Lãi suất tiết kiệm ngân hàng 'lên đỉnh' cao nhất tới 9,5%/năm

Cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhà băng nào cũng sẵn sàng dùng lãi cao để hút khách gửi tiền.

Cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhà băng nào cũng sẵn sàng dùng lãi cao để hút khách gửi tiền.

Trong vòng 1 tháng qua, các ngân hàng đều gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động. Mức lãi suất tiết kiệm 7 - 8%/năm hiện nay đã rất phổ biến đối với các kỳ hạn trên 1 năm, tăng 2 - 3%/năm so với đầu năm 2022. Đặc biệt, cuộc đua lãi suất tiền gửi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhà băng nào cũng sẵn sàng dùng lãi cao để hút khách gửi tiền.

Mới đây nhất, ngân hàng số Cake by VPBank đã chính thức áp dụng lãi suất huy động tiền gửi cao nhất lên tới 9,5%/năm từ ngày 17/10.

Cụ thể, các khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên tại kỳ hạn 36 tháng sẽ được áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 9,5%/năm.Tại kỳ hạn 24 tháng, Cake by VPBank áp dụng mức lãi suất 9,4%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng sẽ là 9,3%/năm. Còn đối với kỳ hạn 6 tháng mức lãi suất là 8,8%/năm.

Trường hợp số tiền gửi từ 200 triệu đến dưới 300 triệu đồng sẽ có mức lãi suất dao động từ 8,7%/năm tại kỳ hạn 6 tháng; kỳ hạn 12 tháng có mức lãi 9,2%/năm; kỳ hạn 24 tháng áp dụng mức 9,3%/năm và kỳ hạn 36 tháng có lãi suất tới 9,4%/năm.

Còn với khách hàng gửi tiết kiệm online thông thường thì lãi suất áp dụng từ ngày 18/10 của VPBank cũng tăng lên mức cao nhất là 9% cho kỳ hạn trên 18 tháng. Lãi suất này áp dụng cho số tiền gửi từ 10 tỉ đồng trở lên. Còn khách hàng gửi tiền trực tiếp tại quầy giao dịch có mức lãi cao nhất là 8,7%, áp dụng cho kỳ hạn trên 18 tháng với số tiền từ 10 tỉ đồng trở lên...

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng 'lên đỉnh' cao nhất tới 9,5%/năm - Ảnh 1

Trước đó, ngân hàng ABBank cũng thông báo từ ngày 13/10 đến hết năm 2022, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm tại ABBank sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi lên tới 8,6%/năm kèm nhiều quà tặng hấp dẫn.

Theo đó, trong khuôn khổ Chương trình “Tiết kiệm thu sang - Gửi tiền phát lộc”, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại hệ thống quầy giao dịch của ABBank theo kỳ hạn 6 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm.

Ngoài ra, với các khoản tiết kiệm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, tùy vào các kỳ hạn gửi tiền, khách hàng sẽ được tặng thêm một phần quà bằng tiền mặt trị giá tương đương từ 0,3 - 0,8%/năm lãi suất cho tháng gửi tiền đầu tiên và một tài khoản số đẹp có giá trị từ 2 - 10 triệu đồng.

Song song với chính sách ưu đãi tại quầy, khách hàng chọn gửi tiết kiệm trên kênh online thông qua app AB Ditizen cũng sẽ hưởng mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn tương đương cho các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng tại chương trình mang tên “Lướt APP gửi tiền - nhận liền lãi lớn”. ABBank sẽ dành ra hạn mức 4.500 tỷ đồng cho chương trình ưu đãi tại quầy và 500 tỷ đồng cho các khoản gửi online”, đại diện ABBank cho biết.

Hiện tại, mức lãi suất huy động cao nhất tại ABBank lên tới 8,8%/năm tại kỳ hạn 13 tháng, Mức lãi suất  này chỉ áp dụng đối với các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1,500 tỷ đồng trở lên trên một khoản tiền gửi tiết kiệm khi có phê duyệt của Tổng Giám đốc ABBank.

Nguồn: ABBank
Nguồn: ABBank

Bên cạnh đó, mức lãi suất tiết kiệm trên 8,5%/năm cũng được ghi nhận tại nhiều ngân hàng như SCB, Kienlongbank, SeABank,…

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, hiện tượng một số ngân hàng tăng lãi suất huy động cao tới 9% - 10% chỉ là cục bộ không xảy ra ở hầu hết ngân hàng.

"Các ngân hàng hiện đang vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng, tất nhiên là thanh khoản không còn dồi dào như trước", ông Lực nói.

Báo cáo triển vọng kinh tế mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi.

Đồng thời, thanh khoản thị trường 1 chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng, sẽ buộc các NHTM nâng lãi suất huy động và nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm – Tết Nguyên đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống. Mức tăng nhiều khả năng sẽ tăng 1-1,5%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng 'lên đỉnh' cao nhất tới 9,5%/năm - Ảnh 2

Cập nhật số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 7, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 11,39 triệu tỷ đồng, giảm 73.923 tỷ đồng so với tháng 6. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) tính đến cuối tháng 7 giảm 83.524 tỷ đồng so với tháng trước đó, xuống còn hơn 5,76 triệu tỷ đồng.

Tiền gửi của dân cư cuối tháng 7 tiếp tục tăng nhẹ 9.600 tỷ đồng so với tháng trước lên gần 5,63 triệu tỷ đồng. Mức tăng này vẫn thấp hơn con số tăng trưởng tiền gửi của các tháng trước đó như tháng 6 (50.468 tỷ đồng), tháng 5 (36.889 tỷ đồng), tháng 4 (57.597 tỷ đồng) hay tháng 1 ( 103.166 tỷ đồng).

 

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ