Lãi suất tăng, lợi hay hại với công ty bảo hiểm?
Lãi suất huy động tăng có thể kéo theo sự gia tăng của lợi nhuận đến từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng trong dài hạn, một lượng tiền lớn từ dân cư sẽ bị hút vào kênh gửi tiết kiệm, ảnh hưởng xấu tới các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.
Lãi suất tăng sẽ được phản ánh vào lợi nhuận năm 2023
Ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến 6 tháng tăng từ 4% lên 5%/năm cũng như tăng hàng loạt lãi suất điều hành. Động thái này đã dẫn đến “cuộc đua” lãi suất suốt vài tuần sau đó.
Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến cho rằng những doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt và nhóm doanh nghiệp ngành bảo hiểm sẽ được hưởng lợi từ xu hướng tăng của lãi suất huy động. Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng là một trong những hoạt động đầu tư chính, mang lại thu nhập chủ đạo trong doanh thu tài chính. Trong đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm có cơ cấu lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính, không phải hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Trong các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn, Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) là doanh nghiệp có nhiều tiền gửi tại ngân hàng nhất. Cụ thể, BVH có hơn 111.800 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng (tính đến cuối quý II/2022), bao gồm 11.091 tỷ đồng tiền gửi dài hạn, 98.501 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, 2.267 tỷ đồng khoản đương tương tiền là các hợp đồng tiền gửi tại tổ chức tài chính kỳ hạn không quá ba tháng và 626 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn. Với số lượng tiền gửi khủng như trên, lãi tiền gửi của BVH trong 6 tháng đầu năm 2022 là hơn 2.512 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI) có hơn 7.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng (tính đến cuối quý II/2022), trong đó riêng gửi ngắn hạn là 6.767 tỷ đồng, tiền gửi dài hạn là 20 tỷ đồng, các khoản tương đương tiền là tiền gửi kỳ hạn không quá 3 tháng là 236 tỷ đồng.
Ngoài ra, PVI có hơn 460 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn. PVI ghi nhận hơn 103 tỷ đồng lãi tiền gửi trong nửa đầu năm. Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) có gần 4.000 tỷ đồng tiềnn gửi ngân hàng (tính đến cuối quý II/2022), trong đó 3.850 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, 63,8 tỷ đồng tiền gửi dài hạn và 82,8 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn. Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận 94 tỷ đồng lãi tiền gửi.
Điểm qua một vài cái tên, dễ dàng thấy các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn đang nắm giữ khối lượng lớn tiền gửi ngân hàng. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng lãi tiền gửi chiếm phần lớn trong lợi nhuận trước thuế.
Đơn cử như BVH, báo cáo tài chính soát xét bán niên của doanh nghiệp này cho thấy lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm nửa đầu năm của doanh nghiệp này chỉ đạt vỏn vẹn hơn 20 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận từ hoạt động tài chính ghi nhận tới gần 3.899 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận trước thuế của BVH đang phụ thuộc chính vào doanh thu từ hoạt động đầu tư, trong đó lãi tiền gửi là thu nhập chủ đạo.
Hay như PVI, lãi tiền gửi chiếm tới 43,8% lợi nhuận trước thuế (số liệu bán niên 2022), BIC chiếm 57,8%, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI) chiếm 50%. Phần nhiều các doanh nghiệp bảo hiểm khác có mức tiền gửi tại ngân hàng từ 1.000 – 3.000 tỷ đồng đều có tỷ trọng lãi tiền gửi trên lợi nhuận trước thuế trên 34%.
Với việc nắm giữ khối lượng lớn tiền gửi, khi lãi suất huy động tăng 1%/năm đối với toàn bộ các khoản tiền gửi, một doanh nghiệp có 100.000 tỷ đồng tiền gửi có thể thu về thêm 1.000 tỷ đồng/năm. Đối với các doanh nghiệp có từ 4.000 – 7.000 tỷ đồng tiền gửi, có thể thu về thêm 40 – 70 tỷ đồng mỗi năm. Doanh nghiệp có từ 1.000 – 3.000 tỷ đồng có thể thu về thêm 10 – 30 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, với xu hướng lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp bảo hiểm với hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đang để trong ngân hàng được cho là một lợi thế, kỳ vọng sẽ thúc đẩy lợi nhuận trong thời gian tới.
Trao đổi với VietnamFinance, PGS. TS Đoàn Minh Phụng, Trưởng khoa Ngân hàng – Bảo hiểm, Học viện Tài chính, cho rằng xu hướng tăng của lãi suất huy động có thể ảnh hưởng nhất định vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, những tác động sẽ chưa phản ánh rõ nét vào lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2022 vì thời điểm cuộc đua tăng lãi suất nổ ra là cuối năm, trong khi các hoạt động đầu tư vốn của doanh nghiệp bảo hiểm đã có kế hoạch từ trước.
Vị chuyên gia này cho biết, nếu xu hướng lãi suất giữ nguyên như hiện nay thì sự ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của nhóm ngành này sẽ được thể hiện rõ rệt vào năm 2023, còn trong năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận dương tại nhóm ngành bảo hiểm nhìn chung vẫn có thể đạt được, tuy nhiên không quá lớn so với các năm trước.
Lợi trước mắt, hại về sau?
Dự báo về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, PGS. TS Đoàn Minh Phụng đánh giá rằng “khó lường trước”. Tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán dự báo lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, thậm chí có thể giữ đà tăng đến đầu năm 2023.
Cụ thể, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng từ giờ tới cuối năm, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho tỷ giá, do Fed vẫn còn kế hoạch tăng cao lãi suất trong hai cuộc họp cuối năm, kéo chỉ số US Dollar Index tiếp tục tăng. Động thái này sẽ khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng trong phần còn lại của năm 2022.
Công ty Chứng khoán SSI dự báo lãi suất sẽ tăng thêm 1 – 1,5 điểm phần trăm trong giai đoạn cuối năm 2022 – đầu năm 2023. Công ty Chứng khoán VNDirect cũng nhận định rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại có thể neo ở mức cao trong giai đoạn cuối năm 2022. Đến năm 2023, VNDirect cho rằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng thêm 0,4 – 0,5 điểm phần trăm.
PGS. TS Đoàn Minh Phụng cho rằng, xu hướng tăng của lãi suất hiện nay trong dài hạn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm chứ không hoàn toàn thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm chia thành 2 cấu phần, một là hoạt động kinh doanh trực tiếp bao gồm hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm, thu phí bảo hiểm,…; hai là hoạt động đầu tư tài chính.
Với khoản tiền nhàn rỗi, người dân có nhiều lựa chọn để đầu tư, trong đó gửi tiết kiệm và đầu tư bảo hiểm là 2 trong số các kênh khả thi. Việc tăng lãi suất huy động có thể hút một lượng tiền lớn từ dân cư gửi vào ngân hàng để lấy lãi. Khi đó, dòng tiền hút vào ngân hàng nhiều hơn vào doanh nghiệp bảo hiểm, vì người dân sẽ có sự so sánh về lãi suất khi đầu tư. “Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ”, PGS. TS Đoàn Minh Phụng cho biết.