Kinh tế phục hồi chậm, nguy cơ lạm phát tăng cao

Để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh việc tiếp tục tăng cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, giải pháp quan trọng là tăng cả tốc độ và chất lượng giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tác động vào việc tăng cầu đầu tư của doanh nghiệp.

Phục hồi kinh tế còn chậm và thiếu đồng đều

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt tới 6,42%; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng ở cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tổng vốn đăng ký và vốn thực hiện.

Bên cạnh những kết quả tích cực như đã nói ở trên, giới chuyên gia đánh giá khó khăn phải đối diện cũng là không nhỏ đến từ áp lực về lạm phát, tỷ giá….

Nền kinh tế còn đương đầu với nhiều khó khăn.
Nền kinh tế còn đương đầu với nhiều khó khăn.

TS Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính - cho biết trong 6 tháng vừa qua, tỷ giá trung tâm chỉ tăng 1,6% nhưng tỷ giá bình quân của các ngân hàng thương mại đã tăng 5%, còn thị trường tự do tăng nhiều hơn. Đây là sức ép lên thị trường tiền tệ cũng như ngoại hối của Việt Nam.

Ông Paulo Medas - Trưởng Đoàn tham vấn và giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam của IMF, cũng cảnh báo Việt Nam đang giữ lãi suất ở mức rất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Vì vậy, nếu lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao như hiện nay, điều này có thể tạo thêm nhiều áp lực khiến đồng nội tệ của Việt Nam mất giá nhiều hơn.

"Bên cạnh đó, xuất khẩu - động lực quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam - cũng đang chịu những tác động bất lợi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu không như kỳ vọng và căng thẳng địa chính trị làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu," bà Vân nói.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, rủi ro lạm phát trong nền kinh tế vẫn còn hiện hữu. Ví dụ như tăng tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng, có thể gây ra lạm phát chi phí đẩy nếu không có các giải pháp đồng thời và đồng bộ.

“Ngay trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như chỗ tôi ở bắt đầu từ tháng 7 này, thông báo giá gửi xe tăng lên khoảng gần 30%. Tương tự các mặt hàng khác, tôi đồ rằng cũng sẽ theo xu hướng tăng giá như vậy. Do đó, cần phải có những giải pháp để làm thế nào việc tăng lương sẽ là sự động viên mang tính thực chất tạo ra niềm vui thực sự cho người lao động, chứ không phải chỉ có niềm vui ban đầu xong sau đó phải đối mặt với làn sóng của tăng giá, thậm chí lại còn cao hơn”, bà Minh nói.

Tương tự TS Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam được cải thiện trong nửa đầu năm 2024 nhưng tốc độ chậm và vẫn thấp hơn khoảng 1% so với mức tăng trưởng tiềm năng trước đại dịch Covid-19. Đà phục hồi của các khu vực kinh tế còn chậm và thiếu đồng đều, nhất là khu vực tiêu dùng trong nước vẫn chưa hoàn toàn phục hồi.

Động lực nào cho tăng trưởng?

Theo TS Phạm Sỹ Thành, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc tiếp tục tăng cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, giải pháp quan trọng là tăng cả tốc độ và chất lượng giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tác động vào việc tăng cầu đầu tư của doanh nghiệp.

“Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án trọng điểm, quy mô lớn, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng mang tính kết nối sẽ tạo ra các hành lang giao thông và các động lực tăng trưởng kinh tế mới cho nền kinh tế”, ông Thành nói.

Đà phục hồi của các khu vực kinh tế còn chậm và thiếu đồng đều.
Đà phục hồi của các khu vực kinh tế còn chậm và thiếu đồng đều.

Để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng ngoài 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng nêu ra trong Nghị quyết 93, cần tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp trọng tâm.

Một là, thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, vốn chiếm trên 70% GDP của nền kinh tế. Các giải pháp là kích cầu thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2%; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, tạo an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, nâng cao mức sống.

Hai là, cùng với thúc đẩy đầu tư công, thu hút vốn FDI, cần tập trung phục hồi và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước bằng các cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù trong bối cảnh khu vực ngoài nhà nước có hạn chế rất lớn về nguồn vốn.

Ba là, cần có giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, công nghệ, thông tin và logistics đồng bộ.

Bốn là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này…

Năm là, ngăn chặn sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.Sáu là, thực hiện các chính sách tài khóa như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024…

Liên quan đến vấn đề giảm thiểu nỗi lo lạm phát, bà Minh cũng cho rằng việc gia tăng chiến tranh thương mại chắc chắn có thể sẽ làm tăng lạm phát ở Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất điều hành ở mức cao. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tới các nội dung liên quan đến lạm phát của các nền kinh tế trên thế giới.

Kinh tế phục hồi chậm, nguy cơ lạm phát tăng cao - Ảnh 1

Kinh tế Trung Quốc mất đà tăng trưởng, tốc độ tiếp tục suy giảm

Tài chính quốc tế

(VNF) - Dữ liệu kinh tế công bố ngày 15/7 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại trong quý II, do tình trạng suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản và tình trạng mất an ninh việc làm đã ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance