Bỏ công chứng hợp đồng tặng, cho bất động sản: Cần đánh giá thận trọng

Luật sư Hoàng Văn Hà đánh giá việc bỏ công chứng hợp đồng tặng, cho bất động sản là một đề xuất mang tính cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên cần được đánh giá thận trọng dưới góc nhìn pháp lý để đảm bảo an toàn cho người dân và hiệu quả quản lý nhà nước.

Tại Thông báo số 410 ngày 7/7/2025 của Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội, liên quan kết luận của Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông sau cuộc họp xem xét đề xuất của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hà Nội đang nghiên cứu thí điểm bỏ yêu cầu công chứng, chứng thực trong giao dịch bất động sản là hợp đồng tặng, cho giữa cá nhân với cá nhân tại các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu của đề xuất là đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ về cải cách thủ tục trong giai đoạn 2025-2026. Phương án thí điểm sẽ triển khai theo hướng làm mẫu (pilot), nhằm đánh giá hiệu quả thực tế và mức độ rủi ro pháp lý trước khi xem xét mở rộng.

Tuy nhiên, chính sách mới đang được đề xuất với phạm vi khá hẹp: chỉ áp dụng cho hợp đồng tặng, cho bất động sản giữa cá nhân với cá nhân trong phạm vi các dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội. Chính sách chưa áp dụng với giao dịch nhà, đất trong khu dân cư thông thường.

Luật sư Hoàng Văn Hà (Công ty Luật ARC Hà Nội).
Luật sư Hoàng Văn Hà (Công ty Luật ARC Hà Nội).

Đánh giá về vấn đề này, Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật TNHH ARC Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản và phải công chứng hoặc chứng thực. Nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng chỉ có hiệu lực sau khi được đăng ký.

Ngoài ra, theo Điều 164 Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025), hợp đồng tặng cho nhà ở cũng bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực. Chỉ một số trường hợp đặc biệt như tặng cho nhà tình nghĩa, nhà từ thiện, hoặc một số dạng hỗ trợ xã hội thì mới không bắt buộc.

Luật Đất đai năm 2024 cũng không cho phép miễn công chứng trong các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, mà vẫn yêu cầu phải thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Nhà ở.Vì vậy, hiện tại không có cơ sở pháp lý nào cho phép bỏ công chứng, chứng thực trong giao dịch tặng cho bất động sản giữa cá nhân với cá nhân.

Luật sư Hà cũng khuyến cáo, nếu bỏ qua khâu công chứng, chứng thực trong giao dịch tặng cho bất động sản, người dân và cơ quan nhà nước có thể đối mặt với nhiều rủi ro như việc Người dân có thể bị tuyên hợp đồng vô hiệu vì vi phạm hình thức; Giao dịch không được công nhận, không thể đăng ký sang tên, không được bảo vệ khi xảy ra tranh chấp. Đồng thời, cơ quan nhà nước khó kiểm soát biến động đất đai, nhà ở; dễ bị thất thu thuế, lệ phí trước bạ; làm tăng khiếu kiện, tranh chấp.

Do vậy, theo ông Hà hiện nay, việc công chứng hoặc chứng thực hợp đồng tặng cho bất động sản giữa cá nhân vẫn là bắt buộc theo quy định của pháp luật. Việc bỏ qua bước này sẽ khiến giao dịch không có hiệu lực và tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý cho người dân và nhà nước. Nếu muốn cải cách thủ tục, cần triển khai thận trọng, có hành lang pháp lý phù hợp và công nghệ hỗ trợ đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi các bên.

Hoàng Tư

Theo Tài chính doanh nghiệp