Lãi suất tiết kiệm chạm 9%/năm và điều kiện đặc biệt để hưởng mức 11%

Lãi suất tiết kiệm đặc biệt hiện nay ở mức 9%/năm; loạt ngân hàng đạt lợi nhuận tỷ USD; chính thức chuyển giao bắt buộc DongA Bank và GPBank... là những thông tin đáng chú ý trong lĩnh vực ngân hàng tuần qua.

Điều kiện đặc biệt để hưởng lãi suất tiết kiệm 9%/năm

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục từ đầu năm 2025. Hiện mức lãi suất trên 6%/năm được nhiều ngân hàng niêm yết cho các kỳ hạn tiền gửi dài.

Đáng chú ý, nhiều ngân hàng niêm yết tiết kiệm ở mức cao, từ 7-9%. Nhưng để được nhận mức lãi suất này, khách hàng cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt.

PVcomBank hiện dẫn đầu về lãi suất đặc biệt khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với 9% cho kỳ hạn 12-13 tháng. Mức này giảm 0,5 điểm % so với tháng 12/2024. Nhưng để được trả mức lãi suất này, khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

>> Xem thêm: Điều kiện đặc biệt để hưởng lãi suất tiết kiệm 9%/năm

Xuất hiện lãi suất tiền gửi 11%

Ngân hàng Woori Bank Việt Nam mới tung ra gói lãi suất ưu đãi tiền gửi tích luỹ Won Goal lên đến 11%/năm. Đây là mức lãi suất hấp dẫn đối với nhóm các ngân hàng ngoại và ngân hàng nội địa.

Để nhận mức lãi suất trên, khách hàng phải gửi tiền tích lũy kỳ hạn 12 tháng, tối đa không quá 2 triệu đồng/tháng/khách hàng và đáp ứng một số điều kiện. Đây là sản phẩm tiền gửi tích luỹ định kỳ thông qua việc cài đặt số tiền gửi mục tiêu ban đầu mở tài khoản.

>> Xem thêm: Woori Bank vào đường đua, đẩy lãi suất tiết kiệm lên 11%/năm

Nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận tỷ USD

Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024, trong đó không ít nhà băng cho biết đã cán đích lợi nhuận, thậm chí vượt chỉ tiêu cả năm. Một số ngân hàng ước tính tăng trưởng lợi nhuận cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.

Năm 2024, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng tích cực. Dự kiến có ít nhất 6 ngân hàng lãi tỷ đô, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2025, dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng khó đột biến.

>> Xem thêm: Sau đỉnh cao tỷ USD, lợi nhuận ngân hàng khó đột biến trong 2025

Big4 ngân hàng góp hơn 56% vào tăng trưởng tín dụng năm 2024

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin, đến ngày 31/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 15,08%, đạt được mục tiêu đề ra. Tổng dư nợ toàn hệ thống đến cuối năm 2024 đạt 15,3 triệu tỷ, tăng hơn 2,04 triệu tỷ đồng so với cuối năm 2023 (gần 13,569 triệu tỷ đồng).

Đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế trong năm qua là nỗ lực từ 4 ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank. Trong năm 2024, Big4 ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế khoảng 869.000 tỷ đồng, tương ứng 56,8% dư nợ tín dụng tăng thêm của toàn bộ nền kinh tế (15,3 triệu tỷ đồng).

>> Xem thêm: Big4 ngân hàng góp hơn 56% vào tăng trưởng tín dụng năm 2024

Chính thức chuyển giao bắt buộc DongA Bank và GPBank

Ngày 17/1, NHNN chính thức công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Lãi suất tiết kiệm chạm 9%/năm và điều kiện đặc biệt để hưởng mức 11% - Ảnh 1
Lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc ngân hàng ngày 17/1.

Sau khi được chuyển giao bắt buộc, DongA Bank và GPBank sẽ là các ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn do HDBank và VPBank sở hữu 100% vốn điều lệ. Ngoài ra, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, của khách hàng tại GPBank, DongA Bank vẫn tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định.

>> Xem thêm: Chính thức chuyển giao bắt buộc DongA Bank và GPBank

'Của hồi môn' DongA Bank và GPBank khi về chung nhà với hai ông lớn

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng, DongA Bank và GPBank chính thức cập bến đỗ mới, đánh dấu trang mới trong hành trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

GPBank “gia nhập” vào nhóm ngân hàng 0 đồng vào năm 2015 sau khi bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị điều hành kém hiệu quả trong nhiều năm.

Trong khi đó, sau loạt sai phạm của lãnh đạo, DongA Bank từ chỗ ngân hàng đi đầu trong nhiều lĩnh vực, như phát hành thẻ hay sở hữu ATM hiện đại, đã trở thành “gánh nặng” của hệ thống ngân hàng. DongA Bank là ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt từ năm 2015.

>> Xem thêm: 'Của hồi môn' DongA Bank và GPBank khi về chung nhà với hai ông lớn

Chủ tịch CBBank quay về làm Phó Tổng Giám đốc Vietcombank

Ngày 16/1, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán VCB) công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Vietcombank. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/1/2025, thời hạn bổ nhiệm 5 năm.

Ông Tuân chính thức quay trở lại ghế Phó Tổng Giám đốc Vietcombank sau gần 10 năm rời Vietcombank để ổn định tình hình hoạt động CBBank.

>> Xem thêm: Chủ tịch CBBank quay về làm Phó Tổng Giám đốc Vietcombank

Vietcombank tăng vốn lên 83.557 tỷ đồng, cao nhất ngành ngân hàng

Hội đồng quản trị Vietcombank vừa công bố nghị quyết về việc phê duyệt tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ phát hành 49,5% cho cổ đông có tên trong danh sách tại thời điểm chốt quyền. Tổng giá trị phát hành dự kiến 27.666 tỷ đồng.

Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của Vietcombank dự kiến sẽ tăng thêm tối đa 27.666 tỷ đồng, từ 55.891 tỷ đồng lên khoảng 83.557 tỷ đồng. Nguồn vốn này dự kiến đứng đầu ngành ngân hàng.

>> Xem thêm: Vietcombank sắp tăng vốn lên 83.557 tỷ đồng, cao nhất ngành ngân hàng

Xuất hiện quỹ ngoại nắm trên 1% vốn tại Sacombank

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã chứng khoán: STB) đã cập nhật danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn của ngân hàng.

Lãi suất tiết kiệm chạm 9%/năm và điều kiện đặc biệt để hưởng mức 11% - Ảnh 2

Hiện có 6 cổ đông, bao gồm 1 cổ đông cá nhân là Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh và 5 cổ đông tổ chức là các quỹ ngoại đang nắm giữ trên 1% vốn điều lệ của Sacombank.

>> Xem thêm: Xuất hiện quỹ ngoại nắm trên 1% vốn tại Sacombank

Giao dịch bằng tiền mặt ngày càng giảm

Theo thông tin được Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) công bố chiều 15/1, giao dịch trên ATM được xử lý qua hệ thống Napas năm 2024 giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 2,63% tổng giao dịch qua hệ thống Napas.

“Kết quả này phản ánh rõ nhu cầu sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển nhanh Napas 247, chuyển tiền/thanh toán bằng mã VietQR”, ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Napas cho biết.

>> Xem thêm: Giao dịch bằng tiền mặt ngày càng giảm

Sự thật lừa đảo quét mã QR mất hết tiền trong tài khoản

Gần đây, nhiều tài khoản trên mạng xã hội lan truyền thông tin chỉ cần quét mã QR (khi thanh toán) là máy điện thoại bị sập nguồn và tiền trong tài khoản ngân hàng bị mất hết.

Thông tin này khiến nhiều người xôn xao. Nhưng theo các chuyên gia, điều này không thực sự chính xác. Nhưng hiện tượng bị lừa đảo thông qua chuyển khoản, thanh toán bằng mã QR đã được cảnh báo nhiều lần và mọi người nên cảnh giác.

>> Xem thêm: Sự thật lừa đảo quét mã QR mất hết tiền trong tài khoản

Mai Anh

Theo VietnamFinance