Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng, ngân hàng đua hút tiền gửi
Lãi suất huy động tăng tại nhiều ngân hàng. Xu hướng này chưa dừng lại khi các nhà băng đẩy mạnh huy động vốn chuẩn bị cho cao điểm tín dụng cuối năm.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động
Bước sang tháng 7, thị trường chứng kiến làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm lan rộng tại nhiều ngân hàng thương mại.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, từ đầu tháng 7 đến nay, một số ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 1 - 36 tháng với mức tăng 0,1-0,2%/năm.
Cụ thể, VPBank tăng 0,1%/năm cho các kỳ hạn từ 1-36 tháng, Techcombank tăng từ 0,1-0,2%/năm với các kỳ hạn từ 1-36 tháng.
Mới đây, VCBNeo (ngân hàng số của Vietcombank) cũng tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 - 6 tháng thêm 0,1 điểm % so với biểu lãi suất trước đó. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng số này hiện là 5,45%/năm cho các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng còn tung chính sách ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng gửi tiền online.
Đơn cử, SeABank tặng thêm tới 0,5%/năm cho người gửi từ 100 triệu đồng với kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng. Techcombank cũng cộng thêm đến 1%/năm cho tiền gửi trực tuyến từ 100 triệu đồng ở các kỳ hạn 3, 6, 12 tháng.
Một số ngân hàng như NCB, LPBank, Bac A Bank, VPBank, HDBank… cũng đồng loạt nâng lãi suất tiết kiệm cho một số kỳ hạn trong thời gian qua.
Cuộc đua lãi suất không chỉ giới hạn ở khách hàng cá nhân thông thường mà còn mở rộng với các gói tiền gửi “siêu lớn” được hưởng lãi suất đặc biệt.
ABBank đang dẫn đầu thị trường với mức lãi suất 9,65%/năm cho khoản tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng. PVcomBank áp dụng lãi 9%/năm cho khoản gửi từ 2.000 tỷ đồng.

Một số nhà băng như ACB, Bac A Bank, HDBank, Vikki Bank, LPBank… đưa ra các mức lãi từ 6% đến hơn 8%/năm cho những khoản tiền gửi từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.
Có thể thấy, người dân đang có cơ hội tốt để tối ưu lợi suất tiết kiệm, nhất là khi lựa chọn gửi online hoặc tham gia các gói ưu đãi theo số tiền lớn và kỳ hạn dài.
Theo giới phân tích, lãi suất huy động tại phần lớn ngân hàng giữ ổn định trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7 cho thấy xu hướng giảm đã chững lại.
Công ty Chứng khoán MBS nhận định, đà giảm lãi suất huy động đã chững lại trong tháng 6 vừa qua với rất ít ngân hàng điều chỉnh giảm và biên độ giảm thu hẹp. Đến cuối tháng 6, trung bình lãi suất kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,17 điểm % so với đầu năm về mức 4,87%/năm, còn lãi suất của nhóm các ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn giữ ổn định ở mức 4,7%/năm.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect cho hay, tính đến ngày 11/7, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại tăng nhẹ lên 4,78%/năm, tăng 0,01 điểm % so với cuối tháng 6 song vẫn thấp hơn đầu năm 0,08 điểm %.
Ngân hàng đua hút tiền vào cuối năm
Nhận định về diễn biến lãi suất tiền gửi ngân hàng trong thời gian tới, nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng lãi suất huy động sẽ còn đi lên và tiền gửi trở thành “hầm trú ẩn” của dòng vốn.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Nguyễn Trãi, cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, tiền gửi ngân hàng có thể vẫn đạt những kỷ lục mới khi xu hướng gửi tiết kiệm của người dân là chủ đạo.
Theo ông Huy, dòng tiền của người dân đang chuyển mạnh về kênh tiết kiệm khi các lựa chọn đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ đều tiềm ẩn rủi ro cao hoặc thiếu hấp dẫn.
Giới phân tích cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến lãi suất huy động được điều chỉnh tăng là các ngân hàng cần thu hút lượng tiền gửi để có nguồn vốn phục vụ nhu cầu cho vay ra, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng nửa đầu năm tăng gần 10%, cao nhất trong nhiều năm.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, khi ngân hàng cần huy động thêm nguồn vốn phục vụ nhu cầu tín dụng cuối năm. Thời gian qua, dù lãi suất chưa cao nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn liên tục thiết lập kỷ lục, cho thấy sức hấp dẫn vượt trội của kênh này so với chứng khoán, vàng hay bất động sản.
Các chuyên gia của MBS nhận định lãi suất huy động có thể tăng nhẹ vào cuối năm theo đà tăng của tín dụng. MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 4,7% trong năm nay.
Trong khi đó, các chuyên gia VNDirect cho rằng, trong nửa cuối năm 2025, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,8-5%/năm, với kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ, giúp ổn định thanh khoản hệ thống thông qua xu hướng hạ nhiệt mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực về tỷ giá, duy trì thanh khoản hệ thống…
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân nhìn nhận rằng lãi suất huy động đang có thể kìm giữ nhờ NHNN. Nếu nhà điều hành vẫn tiếp tục bơm thanh khoản nhiều cho hệ thống thì lãi suất vẫn duy trì thấp. Nếu các ngân hàng bắt đầu rục rịch đà tăng lãi suất, ngay lập tức nhà điều hành sẽ can thiệp. Nhưng điều gì cũng có hai mặt, nếu giữ lãi suất thấp trong bối cảnh hiện tại, áp lực tỷ giá sẽ rất lớn. Dù đồng USD đang có xu hướng suy yếu nhưng VND vẫn tiếp tục mất giá so với USD, tức xảy ra tình trạng suy yếu kép.
Trong báo cáo mới đây về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn của Quốc hội, NHNN thừa nhận mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Trong đó, lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian qua, khiến dư địa điều chỉnh tiếp trở nên hạn hẹp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, nếu tỷ lệ lạm phát không biến động hoặc có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng với nhau, điều hành linh hoạt về chính sách tiền tệ của NHNN thì sẽ giữ ổn định được mặt bằng lãi suất đầu vào, tăng được nguồn vốn huy động và giữ được sự ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra.
Nhiều chuyên gia kiến nghị, trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng, NHNN cần điều hành linh hoạt để cân bằng giữa ổn định lãi suất và biến động tỷ giá, thông qua nhiều biện pháp như phát hành tín phiếu hay chào mua giấy tờ có giá…