Lãi đậm nhiều năm, Techcombank vẫn trình phương án không chia cổ tức

Lũy kế các khoản lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước, Techcombank hiện có hơn 40.100 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Tuy vậy, năm nay ngân hàng vẫn trình phương án không chia cổ tức.

Nếu phương án không chia cổ tức được thông qua, đây sẽ là năm thứ 11 Techcombank không chia cổ tức bằng tiền mặt.  
Nếu phương án không chia cổ tức được thông qua, đây sẽ là năm thứ 11 Techcombank không chia cổ tức bằng tiền mặt.  

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Techcombank (HoSE: TCB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.

Theo đó, năm 2022, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Về nợ xấu, ngân hàng đặt mục tiêu kiểu soát nợ xấu ở mức dưới 1,5% tổng dư nợ năm nay.

Tại ĐHĐCĐ năm nay, ban lãnh đạo ngân hàng cũng sẽ đề xuất với cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2021. Cụ thể, sau khi trích 2.408 tỷ đồng cho các quỹ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính và quỹ phúc lợi, lợi nhuận còn lại của năm 2021 là gần 13.394 tỷ đồng. Cộng với hơn 26.743 tỷ đồng chưa sử dụng của các năm trước, Techcombank sẽ có khoản lợi nhuận có thể phân phối lên tới gần 40.137 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngân hàng tiếp tục đề xuất với cổ đông phương án không chia cổ tức năm 2021. Ban lãnh đạo giải thích, động thái trên nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Nếu được thông qua, đây sẽ là năm thứ 11 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Trong năm 2022, Techcombank chỉ có kế hoạch tăng vốn thêm hơn 63 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho người lao động. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên trên 35.172 tỷ đồng.

Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022 sau khi được NHNN, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết đối tượng tham gia chương trình ESOP năm nay sẽ bao gồm lao động nước ngoài, dẫn tới sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng. Do đó, Techcombank đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4724% lên 22,4595%.

Bảo Phương

Theo Chất lượng và Cuộc sống