Sắp hết thời ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm mới được vay

Việc ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ là vấn đề xảy ra tại một số ngân hàng thương mại. Để chấm dứt tình trạng này, bên cạnh tăng cường giám sát, cơ quan quản lý sẽ nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý để lành mạnh hóa hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Sắp hết thời ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm mới được vay - Ảnh 1

Ép khách hàng mua bảo hiểm là trái pháp luật

Điểm a Khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT/BTC-NHNNVN hướng dẫn triển khai bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNN) trong hoạt động đại lý bảo hiểm hiểm như sau: 

“Giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và không mang tính bắt buộc”.

Ngoài ra, nhằm ràng buộc và đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong hoạt động với các đại lý tổ chức, pháp luật cũng quy định DNBH phải chịu toàn bộ trách nhiệm với các hoạt động của đại lý tổ chức trong các giao dịch bảo hiểm.

Như vậy, nếu nhân viên ngân hàng tư vấn sai hoặc không đầy đủ thông tin, vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người mua bảo hiểm thì DNBH cũng phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm được giao kết bởi TCTD.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch 86 cũng quy định về việc đào tạo nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm như sau:

“Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải xây dựng chương trình đào tạo, phối hợp với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức đào tạo và chịu trách nhiệm về việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm cho nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm”.

Nói cách khác, nhân viên của các tổ chức tín dụng tham gia tư vấn, chào bán bảo hiểm phải được đào tạo kiến thức về bảo hiểm và thị trường bảo hiểm, phải nắm rõ và hiểu đúng về sản phẩm bảo hiểm mình đang tư vấn, chào bán cho khách hàng.

Nhân viên các tổ chức tín dụng tham gia tư vấn, chào bán bảo hiểm phải được đào tạo kiến thức về bảo hiểm
Nhân viên các tổ chức tín dụng tham gia tư vấn, chào bán bảo hiểm phải được đào tạo kiến thức về bảo hiểm

Nói về thực trạng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, một chuyên gia trong ngành bảo hiểm chia sẻ, kênh bán bảo hiểm thông qua ngân hàng những năm gần đây đã phát triển “nóng”. Cán bộ tín dụng (CBTD) tại ngân hàng không chỉ “chạy” chỉ tiêu cho vay, chỉ tiêu mở thẻ, còn phải chạy thêm chỉ tiêu bảo hiểm.

Điều này dẫn đến không ít trường hợp CBTD tư vấn thiếu sót, gây nhầm lẫn về sản phẩm bảo hiểm. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp CBTD “gợi ý” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng, nếu khách hàng từ chối mua, khách hàng phải vay vốn với lãi suất cao hơn, hoặc bị từ chối giải ngân.

“Những trường hợp “gợi ý” biến tướng thành “ép” khách hàng mua bảo hiểm là hành vi vi phạm pháp luật, làm xấu đi hình ảnh của ngân hàng nói chung và hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng”, vị chuyên gia này khẳng định.

Hoàn thiện pháp lý, lành mạnh hoạt động phân phối bảo hiểm

Bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính cho biết, công tác quản lý và giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng đang được Cục thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống báo cáo, quản lý, giám sát và hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các DNBH chủ động rà soát, nâng cao chất lượng công tác đào tạo và thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm đối với nhân viên ngân hàng. Đồng thời cần có những biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm phân phối qua ngân hàng để đảm bảo hiệu quả và an toàn tài chính của DNBH, bảo vệ quyền lợi của khách hàng mua bảo hiểm.

Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết thêm, thời gian qua, các cơ quan quản lý đã tích cực sửa đổi và bổ sung những quy định về hoạt động bancassurance dành cho DNBH và ngân hàng nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ lợi ích cho khách hàng và doanh nghiệp, đảm bảo ngành bảo hiểm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.

Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, trong đó có bổ sung các quy định đối với hoạt động của đại bảo hiểm tổ chức (bao gồm các TCTD). Luật cũng giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về trách nhiệm của đại lý tổ chức trong việc tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.

“Dự kiến sẽ bổ sung nhóm quy định về các tài liệu minh họa bán hàng phải do DNBH thực hiện và quản lý, đại lý tổ chức không được tự ý in hay thay đổi nội dung, không được hứa hẹn những khoản lợi nhuận không chắc chắn hoặc trình bày sản phẩm sai lệch, không được tạo ra ấn tượng giả tạo, lừa dối hoặc cạnh tranh không lành mạnh…”, bà Phương cho biết.

Chưa hết, trong các văn bản hướng dẫn thực hiện luật sắp tới, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung nhóm quy định nhân viên tư vấn trong TCTD phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin cho khách hàng mua bảo hiểm; quy định quản lý chất lượng nhân viên tư vấn; quy định về trách nhiệm của DNBH trong việc kiểm tra, đánh giá và đảm bảo chất lượng dịch vụ đại lý bảo hiểm, đặc biệt là kênh ngân hàng.

Theo Chất lượng và Cuộc sống