Dòng tiền tiết kiệm tại Ngân hàng vẫn chưa tìm về thị trường bất động sản
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, người dân có xu hướng tìm đến kênh gửi tiết kiệm ngân hàng để bảo toàn vốn. Sự thận trọng của nhà đầu tư trước những biến động của thị trường tài chính là nguyên nhân trọng điểm khiến dòng tiền này vẫn chưa vội vã tìm đến các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước mới công bố, tính đến cuối tháng 7 năm nay, người dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng một lượng tiền khổng lồ, lên tới 6,838 triệu tỷ đồng. Con số này đánh dấu mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 4,68% so với cuối năm 2023 và thậm chí còn cao hơn 448.820 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy, trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, người dân có xu hướng tìm đến kênh gửi tiết kiệm ngân hàng để bảo toàn vốn. Xu hướng này càng được củng cố bởi làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm đang diễn ra.
Theo TS Hiếu cho biết, việc người dân và nhà đầu tư ưa chuộng gửi tiền vào ngân hàng, thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh đang phần nào phản ánh tâm lý e ngại rủi ro của thị trường. Điều này có thể dẫn đến tình trạng dòng vốn bị "tắc nghẽn", không được luân chuyển hiệu quả vào các hoạt động kinh tế như sản xuất - kinh doanh, từ đó làm giảm động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Giá nhà cao đã cản trở dòng tiền chảy về bất động sản
Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng luôn trong tình trạng tháng sau cao hơn tháng trước và đang đạt mức kỷ lục hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Dòng tiền này vẫn đang chực chờ cơ hội để rót tiền vào các kênh đầu tư cũng như vào sản xuất, kinh doanh.
Ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) cho hay, trong cơ cấu danh mục đầu tư của AFA Group hiện nay, bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng tới 70%. Điều này cũng phản ánh cơ cấu danh mục của nhà đầu tư Việt Nam là luôn ưu tiên cho bất động sản. Hơn nữa, đặc tính giá bất động sản cũng khiến kênh đầu tư này chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư.
Tuy vậy, đầu tư vào bất động sản giai đoạn hiện nay là lựa chọn rất khó khăn với nhà đầu tư, do thị trường đang trong thời điểm “khó mua, khó bán”. Đây cũng là lý do khiến dòng tiền trong giai đoạn này chảy ngược trở lại ngân hàng, thay vì đổ vào bất động sản, bất chấp lãi suất đang ở mức thấp.
“Một số môi giới cho rằng, lãi suất thấp thì tiền sẽ chảy vào bất động sản, song thực tế, dòng tiền thông minh đã không chảy vào bất động sản, mà lại chảy ngược vào tiết kiệm ngân hàng. Giá nhà quá cao khiến số lượng giao dịch bất động sản trong quý II/2024 chỉ bằng một nửa lượng giao dịch quý I/2024”, ông Long cho hay.
Theo các chuyên gia, dịnh giá bất động sản quá cao trong khi thanh khoản thấp không chỉ khiến người mua không thể lướt sóng, phải chôn vốn lâu dài, mà còn khiến người mua tích lũy khó kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận cao. Giá nhà cao cũng khiến lợi nhuận từ cho thuê bất động sản giảm xuống (chỉ chiếm khoảng 3% tổng giá trị đầu tư, thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng).
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, cho biết giá nhà để bán tại Hà Nội vẫn trên đà tiếp tục tăng. Giá bán sơ cấp hiện đang ở mức 69 triệu đồng/m2 , tăng 6% so với quý trước và 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường thứ cấp, giá trung bình của căn hộ trong quý 3 là 51 triệu đồng/m2, tăng 10% so với quý trước và 41% so với năm ngoái. Giá thứ cấp trung bình tăng 17% mỗi năm kể từ năm 2020, với Hạng C tăng mạnh nhất đạt 20%/năm, tiếp đến là Hạng A tăng 16%/năm và Hạng B tăng 15%/năm.
Với tốc độ tăng giá chóng mặt, nhiều người vẫn lựa chọn kênh trú ẩn cho dòng tiền ở ngân hàng hơn là đưa về bất động sản.
Tìm cách “rã băng” tiền từ ngân hàng về bất động sản
Giới phân tích cho rằng cần nhanh chóng có các giải pháp để "rã băng" dòng tiền chảy vào nền kinh tế, tạo tăng trưởng.
Ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) cho rằng, thị trường bất động sản còn nhiều dư địa để tăng trưởng, nhưng lựa chọn phân khúc đầu tư không hề đơn giản. Tôi cho rằng, nửa sau năm 2025, thậm chí phải bước sang năm 2026, thị trường mới có sự phục hồi đủ tốt. Hiện tại không phải là thời điểm thích hợp cho nhà đầu tư bất động sản thích “lướt sóng”, nếu không sẽ có nguy cơ phải “cầm hòn than” nóng bỏng tay.
Gợi ý chiến lược cho nhà đầu tư, TS. Cấn Văn Lực cho hay: "Chiến lược đầu tư quan trọng hiện nay là đa dạng hóa các kênh hay danh mục đầu tư, tức là phân bổ vốn vào nhiều loại tài sản khác nhau để giảm thiểu rủi ro. Điều này giúp nhà đầu tư vừa tối ưu hóa lợi nhuận từ nhiều nguồn khác nhau, vừa hạn chế rủi ro do các tài sản bù trừ cho nhau. Với tiền nhàn rỗi, không chỉ gửi tiết kiệm, nhiều nhà đầu tư có thể lựa chọn các kênh như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, tùy thuộc vào "khẩu vị" rủi ro mà nhà đầu tư mong muốn".
Để thu hút dòng tiền tiết kiệm đang "nằm ngủ" trong ngân hàng vào thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường bất động sản phải nâng cao sức hấp dẫn như đa dạng hóa loại hình sản phẩm (căn hộ chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ...), đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Bên cạnh đó là điều chỉnh giá bán phù hợp với khả năng tài chính của người mua, tăng cường chính sách bán hàng linh hoạt. Cùng với đó là các yếu tố minh bạch thông tin, pháp lý hoàn chỉnh… từ đó thị trường phát triển bền vững mới có thể thu hút dòng tiền tiết kiệm của nhà đầu tư và người dân.
Để “rã băng” dòng tiền chảy vào nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong năm 2024 tựu trung vẫn nằm ở hai chữ lớn là “kinh doanh” và “tài chính”. Hai chữ này luôn luôn nằm thường trực và ảnh hưởng với nhau. Do đó, điều mà người dân, doanh nghiệp cần hiện nay, bên cạnh hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng, là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hóa, sản phẩm. Đặc biệt, với những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới…