Lãi suất ngân hàng liên tục lập “đỉnh”, nên gửi tiền vào đâu?

Trước sự biến động thất thường từ thị trường vàng, chứng khoán, bất động sản… thì gửi tiết kiệm ngân hàng gần đây đang “lấy lòng” đại đa số người dân. Từ vụ việc Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát bị bắt vì những sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu, ngân hàng SCB bị kiểm soát chặt chẽ bởi NHNN, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất gửi để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ khách hàng.

Lãi suất ngân hàng liên tục lập “đỉnh”, nên gửi tiền vào đâu? - Ảnh 1

Đau đầu “chọn mặt gửi vàng”

Nếu chỉ 1 tháng trước, mức lãi suất huy động 8,5% hiếm hoi và chỉ áp dụng cho những món tiền gửi trăm tỷ đồng, thì nay mức lãi suất này đã là “đi vào dĩ vãng” khi các ngân hàng tìm đủ mọi cách để hút nguồn tiền, dù chỉ là món tiền nhỏ, từ 10 triệu đồng.

Theo đó, sau đợt tăng lãi tiết kiệm được các ngân hàng công bố ngày 23/9, biểu lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đầu tháng 10 tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng rất mạnh khi mức lãi tiết kiệm trên 8%/năm trở nên phổ biến ở nhiều kỳ hạn khiến nhiều người “đau đầu” khi “chọn mặt gửi vàng”.

Với khoản tiền nhàn rỗi 500 triệu đồng chưa dùng đến, ông Vinh đang loay hoay giữa những con số lãi suất hiện nay. Là một cán bộ đã về hưu, với số tiền tích cóp này, ông mong muốn lựa chọn ngân hàng có lãi suất hấp dẫn để nhận tiền lãi hằng tháng. Tuy sẽ không quá nhiều nhưng đủ để chi trả các chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Các ngân hàng hiện đua nhau tăng lãi suất, tung ra các chương trình ưu đãi đặc biệt cho phụ nữ, người cao tuổi. Có lần, tiền vừa gửi vào hôm trước, hôm sau ông lại quyết định rút ra đi gửi ngân hàng khác với mức lãi chênh lên tới hơn 1%/năm.

Theo ông Vinh, tuy có vẻ mất công vì mức chênh lệch không đáng là bao, nhưng khi lãi suất lên cao, ông cũng được thêm khoảng 500 ngàn/tháng. Đối với người lớn tuổi, không còn sức lao động như trước thì đấy cũng là khoản tiền cần thiết.

Cuộc đua lãi suất huy động đang ngày càng "nóng" khi có sự tham gia của cả 4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Lãi suất huy động cao nhất tại nhóm "Big 4" này là 6,4%/năm đối với hình thức gửi tiền tại quầy và lên tới 6,8%/năm với gửi tiền trực tuyến, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Lãi suất huy động dự đoán sẽ còn tăng mạnh

Thông thường, giai đoạn cuối năm sẽ xuất hiện nhiều nhu cầu vốn vay nên việc mặt bằng lãi suất tăng cao là điều có thể dự đoán được. Do đó, nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước vì lẽ đó cũng sẽ xem xét việc kiểm soát tín dụng và lạm phát nhiều hơn.

“Theo tôi mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới vì nhu cầu vốn vay giai đoạn cuối năm thường cao, để đáp ứng nhu cầu này thì các ngân hàng sẽ tăng lãi suất để tăng nguồn huy động, đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng”, ông Vicente, Giám đốc đầu tư AFC Vietnam Fund đánh giá.

Theo kết quả khảo sát của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng, quý IV/2022, các tổ chức tín dụng đánh giá mặt bằng lãi suất huy động-cho vay tiếp tục xu hướng tăng. Theo đó, có tới 59 - 61% ngân hàng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37%/năm trong quý 4. Cả năm 2022, có 66 - 69% ngân hàng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56 - 0,57%/năm.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, mặt bằng lãi suất có thể tăng 1,5 - 2 điểm % trong cả năm 2022.

Việc lãi suất tiết kiệm liên tục tăng diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện rất căng thẳng. Lãi suất VND liên ngân hàng tăng vọt, vượt qua mốc 8% ở tất cả các kỳ hạn. Thậm chí tại vài thời điểm, một số ngân hàng thương mại đã chuyền tay nhau mức chào hơn 10%/năm.

Mặc dù các ngân hàng không ngừng nâng mặt bằng lãi suất huy động, song vẫn khó hút tiền nhàn rỗi trong dân, trong khi đó tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi huy động vốn. Huy động của hệ thống ngân hàng năm nay ở mức thấp kỷ lục, 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,04% (các năm khác tăng 8 - 9%). Trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%).Tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng, đã gây sức ép lên lãi suất huy động. Lãi suất liên ngân hàng cũng tăng vọt từ mức chưa đến 1%/năm, lên 6 - 7%/năm ở các kỳ hạn.

Các chuyên gia tài chính cho biết, có khá nhiều nguyên nhân khiến thanh khoản hệ thống các ngân hàng thời gian qua gặp khó như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vừa bị điều chỉnh giảm xuống theo lộ trình; nợ xấu và nợ tái cơ cấu khiến ngân hàng chưa thể thu hồi vốn; doanh nghiệp rút tiền mua lại trái phiếu trước hạn… Trong đó, có 3 nguyên nhân rất đáng chú ý.

Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất khiến USD tăng giá. Do đó Việt Nam cũng tăng lãi suất để VND không mất giá quá nhiều so với USD.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng rất chậm. Một phần từ việc tiền quay lại thị trường phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho nhiều ngân hàng. Theo đó, nhu cầu vốn phục vụ hoạt động cho vay tăng nhanh.

So sánh lãi suất huy động giữa các ngân hàng ở các kỳ hạn

So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 1 tháng
So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 1 tháng
So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 3 tháng
So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 3 tháng
So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 6 tháng
So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 6 tháng
So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng
So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng
So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 24 tháng.
So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 24 tháng.

Theo Chất lượng và Cuộc sống