chính là Người phụ trách quản trị công ty mẹ TAR.

Sau khi giải thể 2 công ty con nói trên, TAR còn duy nhất công ty con là Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Kiên Giang - doanh nghiệp chuyên bán buôn gạo tại Kiên Giang, được thành lập năm 2016. Công ty này hiện có vốn điều lệ là 303 tỷ đồng, trong đó Trung An sở hữu hơn 67% vốn.

Ngoài ra, TAR còn sở hữu 2 công ty liên kết là Công ty TNHH Novotech - Trung Hưng và Công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Đức.

Kinh doanh bết bát, Trung An khai tử 2 công ty con - Ảnh 1
Tình hình kinh doanh Trung An (TAR) nhiều khó khăn.

Hoạt động cơ cấu lại doanh nghiệp của TAR diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của công ty đang lao dốc liên tục những kỳ kinh doanh gần đây.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 vừa được TAR công bố cho biết doanh thu thuần đạt 729 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Quý này, lợi nhuận sau thuế của TAR âm hơn 22 tỷ đồng, sụt giảm khá mạnh so với mức lãi 11,9 tỷ đồng quý III năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay tăng mạnh.

Luỹ kế 9 tháng năm 2024, doanh thu thuần của TAR đạt 3.908 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, nhưng lỗ 31 tỷ đồng sau thuế, giảm mạnh so với khoản lãi 11,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

TAR cho biết, lợi nhuận sau thuế quý III/2024 trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất đều lỗ là do chi phí sản xuất ở công ty mẹ và công ty con đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ước tính trong quý IV/2024, doanh thu công ty mẹ đạt khoảng 600 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm là 4.300 tỷ đồng.

Liên quan đến kết quả kinh doanh của TAR, trước đó, đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến với BCTC năm 2023 của công ty, vì không thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp liên quan đến chủ sở hữu 15 triệu cổ phiếu TAR trong đợt phát hành riêng lẻ năm 2021 và thông tin liên quan đến số liệu hàng tồn kho công bố trên BCTC năm 2022 được kiểm toán với giá trị 1.256 tỷ đồng.

Đó cũng là lý do khiến cổ phiếu TAR bị hủy niêm yết trên HNX từ ngày 21/05 và giao dịch trở lại UPCoM ở diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần) từ ngày 31/05/2024.

Tại buổi hội thảo tổ chức ngày 18/11 tại TP Cần Thơ, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc TAR trải lòng rằng, trong chuỗi lúa, gạo, công ty đã bắt buộc phải vay vốn dài hạn (từ 7-10 năm) để đầu tư. Không đầu tư thì không hoạt động, sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo được.

“Nguồn vốn lưu động thì doanh nghiệp dễ sắp xếp, nhưng vốn trung và dài hạn thì khó khăn hơn. Vốn ngắn hạn để doanh nghiệp có nguồn thanh toán tiền lúa cho nông dân; vốn trung, dài hạn để đầu tư máy sấy lúa, kho chứa lúa, cơ cấu thời hạn trả nợ. Cái cần của doanh nghiệp bây giờ là vốn trung và dài hạn. Nếu không được vay vốn thì hầu hết doanh nghiệp ngành gạo không thể tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ", ông Bình nhấn mạnh.

Trên thị trường chứng khoán, những năm 2021-2022, giá cổ phiếu TAR có lúc vượt 40.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thị giá TAR liên tục lao dốc từ đầu tháng 9/2023 đến nay, hiện chỉ còn 4.600 đồng/cổ phiếu. So với đầu năm, giá đổ phiếu TAR đã giảm khoảng 45%.

Kinh doanh bết bát, Trung An khai tử 2 công ty con - Ảnh 2

Sóng gió dồn dập ập tới Lộc Trời: Cổ phiếu lao dốc, bị hạn chế giao dịch

Tài chính

(VNF) - Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định đưa cổ phiếu của Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vào diện hạn chế giao dịch.

Anh Phan

Theo VietnamFinance