Kinh doanh lao dốc, tài chính 'kém sáng', điều gì tạo nên sức hút tại Địa ốc Hoàng Quân với nhóm cổ đông mới?

Kinh doanh và bức tranh tài chính “kém sáng”, nhưng điều hấp dẫn tại HQC nằm tại các dự án doanh nghiệp đang hợp tác triển khai, theo định hướng tập trung bất động sản thương mại. Hiện HQC đã sở hữu trên 40% vốn tại nhiều doanh nghiệp đang có dự án BĐS tại Nha Trang, Cần Thơ, Bình Thuận, Đắk Lắk…

Xuất hiện nhóm cổ đông muốn đưa người Louis Holdings vào HĐQT HQC

Theo thông tin từ CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (Mã CK: HQC), doanh nghiệp vừa nhận được văn bản của nhóm cổ đông về việc bổ sung Thành viên HĐQT được lập vào ngày 12/3/2022.

Nhóm cổ đông này gồm 42 nhà đầu tư sở hữu hơn 48,8 triệu cổ phiếu HQC, tương đương 10,25% vốn. Trong đó, có ba cổ đông tổ chức gồm CTCP Dược Lâm Đồng (Ladophar, Mã CK: LDP) - vừa gia nhập hệ sinh thái của Louis Holdings, CTCP Chứng khoán APG (Mã CK: APG) và CTCP Đầu tư SPX.

Louis Holdings được biết đến là nhóm doanh nghiệp mới nổi trong làng M&A với các thương vụ thâu tóm Angimex, Ladophar, Louis Land, Louis Capital, Sametel...

Nhóm cổ đông nói trên muốn đề cử bà Nguyễn Giang Quyên bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2020-2024 và kiến nghị đưa nội dung này vào chương trình họp để ĐHĐCĐ thường niên 2022 xem xét thông qua. Bà Nguyễn Giang Quyên mới được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Louis Land (BII) từ ngày 17/2/2022.

Kinh doanh lao dốc, tài chính 'kém sáng', điều gì tạo nên sức hút tại Địa ốc Hoàng Quân với nhóm cổ đông mới? - Ảnh 1
Một dự án NOXH của HQC.  

Về phía HQC, trả lời kiến nghị của nhóm cổ đông, doanh nghiệp cho rằng do văn bản của nhóm cổ đông không có đầy đủ chữ ký và con dấu đối với các cổ đông là pháp nhân nên công ty kiến nghị nhóm chỉnh sửa, bổ sung các văn bản có liên quan theo pháp luật.

Bên cạnh đó, HQC cũng công bố Nghị quyết HĐQT dừng tổ chức họp ĐHĐCĐ vào ngày 26/3 với lý do tình hình dịch bệnh phức tạp. Thời gian tổ chức đại hội dời lại, dự kiến diễn ra trước ngày 30/6. Đồng thời, công ty cũng hủy bỏ danh sách cổ đông chốt quyền tham dự đại hội vào ngày 7/2.

Điều này đã vấp phải phản đối của nhóm cổ đông trên. Đại diện nhóm cổ đông này cho rằng, việc ra một thông báo hoãn cuộc họp mà không có chứng cứ chứng minh "là hành động mang tính tuỳ tiện, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của Hội đồng quản trị và vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông".

Được biết, Đại hội lần này HQC sẽ xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành hoán đổi nợ cho Chủ tịch và một số cổ đông. Phương án này được đưa ra trong bối cảnh thị trường xuất hiện luồng tin ngoài rằng "một nhóm cổ đông đang muốn năm quyền điều hành với ban lãnh đạo hiện hữu".

Đặc biệt, Công ty cũng trình phương án phát hành thêm lượng lớn cổ phiếu để hoán đổi nợ. Động thái này được cho là nhằm gia tăng sở hữu của ban lãnh đạo, bao gồm Chủ tịch Trương Anh Tuấn, trong bối cảnh căng thẳng hiện tại.

Cụ thể, theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 đã công bố, Địa ốc Hoàng Quân sẽ trình phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ hơn 87,2 triệu cổ phiếu để hóa đổi nợ, giá 10.000 đồng/cp với ông Trương Anh Tuấn.

Cần lưu ý rằng, trước khi có sự xuất hiện của nhóm Louis, cơ cấu cổ đông HQC khá phân tán với hơn 86% vốn Công ty trôi nổi trên thị trường. Tính đến cuối năm 2021, Chủ tịch chỉ nắm 3,43% vốn, các bên liên quan cũng sở hữu khá ít.

Kinh doanh lao dốc, tài chính 'kém sáng', điều gì tạo nên sức hút tại Địa ốc Hoàng Quân với nhóm cổ đông mới? - Ảnh 2
Hơn 86% vốn HQC đang trôi nổi trên thị trường.

Sau phương án phát hành nêu trên, công ty còn nợ vợ chông Chủ tịch HĐQT 329 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng từ 4.766 tỷ đồng lên 5.636 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm, thời điểm thực hiện trong năm 2022. Như vậy, nếu phương án này tiếp tục được giữ nguyên và thực hiện thì ông Tuấn cùng gia đình sẽ tăng sở hữu trở lại.

Kinh doanh không khởi sắc, bức tranh tài chính “kém sáng”

Địa ốc Hoàng Quân từng là doanh nghiệp dẫn đầu phân khúc nhà ở xã hội toàn khu vực phía Nam, những năm 2014 - 2015 gần như hưởng lợi trọn gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Bước sang năm 2016, chính sách về nhà ở xã hội thay đổi đã ngay lập tức khiến Địa ốc Hoàng Quân lao dốc không phanh (từ chỉ số kinh doanh đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán).

Cùng thời điểm này, ông Trương Anh Tuấn cùng nhóm liên quan (từng sở hữu gần 20% vốn vào cuối năm 2020) đã bán ra lượng lớn cổ phiếu và giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới mức 5% vốn.

Kinh doanh lao dốc, tài chính 'kém sáng', điều gì tạo nên sức hút tại Địa ốc Hoàng Quân với nhóm cổ đông mới? - Ảnh 3
Nhà ở xã hội HQC Plaza tại Bình Chánh, TP HCM.

Cũng bắt đầu tư đây, tình hình kinh doanh của HQC lao dốc nghiêm trọng từ 65 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2017 về chỉ còn 4 tỷ trong năm 2021.

Mặc dù từ năm 2021, Công ty đã có động tái thoái vốn hoặc hợp tác toàn bộ các dự án NOXH, liên kết với các đối tác (trong ngoài nước để làm dự án thương mại). Cũng đặt kế hoạch lớn cho năm 2021, tuy nhiên lợi nhuận cuối năm tiếp tục giảm mạnh, từ 10 tỷ đồng năm 2020, còn vỏn vẹn 4 tỷ đồng. 

Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của HQC đạt 9.236,7 tỷ đồng, tăng thêm 33% so với đầu năm. Tài sản doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào khoản đầu tư liên doanh, liên kết 4.378 tỷ đồng, chiếm 46,7%. Khoản mục chiếm tỷ trong lớn tiếp theo là khoản phải thu khách hàng 1.417 tỷ đồng và phải thu dài hạn khác 1.335 tỷ đồng.

Về nợ phải trả, tổng nợ HQC ghi nhận hơn 4.986 tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ chủ yếu là từ các cá nhân liên quan, trong năm 2021 Công ty còn nợ Chủ tịch 1.110 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn tại HQC là 3.786 tỷ đồng, tăng 45% so với con số đầu năm, vay dài hạn cũng đột biến lên 1.201 tỷ đồng. 

Kinh doanh lao dốc, tài chính 'kém sáng', điều gì tạo nên sức hút tại Địa ốc Hoàng Quân với nhóm cổ đông mới? - Ảnh 4
Nợ phải trả tại HQC. Nguồn: BCTC Hợp nhất quý 4/2021 HQC.

Sức hút đến từ quỹ đất

Tình hình kinh doanh và bức tranh tài chính “kém sáng”, nhưng điều hấp dẫn có lẽ nằm tại các dự án HQC đang hợp tác triển khai, theo định hướng tập trung bất động sản thương mại từ đầu năm 2021.

Trước đó năm 2020, HQC đã có động thái mua lại CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận và CTCP Đầu tư Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ nhằm cấn trừ nợ trong bối cảnh nợ quá hạn lớn.

Năm 2021, Công ty đã hoàn thành việc mua và sở hữu 40% vốn điều lệ Công ty Simon, gia tăng vốn đầu tư tại Hoàng Quân Bình Thuận lên 44% vốn điều lệ; tăng sở hữu vốn tại Hoàng Quân Cần Thơ đến 39%. Trong đó, khoản đầu tư vào Hoàng Quân Cần Thơ là 2.320 tỷ đồng và Hoàng Quân Bình Thuận là 1.649 tỷ đồng và Simon là 360 tỷ đồng.

Kinh doanh lao dốc, tài chính 'kém sáng', điều gì tạo nên sức hút tại Địa ốc Hoàng Quân với nhóm cổ đông mới? - Ảnh 5
Các khoản đầu tư của HQC vào các công ty. Nguồn: BCTC Hợp nhất quý 4/2021 HQC.

Theo báo cáo của HĐQT, Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ đang sở hữu lợi thế đầu tư, phát triển dự án tại khu vực TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

Doanh nghiệp là chủ đầu tư của các dự án như: Dự án Khu phố thương mại An Phát tại Quốc Lộ 91C quy mô 7 ha, vốn đầu tư 482 tỷ đồng tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ; Dự án Khu phố thương mại An Phát tại Quốc Lộ 91C tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng; Dự án trung tâm thương mại Bình Minh thuộc tổng thể 30ha của khu đô thị Mekong City cũng như 162ha cụm cảng – khu công nghiệp – Khu đô thị Bình Minh, thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long (ngay chân cầu Cần Thơ); Khu đô thị Đại Học nằm giữa hai mặt tiền quốc lộ 91C và đường Trương Vĩnh Nguyên, nằm trong tổng thể quy hoạch 31ha tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ…

BCTC HQC ghi nhận khoản phải thu dài hạn chính là góp vốn đầu tư nhiều dự án ở Cần Thơ cùng Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ như khu dân cư Trường Thạnh (7 ha), khu nhà ở xã hội (10,74 ha), Trường đại học đồng bằng sông Cửu Long, dự án 44 căn nhà liên kế thuộc dự án khu đô thị mới nam sông Cần Thơ; ở Vĩnh Long như dự án nhà ở xã hội khu công nghiệp Bình Minh, dự án khai thác đầu tư và xây dựng Cảng Bình Minh – Vĩnh Long, khu công nghiệp Bình Minh…

Còn Hoàng Quân Bình Thuận là đơn vị trực thuộc Hoàng Quân Group, là chủ đầu tư của dự án khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 quy mô 146 ha, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Doanh nghiệp còn sở hữu Khu đô thị Nam Phan Thiết (13,5 ha, tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng).

Kinh doanh lao dốc, tài chính 'kém sáng', điều gì tạo nên sức hút tại Địa ốc Hoàng Quân với nhóm cổ đông mới? - Ảnh 6
Dự án KĐT mới Nam Phan Thiết của Hoàng Quân Bình Thuận. 

Tương tự, Simon cũng đang đầu tư dự án có diện tích đất hơn 51 ha tại Đắk Lắk; đây là dự án được quy hoạch với các sản phẩm nhà liên kế vườn, nhà phố, biệt thự đơn lập - song lập và biệt thự vườn kết hợp nông trại, khu du lịch sinh thái,...

Ngoài ra HQC cũng đang có dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn 50 triệu USD tại Mỹ. Đây là dự án nhà ở cho thuê với 2 tầng hầm và 7 tầng nổi, 216 căn hộ. Đáng nói, Chính phủ Mỹ cũng tài trợ cho dự án này.

Năm 2022, HQC đặt mục tiêu doanh thu 1.085 tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm trước. Doanh thu bất động sản là 495 tỷ đồng từ dự án HQC Biên Hòa, HQC Plaza, HQC Hóc Môn…. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đột biến lên 165 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 4,2 tỷ năm 2021.

Dù giới thiệu đa dạng dự án và kế hoạch kinh doanh tham vọng nhưng trong nhiều năm qua, tỷ lệ thực hiện được tại HQC rất thấp. Riêng năm 2021 chỉ đạt được 8,4% lợi nhuận.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HQC tăng tích cực những phiên gần đây. Hiện, thị giá HQC giao dịch trên mức 10.000 đồng/cp.

Bình Nguyên

Theo Sở hữu trí tuệ