Là thủ phủ công nghiệp miền Bắc, vì sao Bắc Ninh vẫn ế hơn 1.000 căn nhà ở xã hội?
Mặc dù là thủ phủ công nghiệp miền Bắc tuy nhiên tỉnh Bắc Ninh hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai đề án ít nhất 1 triệu căn hộ xã hội hay triển khai gói tín dụng 120.000.
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có có Báo cáo số 108 gửi Bộ Xây dựng về việc tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở xã hội và triển khai đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.
Theo đó, hiện tỉnh Bắc Ninh mới bán được 357 căn nhà ở công nhân, còn "ế" hơn 1.320 căn, dù đây là tỉnh đông khu công nghiệp, công nhân hàng đầu miền Bắc.
Là thủ phủ công nghiệp miền Bắc, Bắc Ninh có 22 dự án nhà ở dành cho công nhân với tổng diện tích đất khoảng 107 ha. Tỉnh dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cung ứng 2,4 triệu m2 sàn, tương đương 31.000 căn hộ cho 105.000 người. Trong đó, 15 dự án chuẩn bị được đầu tư xây dựng.
7 dự án đã hoàn thành, hoặc hoàn thành một phần với 4.000 căn hộ đủ điều kiện đưa vào sử dụng. Thời gian qua, các chủ đầu tư đã rao bán 1.681 căn nhà ở công nhân trong số này. Tuy nhiên, Bắc Ninh cho biết rất ít công nhân tại các khu công nghiệp đăng ký mua khi 7 dự án còn tồn 1.324 căn.
Bên cạnh 22 dự án nhà ở công nhân, Bắc Ninh cũng đang triển khai 29 dự án nhà ở xã hội trên diện tích 50 ha, với khoảng 15.500 căn hộ. Hiện tại, 21 dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành một phần, cung cấp ra thị trường 11.000 căn hộ. 8 dự án đang bồi thường, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị xây dựng.
Nguyên nhân được UBND tỉnh Bắc Ninh đưa ra là do đa số công nhân là người ngoại tỉnh, có tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí việc làm. Mặt khác thu nhập của công nhân còn thấp, vì thế việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở công nhân ở Bắc Ninh thời gian qua rất chậm.
Cũng trong báo cáo, Bắc Ninh cũng đưa ra loạt đề xuất để tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong việc xác định giá, tỉnh kiến nghị cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định, chính sách về đầu tư hạ tầng dự án nhà ở xã hội nhằm giảm giá thành căn hộ.
Theo quy định hiện hành, việc thẩm định giá bán, cho thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện 1 lần và không có quy định về việc điều chỉnh, bổ sung. Phần lớn dự án nhà ở xã hội đều thẩm định giá ở giai đoạn thi công xong phần móng.
Tuy nhiên, Bắc Ninh nhận định điều này gây khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư bởi giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng tăng, chi phí dự phòng ở thời điểm thẩm định giá không đủ cho yếu tố trượt giá, khiến tổng chi phí xây dựng tăng. Vì vậy, tỉnh đề xuất điều chỉnh quy định về thẩm định giá bán, cho thuê nhà ở xã hội phù hợp với tình hình thực tế theo hai hướng. Địa phương có thể được giao tự ban hành trần giá theo từng thời kỳ hoặc chủ đầu tư đưa giá bán, cho thuê nhà theo quyết toán của dự án.
Bắc Ninh cũng đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung các cơ chế ưu đãi đặc biệt hơn nữa đối với dự án nhà lưu trú công nhân.
Theo Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bắc Ninh sẽ phát triển hơn 30.600 căn hộ trong giai đoạn 2021 – 2025 và hơn 41.500 căn hộ trong giai đoạn 2026 – 2030.
Về việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 dự án với tổng mức đầu tư hơn 14.500 tỷ đồng với số vốn dự kiến vay khoảng 3.380 tỷ đồng.