Lãi suất tiết kiệm tăng, tiền gửi vào ngân hàng lập kỷ lục
Nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động, mức lãi suất 6%/năm không còn là của hiếm. Lãi suất tiết kiệm tăng khiến tiền gửi vào ngân hàng liên tục lập kỷ lục.
Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động
Đầu tháng 12, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Từ đầu tháng 12, đã có 5 ngân hàng chính thức tăng lãi suất huy động, gồm: MSB, GPBank, TPBank, ABBank và IVB, với mức tăng phổ biến từ 0,1-0,3 điểm %/năm.
Cụ thể, MSB ngày 5/12 tăng mạnh lãi suất huy động dành cho nhóm đối tượng đặc biệt, với mức tăng lên đến 0,7%/năm, qua đó chính thức gia nhập nhóm các ngân hàng duy trì lãi suất ngân hàng trên 6%/năm.
Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6 tháng tại MSB tăng mạnh 0,7%/năm, lên 5,5%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng và 24 tháng tăng lên 6,3%/năm.
Nhưng MSB cho hay mức lãi suất vừa điều chỉnh trên chỉ áp dụng cho nhóm khách hàng cá nhân là: khách hàng ưu tiên theo quy định của MSB tại từng thời kỳ; là cán bộ nhân viên thuộc Ngân hàng MSB hoặc Tập đoàn TNG; cá nhân đang được trả lương qua tài khoản tại MSB.
Dù vậy, MSB cũng đồng thời điều chỉnh tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 1-36 tháng đối với biểu lãi suất huy động dành cho các khách hàng thông thường.
GPBank ngày 4/12 đẩy lãi suất huy động lên mức cao nhất tới 6,35%/năm đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 13-36 tháng, tăng lên 6,25%/năm đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. GPBank đang là ngân hàng trả lãi suất cao nhất cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Trước đó, ngày 3/12, Indovina Bank (IVB) cũng đã tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất 6,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 24-36 tháng. Đây là mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay theo niêm yết chính thức của ngành ngân hàng.
OceanBank - ngân hàng mới đây được chuyển giao về MB - có động thái mới về lãi suất huy động, khi tăng lên mức 4,3%/năm cho kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn 3 tháng lãi suất 4,6%/năm.
Trong khi đó, TPBank tăng lãi suất huy động thêm 0,2 điểm %/năm đối với kỳ hạn 1-3 tháng và 0,1%/năm đối với các kỳ hạn còn lại. Còn ABBank tăng nhẹ 0,1 điểm %/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 3 và 12 tháng.
Trước đó, trong tháng 11, thị trường cũng ghi nhận 11 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm với mức tăng phổ biến vào khoảng 0,3-0,5 điểm %.
Mức lãi suất tiền gửi trên 6%/năm hiện không còn là "của hiếm". Hiện đã có trên 10 ngân hàng duy trì lãi suất huy động từ 6%/năm.
Không chỉ tăng lãi suất, nhiều nhà băng còn tung chương trình ưu đãi hút tiền gửi của khách hàng nhân dịp cuối năm. Nhiều ngân hàng tăng cường cạnh tranh thu hút tiền gửi bằng nhiều chương trình khuyến mãi. Có ngân hàng khách gửi tiết kiệm trúng xe máy SH Mode, MacBook, iPhone 16.
Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm tốt nhất thị trường thuộc về nhóm ngân hàng thương mại vừa và nhỏ. Còn mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) gần như đi ngang nhiều tháng qua, thậm chí ở một số kỳ hạn còn ghi nhận giảm so với nửa đầu năm.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát có xu hướng gia tăng, NHNN có thể sẽ điều chỉnh lãi suất trong quý II/2025. Một số dự báo cũng đánh giá, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại lớn có thể tăng thêm.
Tiền gửi vào ngân hàng tăng kỷ lục
Những tháng gần đây, lượng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng tăng và liên tục lập kỷ lục mới.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến hết tháng 9, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 14 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so đầu năm. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7,07 triệu tỷ đồng, tăng 3,43%; tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,95 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm ngoái.
So với cuối tháng 8, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 238.000 tỷ đồng trong khi tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 32.700 tỷ đồng.
Tính chung, chỉ trong tháng 9, trung bình mỗi ngày có hơn 9.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng. Trong tháng 8, tiền gửi của người dân cũng đã tăng thêm 86.475 tỷ đồng.
Tuy tốc độ huy động của các ngân hàng 9 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (7,3%) nhưng huy động vốn đã cải thiện đáng kể trong quý III. Trước đó, huy động vốn của ngành ngân hàng đến hết tháng 6 mới tăng khoảng 1,5% so với đầu năm.
Tốc độ huy động vốn chậm hơn so với tín dụng khiến chênh lệch giữa dư nợ cho vay và số dư tiền gửi duy trì ở mức cao. Điều này, theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động, đặc biệt ở các nhà băng quy mô nhỏ.
Tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tăng nhanh trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh đi lên.
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay và đến nay vẫn chưa dừng. Mặt bằng lãi suất đã thiết lập mức mới.
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định trong bối cảnh các kênh đầu tư rủi ro và thiếu bền vững, người dân có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng. "Dòng tiền thông minh thường tìm đến ngân hàng để chờ đợi cơ hội từ các kênh đầu tư khác khi thị trường ổn định hơn", ông Huân nhận định.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng dự báo tiền gửi vào thời điểm cuối năm sẽ tăng lên do hoạt động sản xuất kinh doanh chậm lại. Còn các cá nhân thì cũng khó có kênh nào đầu tư nên tiền vẫn nằm ở kênh tiết kiệm là chính. Gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh trú ẩn an toàn trong thời gian chờ đợi đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản….
Cùng với đó, nhu cầu cho vay tăng mạnh dịp cuối năm được cho là lý do các ngân hàng đẩy mạnh lãi suất để huy động vốn.
Thông thường, vào cuối năm, rất nhiều khách hàng có nhu cầu được vay vốn bổ sung, chủ yếu cho mục đích ngắn hạn hoặc giải quyết các công việc dở dang, nhập hàng phục vụ Tết.
Trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng gia tăng dịp cuối năm, NHNN đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Các ngân hàng được yêu cầu thực hiện các giải pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.