Kosy: Doanh thu bất động sản ‘giậm chân’, lãi trước thuế quý II giảm 35%
Trong quý II/2023, doanh thu của Công ty cổ phần Kosy (HoSE: KOS) không có nhiều chuyển biến so với quý liền kề trước đó. Tuy vậy, lợi nhuận quý II/2023 đã có cải thiện hơn, đạt mức cao nhất trong 4 quý.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của KOS, quý II/2023, doanh thu thuần đạt 323 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và gần như đi ngang so với quý I/2023.
Điều đáng chú ý hơn cả trong cơ cấu doanh thu quý II/2023 là mảng bất động sản không có nhiều cải thiện, chỉ đạt 11 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và chỉ tăng thêm 2 tỷ đồng so với quý I/2023. Điều này cho thấy mảng bất động sản của KOS vẫn hết sức khó khăn.
Với doanh số đi lùi so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp quý II/2023 của KOS cũng giảm 50%, chỉ đạt 24,5 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính có thể xem là điểm nhấn của quý này với doanh thu tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ, đạt 42 tỷ đồng, chủ yếu là lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng tới 80%, đạt 47,5 tỷ đồng, chủ yếu là tiền lãi vay. Điều này khiến việc tiết giảm 24% chi phí quản lý là không đủ để cứu vãn lợi nhuận.
Kết quý II/2023, KOS lãi trước thuế 10 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Khấu trừ thuế, KOS có lãi sau thuế 5,8 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ, nhưng đây vẫn là quý có lãi tốt nhất trong 4 quý qua.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của KOS đạt 652 tỷ đồng, giảm 10%; lợi nhuận gộp đạt 55 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tài chính vẫn là điểm nhấn với doanh thu 44 tỷ đồng (tăng gấp 7,3 lần) và chi phí 65 tỷ đồng (tăng 51%).
KOS có lãi trước thuế 15,3 tỷ đồng, giảm 23% và lãi sau thuế 10,5 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, KOS đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.488,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, KOS đã hoàn thành 43,8% mục tiêu doanh thu và 8,75% mục tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của KOS đạt 4.780 tỷ đồng, giảm 55 tỷ đồng so với đầu năm (tương đương giảm 1,13%). Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản với 51%, đạt 2.438 tỷ đồng, tăng 6,5% so với đầu năm. Đây là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án của KOS như: Kosy Sông Công 112 tỷ đồng, Kosy Lào Cai 425 tỷ đồng, Kosy Bắc Giang 369 tỷ đồng, Kosy Gia Sàng 11 521 tỷ đồng, Kosy Hà Nam 719 tỷ đồng, Kosy Gia Sàng 69 tỷ đồng, Kosy Ninh Bình 74 tỷ đồng…
Các khoản phải thu ngắn hạn của KOS đạt 779 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm và chiếm 16% tổng tài sản.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 30/6/2023 đạt 2.484 tỷ đồng, giảm 66 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm 75%, đạt 1.856 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Nợ vay chiếm tới 39% tổng tài sản của KOS.
Đáng chú ý, “thuế và các khoản phải nộp nhà nước” của KOS đã đạt 343 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm.
Với vốn chủ sở hữu là 2.295 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của KOS là 1,08 lần.
Dòng tiền 6 tháng đầu năm của KOS cho thấy dòng tiền kinh doanh dương 84 tỷ đồng. Ngoài ra, KOS cũng đã tích cực trả nợ gốc vay (696 tỷ đồng, tăng 85%) và giảm quy mô vay mượn (573 tỷ đồng, giảm 19%) so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với chi phí tài chính 65 tỷ đồng, tăng 51% trong nửa đầu năm, có thể thấy KOS vẫn khá nặng gánh với chuyện vay mượn.