NHNN sẽ giao hạn mức tín dụng đến hết cả năm để các ngân hàng chủ động

Sắp tới NHNN sẽ giao hạn mức tín dụng đến hết cả năm để các ngân hàng chủ động thực hiện việc tăng trưởng tín dụng.

 

NHNN sẽ giao hạn mức tín dụng đến hết cả năm để các ngân hàng chủ động - Ảnh 1

Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã điều hành tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: SBV)

Chia sẻ tại họp báo thường kỳ thông tin về kết quả hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã điều hành tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo lãnh đạo NHNN, đến ngày 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Thống đốc, mức tăng trưởng tín dụng thấp so với cuối năm ngoái đến từ nhiều lý do từ cả khách quan lẫn chủ quan.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Cũng theo Phó Thống đốc khẳng định NHNN muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không phải là cấp tín dụng bất chấp mà phải đáp ứng điều kiện vay vốn, an toàn hệ thống và hiệu quả đối với nền kinh tế.

"Tăng trưởng tín dụng luôn đi với nguyên tắc là không hạ chuẩn tín dụng. Bởi vì hạ chuẩn đồng nghĩa với việc rủi ro tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Hiện nay tại một số ngân hàng, nợ xấu nội bảng thì vẫn dưới 3% nhưng nợ tiềm ẩn thì đang có xu hướng tăng tại một số ngân hàng", Phó Thống đốc cho hay.

Về lãi suất, cần phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, định hướng của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng cần có định hướng theo hướng từng bước giảm dần một cách tích cực cả từ huy động lẫn cho vay.

Việc giảm lãi suất cho vay sẽ có độ trễ nhưng phải tìm cách để độ trễ này ngắn hơn, do đó NHNN giảm lãi suất điều hành và thực hiện chỉ đạo các NHTM là định hướng để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất.

Phó Thống đốc cho biết hạn mức tín dụng thì hiện nay chưa thiếu nhưng sắp tới NHNN sẽ giao hạn mức tín dụng đến hết cả năm để các ngân hàng chủ động thực hiện việc tăng trưởng tín dụng.

Cùng với đó, ngân hàng cũng đang thực hiện việc cơ cấu lại nợ, giãn hoãn khoản đến hạn kể cả gốc và lãi theo hướng của Thông tư 02 để hỗ trợ doanh nghiệp. Tính đến nay, 17 ngân hàng đã thực hiện với  trên 150.000 tỷ đồng dư nợ được cơ cấu lại.

Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, cụ thể:

Điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống TCTD. Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu; Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống