Lâm Đồng: ‘Ôm đất’ rồi bỏ hoang, dự án hơn 768 ha của Vàng bạc đá quý Kim Minh Đạt bị thu hồi
Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định 735/QĐ-UBND về việc thu hồi toàn bộ 768,2 ha đã cho Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh vàng bạc đá quý Kim Minh Đạt thuê tại huyện Đạ Tẻh.
Thu hồi 768,2 ha đất đã giao cho Công ty Kim Minh Đạt
Quyết định nêu rõ, thu hồi toàn bộ diện tích 768,2 ha đất đã cho Công ty Kim Minh Đạt thuê theo Quyết định số 3360/QĐ-UBND ngày 15/12/2008 của UBND tỉnh tại xã Quốc Oai và xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh và giao Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý.
Lý do thu hồi là do theo Văn bản số 639/UBND-LN ngày 27/01/2021 của UBND tỉnh thì dự án triển khai đầu tư chậm tiến độ 84 tháng so với Giấy chứng nhận đầu tư (vi phạm quy định Luật Đầu tư; điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai; Điều 22 Luật Lâm nghiệp).
Đồng thời, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND xã Quốc Oai và xã Mỹ Đức có trách nhiệm giao Quyết định này cho Công ty Kim Minh Đạt; trường hợp Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh vàng bạc đá quý Kim Minh Đạt không nhận Quyết định này hoặc vắng mặt thì phải lập biên bản; niêm yết Quyết định này tại trụ sở UBND xã Quốc Oai và xã Mỹ Đức, cùng nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan lập biên bản bàn giao đất thu hồi nêu trên cho Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý. Đồng thời, lập thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao lập hồ sơ, thủ tục và bàn giao tài nguyên rừng trên đất cho Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý; xử lý hoặc đề xuất xử lý các nội dung phát sinh liên quan đến tài nguyên rừng (nếu có) theo quy định.
Giao Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xác định các khoản nghĩa vụ tài chính mà Công ty Kim Minh Đạt còn phải thực hiện, để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo quy định.
Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đạ Tẻh có trách nhiệm: quản lý chặt chẽ diện tích đất thu hồi nêu trên; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nội dung nêu trên; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ đất đai, tài nguyên rừng có trên đất được giao, không để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất đai, khai thác lâm sản và phá rừng trái pháp luật.
Siết chặt tình trạng giao đất tùy tiện
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 3.205 dự án, diện tích khoảng trên 85.163ha (chưa tính đến diện tích đất Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp) đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, kể từ năm 2005, địa phương này đã đã giao 488 dự án cho 473 doanh nghiệp có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, do không triển khai dự án hoặc triển khai chậm tiến độ, không đúng với chứng nhận đầu tư, để rừng bị phá, lấn chiếm… nên UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 208 dự án với tổng diện tích 30.469ha (gồm 172 dự án thu hồi toàn bộ/26.226ha và 36 dự án thu hồi một phần/4.242ha).
Hiện tại, Lâm Đồng còn khoảng 322 dự án của 307 tổ chức, hộ gia đình được giao, cho thuê đất lâm nghiệp để đầu tư triển khai dự án với tổng diện tích 52.722ha.
Trước tình trạng nhiều dự án được giao đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích,… từ những ngày đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai.
Cụ thể, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, trong đó yêu cầu Bộ TN&MT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích gây lãng phí đất đai.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, Bộ TN&MT đã có kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi một số nội dung liên quan đến quy hoạch để xử lý quy hoạch treo; phân cấp cho UBND tỉnh, TP tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý những dự án kinh doanh BĐS trên địa bàn nhằm thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng dự án, kiến nghị với cơ quan Nhà nước theo thẩm quyền giải quyết vướng mắc hoặc vi phạm (nếu có) theo quy định.