Lãi suất huy động các ngân hàng áp dụng từ đầu tháng 11/2022 cao thấp ra sao?
Bước sang tháng 11/2022, lãi suất huy động vẫn neo ở mức cao. Thậm chí có ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất từ 10,5 - 11%/năm.
Bước sang tháng 11/2022, lãi suất huy động vẫn neo ở mức cao. Thậm chí có ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất từ 10,5 - 11%/năm.
Tính đến đầu tháng 11/2022, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước đại dịch COVID - 19, thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 300-400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021. Đỉnh điểm, lãi suất ngân hàng trong vòng một tháng qua đã liên tục tăng mạnh, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành lần thứ hai vào ngày 25/10.
Cụ thể, ngân hàng SCB hiện là một trong những ngân hàng niêm yết mức lãi suất cao nhất thị trường là 9,3%/năm cho các kỳ hạn 15, 18, 24, 36 tháng (áp dụng cho hình thức gửi tiền trực tuyến).
Lãi suất niêm yết cao nhất được ghi nhận trên thị trường đang là 10,5%/năm tại Ngân hàng Quốc dân (NCB). Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng và trước khi gửi tiền, khách hàng cần liên hệ trước và có sự đồng ý của NCB.
Đáng chú ý, tại kỳ hạn 9 tháng, Nam A Bank đưa ra sản phẩm Happy Future với mức lãi suất trong 3 tháng đầu lên tới 11%/năm, 6 tháng cuối có lãi suất 5,95%/năm;
Trường hợp tại Ngân hàng Bản Việt đang áp dụng lãi suất cao nhất là 8,9%/năm cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 8,6%/năm với kỳ hạn 6 tháng. Tương tự, Kienlongbank có lãi suất cao nhất 8,9%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 9 - 15 tháng.
Ngày 2/11, Techcombank công bố lãi suất cao nhất lên tới 8,7%/năm áp dụng cho khách hàng VIP/Private mở mới tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở lên. Đối với khách hàng thường, lãi suất tương ứng với kỳ hạn này là từ 8,2%-8,5%/năm.
Trước đó, ngân hàng MB cũng đã tăng lãi suất cao nhất tại nhà băng này lên 8,7%/năm, dành cho khách hàng gửi kỳ hạn 60 tháng tại các chi nhánh thuộc Miền Trung và Miền Nam. Khách hàng gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại nhà băng này đều được hưởng lãi suất trên 8%/năm.
Tính đến đầu tháng 11/2022, VPBank đang có lãi suất niêm yết cao nhất là 8,9%/năm, dành cho khách hàng gửi từ 18 tháng trở lên theo hình thức online và số tiền từ 50 tỷ đồng. Với số tiền ít hơn, chẳng hạn như dưới 3 tỷ đồng sẽ có lãi suất cao nhất là 8,5%/năm (kỳ hạn 18 tháng trở lên).
Tương tự tại CBBank có lãi suất huy động lên tới 8,9%/năm dành cho tiền gửi thuộc gói sản phẩm Vạn Phát Lộc, kỳ hạn từ 13 tháng cho đến dưới 24 tháng. Nếu gửi từ 400 triệu đồng trở lên, khách hàng có thể được cộng thêm 0,1%/năm và mức cộng sẽ là 0,2%/năm nếu số tiền tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng.
Trên thực tế, phần lớn các ngân hàng công bố nhiều chương trình huy động vốn lãi suất hấp dẫn, nhưng đi kèm là những quy định khác nhau. Đặc biệt với mức lãi suất cao điều kiện đi kèm là khách hàng phải gửi số tiền từ hàng chục đến hàng trăm tỷ. Điều kiện này không phải khách hàng nào cũng đủ sức đáp ứng.
Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng?
Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect, trong bối cảnh hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm nay và sang cả năm 2023.
Trong đó, các yếu tố chính tác động làm tăng lãi suất tiền gửi là Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành và phân bổ thêm “room” tín dụng cho một số nhà băng, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn.
Theo đánh giá trong báo cáo vừa phát hành của khối nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), sau các lần tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại hiện vẫn phức tạp.
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng khi các yếu tố trong và ngoài nước đều không thuận lợi, ngày 24/10, NHNN đã thực hiện tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản trước kỳ họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 11.
Với mức điều chỉnh kể trên, mặt bằng lãi suất đã cao hơn thời điểm trước đại dịch COVID – 19 khoảng 50-100 điểm cơ bản. Việc tăng lãi suất này không gây quá nhiều bất ngờ cho thị trường, tuy nhiên diễn biến lãi suất huy động ở các NHTMCP vẫn còn khá phức tạp.
Các NHTM trong hệ thống đều đã đồng loạt điều chỉnh tăng 30 – 100 điểm cơ bản tùy kỳ hạn, trong đó kỳ hạn dưới 6 tháng ở hầu hết các NHTMCP đã đẩy lên mức trần 6%. Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.
Theo các chuyên gia phân tích tại SSI Research, tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước đại dịch COVID - 19, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 300-400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.
Còn theo báo cáo của Chứng khoán ACB (ACBS) về việc NHNN thông báo điều chỉnh tăng lãi suất điều hành có hiệu lực từ 25/10, các chuyên gia rằng từ giờ đến cuối năm 2022, có khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành lên 0,5-1 điểm % thì tỷ giá sẽ dao động quanh mức hiện tại (24.800 - 25.200/USD).
Với việc tăng lãi suất mạnh mẽ từ NHNN, chuyên gia có những đánh giá lạc quan về việc kiểm soát lạm phát thấp của Việt Nam và duy trì kỳ vọng CPI của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trong khoảng 3,2%-4% và vẫn nằm trong mục tiêu 4% của Chính phủ.