Làn sóng thay sếp của các ngân hàng: Khi lãnh đạo của phải tái cơ cấu
Nhân sự cấp cao tại nhiều ngân hàng gần đây có sự biến động mạnh. Việc thay đổi lãnh đạo được kỳ vọng sẽ tạo ra “làn gió mới” cho các ngân hàng.
Ghế nóng ngân hàng biến động
Gần đây, nhiều ngân hàng dồn dập thay đổi nhân sự cấp cao. Có ngân hàng chỉ trong vòng hơn một tháng đã thay cả chủ tịch hội đồng quản trị lẫn tổng giám đốc.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố miễn nhiệm đồng thời bổ nhiệm nhân sự cấp cao thuộc Hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank Lào.
Theo đó, ông Võ Anh Nhuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, sẽ thôi không kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank Lào từ ngày 3/7/2023. Thay thế cho vị trí này là ông Nguyễn Thị Thanh, hiện là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Sacombank Cambodia.
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng công bố thông tin về thay đổi nhân sự cấp cao trong ban điều hành.
Cụ thể, ngân hàng này cho biết, ông Nguyễn Hải Long (sinh năm 1974) thôi giữ chức danh Phó Tổng Giám đốc Agribank kể từ ngày 24/6/2023. Ông Long đã đảm nhiệm vị trí này được gần 10 năm tại Agribank.
Sau khi ông Long không còn làm Phó Tổng giám đốc, Ban điều hành Agribank còn 9 thành viên, trong đó, ông Phạm Toàn Vượng là Tổng Giám đốc và 8 Phó Tổng Giám đốc gồm: bà Nguyễn Thị Phượng, ông Phạm Đức Tuấn, ông Tô Đình Tơn, ông Trần Văn Dự, Nguyễn Quang Hùng, bà Phùng Thị Bình, ông Hoàng Minh Ngọc và ông Lê Hồng Phúc.
Ngày 21/6, Ngân hàng Nhà nước có công văn chấp thuận việc bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đối với ông Hồ Nam Tiến (sinh năm 1971).
Trước đó, ngày 17/3, HĐQT LPBank đã giao nhiệm vụ cho ông Hồ Nam Tiến chức danh Quyền Tổng Giám đốc, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng giám đốc. Ông Tiến có 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và giữ vai trò quản lý cấp cao tại các tổ chức, định chế tài chính.
Ngân hàng Nhà nước ngày 17/5 đã có công văn chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đối với ông Phạm Như Ánh.
Trước đó, ngày 13/4, HĐQT MB đã giao nhiệm vụ cho ông Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc. Ông Ánh sinh năm 1980, thuộc lớp lãnh đạo trẻ của MB, có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng.
Cũng trong chiều 13/4, MB đã công bố quyết nghị miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT MB đối với ông Lê Hữu Đức, đồng thời bầu ông Lưu Trung Thái - phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc MB - làm Chủ tịch HĐQT MB trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng, MB đã thay cả chủ tịch hội đồng quản trị lẫn tổng giám đốc.
Ngày 21/4, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã công bố quyết định bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc đối với ông Tạ Kiều Hưng, người mới gia nhập NCB được 4 tháng. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Vào ngày 31/1, HĐQT Sacombank công bố quyết định cho ông Lê Văn Ron thôi nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc ngân hàng kể từ ngày 1/2.
Hay Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng công bố quyết định giao bà Lê Thị Bích Phượng đảm nhận nhiệm vụ quyền Tổng Giám đốc, thay ông Nguyễn Mạnh Quân kể từ ngày 30/1/2023. Ông Quân sẽ tiếp tục tham gia công tác điều hành ở vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực ABBank.
Mang đến “làn gió mới” cho các ngân hàng
Trước làn sóng thay đổi “ghế nóng” tại các ngân hàng gần đây, nhiều chuyên gia đánh giá, sự thay đổi này là tất yếu trong hoạt động phát triển ngành ngân hàng hiện nay giữa bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, cùng với những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh.
Sự thay đổi nhân sự cấp cao lại càng cần thiết để phù hợp với bối cảnh ngành ngân hàng đang phải nhanh chóng chuyển đổi số, nhiều áp lực cạnh tranh, trong khi lại đứng trước nhiều thách thức bởi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, số lượng đơn hàng thấp trong khi chi phí vốn tăng cao khiến nhu cầu vốn giảm sút làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các nhà băng.
Bên cạnh đó, những câu chuyện mà ngành ngân hàng đang phải đối mặt như trái phiếu, bảo hiểm nhân thọ… cũng khiến các ông chủ nhà băng phải cân nhắc nhân sự phù hợp với “ghế nóng”.
Trước những thách thức đó, bài toán đặt ra là các ngân hàng phải nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong đó, mấu chốt nằm ở việc tái cơ cấu bộ máy nhân sự.
Nguồn nhân sự cao cấp luôn được xem là vấn đề quan trọng hàng đầu trong các ngân hàng. Gần đây, nhân sự lãnh đạo cấp cao tại nhiều ngân hàng có sự chuyển động mạnh mẽ nhằm phù hợp với mục tiêu kinh doanh và thị hiếu thị trường.
Một số chuyên gia ngân hàng nhận định, nếu nhân viên là nhân tố quan trọng nhất trong việc thúc đẩy thành công kinh doanh thì lãnh đạo mỗi ngân hàng phải đảm bảo rằng tất cả nhân viên trong hệ thống là đúng người, đúng thời điểm và đúng vị trí. Dù là nhân sự cấp cao hay nhân viên cơ sở thì việc lựa chọn các nhân sự này đều phải được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với chiến lược, mục tiêu và định hướng mới của từng ngân hàng.
Nếu quan sát kỹ có thể thấy việc lựa chọn nhân sự của các ngân hàng ẩn chứa thông điệp mạnh mẽ của các ngân hàng trong nỗ lực chuyển đổi số, gia tăng lợi thế cạnh tranh, đồng thời nhằm hiện thực hoá mục tiêu đẩy mạnh công nghệ và mô hình bán lẻ được ĐHĐCĐ các ngân hàng đề ra.
Đáng chú ý, trong làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao của các ngân hàng thời gian qua, có một đặc điểm chung là thế hệ trẻ đã nắm giữ nhiều hơn các trọng trách ở ngân hàng. Có thể thấy, các ngân hàng đang trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo.
Theo đánh giá của giới quan sát, sự “trẻ hóa” ở thượng tầng tại các ngân hàng thương mại hiện nay sẽ mở ra những cơ hội mới, mang tới một diện mạo mới, "làn gió mới" cho ngành ngân hàng đầy màu sắc và sôi động.