Lãi suất vay mua nhà lên tới 15%: Khách vay trước ‘bão lớn’
Lãi suất cho vay mua nhà vẫn có xu hướng tăng, mức cao nhất thậm chí có thể lên đến 15%/năm. Đó thực sự không phải là một ‘đợt sóng’ mà là ‘cơn bão’ đè năng lên người mua nhà trong thời gian tới.
Lãi suất cho vay mua nhà tăng kéo dài
Trong những ngày đầu tháng 11, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay mua nhà. Trong đó, có 3 ngân hàng nước ngoài tăng lãi suất cho vay mua nhà với mức cao nhất tới 2,4 điểm % so với trước.
Cụ thể, Ngân hàng TNHH MTV Hong Leong Việt Nam tăng lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà thêm 2,4 điểm % so với tháng trước, lên 9,99%/năm đối với gói cố định trong 1 năm đầu; mức 11,69%/năm cố định 2 năm đầu và mức 12,29%/năm cố định trong 3 năm đầu.
Tương tự, Ngân hàng HSBC cũng tăng lãi suất cho vay mua nhà trong 6 tháng đầu thêm 0,75 điểm % lên mức 7,75%/năm; trong 12 tháng lên 7,85%/năm; 24 tháng lên 8,5%/năm; 36 tháng là 8,9%/năm; 48 tháng lên 9,25%/năm; 60 tháng là 10,49%/năm. Trước đó, vào tháng 10, Ngân hàng HSBC cũng tăng lãi suất cho vay mua nhà thêm 0,8 điểm %, lên mức 7%/năm.
Woori Bank cũng nâng lãi suất cho vay mua nhà thêm 2,2 điểm %, lên mức 10%/năm, cố định trong năm đầu tiên. Lãi suất thả nổi tại nhà băng này được tính bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng (khách hàng cá nhân) tại các ngân hàng quốc doanh cộng thêm 3,8%/năm.
Lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại đang được áp dụng trong khoảng từ 4,99-10,59%/năm. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) hiện là nhà băng có lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà thấp nhất với mức 4,99%/năm. Nhưng mức lãi suất ưu đãi này chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu. Sau 3 tháng, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi theo thị trường.
Xếp thứ hai về lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà thấp nhất là Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank). Ngân hàng này cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi chỉ 5%/năm. Song mức lãi suất này chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 sẽ áp dụng lãi suất thả nổi là 12%/năm.
Thông thường, khách vay mua nhà chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi trong thời gian nhất định, thường từ 3-12 tháng vay đầu tiên. Hết thời gian ưu đãi, các ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất ấn định ở mức cao hoặc thả nổi theo lãi suất thị trường. Trong đó, lãi suất thả nổi thường bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ lãi suất khoảng 3-5%/năm hoặc bằng lãi suất cơ sở được ngân hàng công bố cộng với biên độ lãi suất 3-5% tùy từng ngân hàng.
Điều này khiến lãi suất cho vay mua nhà sau thời gian ưu đãi có thể tăng lên mức cao. Nhiều người vay mua nhà đang phải trả lãi suất từ 11-15%/năm trong các năm tiếp theo. Đó thực sự không phải là một ‘đợt sóng’ nữa mà là ‘cơn bão’ đe doạ người mua nhà trong thời gian tới.
Giới chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động kéo theo lãi suất cho vay mua nhà sẽ tiếp tục tăng. Do đó, bên cạnh việc so sánh lãi suất ở các ngân hàng để lựa chọn gói vay phù hợp, người mua nhà nên cân nhắc kỹ về dòng tiền và khả năng trả nợ. Thay vì bị thu hút bởi lãi suất ưu đãi, hãy tính toán dựa trên lãi suất thả nổi theo thị trường.
Vốn vào bất động sản vẫn ách tắc
Giới phân tích nhận định, thời gian tới, ngay cả khi room tín dụng được cấp mới vào năm 2023, vốn vào bất động sản vẫn rất khó.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà.
HoREA cho hay, do tắc các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu và cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro. Một số phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu thậm chí đến 40% giá hợp đồng.
HoREA đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội, nhất là các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu.
Đồng thời, HoREA cũng đề nghị NHNN xem xét có thể nới trần tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Liên quan đến tín dụng cho bất động sản, mới đây, giải trình tại nghị trường Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh vốn để phát triển thị trường bất động sản. Thay vào đó, thị trường bất động sản phát triển cần huy động nhiều nguồn lực từ các kênh, ví dụ như nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ ngân sách nhà nước, vốn tự có của doanh nghiệp và người dân.
Chính sách của NHNN hướng đến ưu tiên đối với cấp tín dụng những khoản cho vay đối với các nhà ở phân khúc thấp. Với tín dụng cho nhà ở xã hội giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay nhà ở xã hội và giao cho các tổ chức tín dụng được chỉ định.
Thống đốc cho hay, hiện đã giải ngân với doanh số là 10.584 tỷ đồng và dư nợ đến 30/9 là 9.147 tỷ đồng. Nhưng hiện một số tổ chức tín dụng được chỉ định cho vay theo Nghị định 100 vẫn chưa giải ngân được do tiền cấp bù lãi suất cũng chưa được bố trí cho các đơn vị này.