Lập hãng hàng không 100 triệu USD và những cuộc chơi lớn của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn

Mới đây, Công ty cổ phần IPP Air Cargo (IPP Air Cargo) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch đã đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng bay chuyên vận tải hàng hóa với vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD).

Lập hãng hàng không 100 triệu USD và những cuộc chơi lớn của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn - Ảnh 1

Doanh nghiệp chưa đầy “2 tháng tuổi” nhà Johnathan Hạnh Nguyễn muốn lập dự án 100 triệu USD?

Theo đó, IPP Air Cargo vừa trình Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ ngành liên quan xem xét chủ trương thành lập dự án hãng hàng không vận tải hàng hóa – phạm vi nội địa và quốc tế – với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Trong đó 30% là vốn chủ sở hữu còn 70% từ các cổ đông khác.

Theo tìm hiểu, IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh vào ngày 10/3/2021 là công ty thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG). Ông Johnathan Hạnh Nguyễn giữ vai trò chủ tịch IPPG đồng thời là chủ tịch IPP Air Cargo. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, do bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Bà Tiên cũng là Tổng Giám đốc của Tập đoàn IPPG..

Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp  
Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp  

Theo hồ sơ, hãng sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên. Năm thứ hai, đội bay sẽ tăng dần lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ ba. Đồng thời, lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa trong năm đầu tiên, với mục tiêu vận hành chuyến bay thương mại đầu tiên từ quý II/2022, doanh thu đạt 71 triệu USD và có lãi từ năm thứ tư.

Việc thành lập hãng bay vận tải hàng hóa của ông Johnathan Hạnh Nguyễn lúc này được xem là bước đi khá hợp lý khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không nội địa và quốc tế đang ngày càng cao. Riêng trong năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa mà các hãng hàng không Việt ghi nhận đạt 1,3 triệu tấn. Hiện 80% lượng hàng hóa quốc tế vận chuyển bằng đường hàng không đi, đến Việt Nam do các hãng hàng không nước ngoài thực hiện. Cả 6 hãng hàng không trong nước vẫn chưa có hãng nào chuyên chở hàng hóa.

Công ty của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang có thị phần đáng kể trong các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại các sân bay, như Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) – đơn vị kinh doanh hàng miễn thuế, trung tâm thương mại và dịch vụ phòng chờ tại sân bay này và nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC).

Những “cuộc chơi lớn” của gia đình nhà Johnathan Hạnh Nguyễn

Được biết, ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một Việt kiều, từ năm 2000, IPPG phát triển việc đưa các sản phẩm cao cấp quốc tế vào Việt Nam để đón đầu xu thế tiêu dùng. Công ty trở thành đối tác phân phối các thương hiệu rượu, thuốc lá uy tín, hiện đã phát triển hơn 300 điểm bán trên toàn quốc.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên (Tổng giám đốc IPPG) đã mở rộng bán lẻ thời trang cao cấp, thành lập công ty DAFC phân phối hàng chục thương hiệu thời trang danh tiếng. Từ đó, IPPG phát triển phân khúc thời trang trung cấp thông qua công ty ACFC phân phối độc quyền hơn chục thương hiệu như Nike, CK, Levis…

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) được ông Johnathan Hạnh Nguyễn thành lập từ năm 1986 tại Philippines. IPPG được biết đến chủ đầu tư hoặc hợp tác đầu tư 30 dự án với tổng vốn hơn 280 triệu USD, trong đó có những thương vụ đầu tư lớn như siêu thị Miền Đông; khách sạn Nha Trang Lodge; cửa hàng miễn thuế tại các sân bay nội địa và 4 quốc gia ở Đông Nam Á và đặc biệt là hệ thống cửa hàng thời trang và mỹ phẩm chuyên bán hàng hiệu tại khách sạn Rex, Vincom – Eden và mới đây là dự án tiêu tốn 400 tỷ của IPP là Tràng Tiền Plaza kết hợp với công ty thương mại Tràng Tiền.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng vợ (bà Lê Hồng Thủy Tiên).  
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng vợ (bà Lê Hồng Thủy Tiên).  

Từ năm 2016, IPPG cùng 5 đối tác (trong đó có Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Vietjet Nasco, Yên Khánh và Việt Xuân Mới) cùng triển khai đầu tư Nhà ga Quốc tế – sân bay Cam Ranh (CRTC) với tổng mức 3.735 tỷ đồng, công suất có thể đạt 6 – 8 triệu hành khách/năm. Nhà ga này đã được khai trương từ tháng 6/2018, trong đó IPPG sở hữu chi phối 55%.

Một năm sau đó, IPPG trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Mã: SAS), cùng các đơn vị sở hữu hơn 45% vốn điều lệ. Từ tháng 5/2017, ông Hạnh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT công ty này.

“Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn luôn được biết đến là doanh nhân của những “cuộc chơi lớn”. Đơn cử như tháng 6/2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu phi thuế quan Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nhà đầu tư trúng thầu dự án này là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn. Được biết, đây là dự án đầu tư có tổng diện tích đất 101ha tại ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Lập hãng hàng không 100 triệu USD và những cuộc chơi lớn của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn - Ảnh 2

Tổng chi phí thực hiện dự án dự kiến hơn 6.830 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 1.024 tỷ đồng, còn lại là vốn vay mà nhà đầu tư phải huy động. Nhà đầu tư sẽ phải ứng trước 830 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm. Mục tiêu xây dựng khu phi thuế quan và khu thương mại, dịch vụ nằm ngoài khu phi thuế quan ở Phú Quốc. Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng làm tăng thêm dịch vụ du lịch cho Phú Quốc.

Liên quan đến dự án trên, tháng 2/2019, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết, đã có 3 nhà đầu tư mua hồ sơ mời sơ tuyển, nhưng đến thời điểm đóng sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển là Tập đoàn Liên Thái Bình Dương của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Đến tháng 7/2019 UBND tỉnh Kiên Giang và đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương – ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã ký kết hợp tác xây dựng, đầu tư dự án khu phi thuế quan tại Phú Quốc.

Ngoài ra, tại Khánh Hòa, cách đây 2 năm, IPP đã nghiên cứu khu vực kinh tế Bắc Vân Phong. Vốn đầu tư khu vực này dự kiến khoảng 40 tỷ USD. Được biết, Tuy IPP không thể bỏ ra 40 tỷ USD nhưng tập đoàn có thể kêu gọi được những nhà đầu tư lớn ở nước ngoài đầu tư theo những lĩnh vực thế mạnh.

Theo đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn đầu tư vào các ngành trọng như ngành du lịch casino, khu mua sắm, khu khánh sạn và nghỉ dưỡng cao cấp, khu giải trí, cơ sở thể dục – thể thao, khu dân cư và công nghiệp. Đồng thời, ông cũng muốn đầu tư sân bay quốc tế và đường bộ, khu vực cảng vận tải hàng hải, hành khách, bến đỗ cho các tàu du lịch quốc tế vào khu vực này.

Hay như tại Đà Nẵng, công ty nhà Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đã tham gia đấu giá quyền sử dụng đất dự án Khu phức hợp trung tâm tài chính thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp tại tuyến đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ Phước, quận Sơn Trà, tỉnh Đà Nẵng. Dự án này có diện tích 84.017m2 với tổng vốn đầu tư dự kiến 2 tỷ USD.

Và mới đây, phía IPPG đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang về việc công ty muốn triển khai thực hiện các dự án mang tầm khu vực và quốc tế của Tập đoàn tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Cụ thể, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất được đầu tư thêm một số dự án mang tầm đẳng cấp quốc tế, phù hợp với đặc thù sẵn có của Phú Quốc như: Dự án thành phố sân bay thương mại phức hợp, dự án tổng kho Logistics. “Nếu được các lãnh đạo chấp thuận chủ trương nghiên cứu chủ trương đầu tư, thì đây sẽ là những dự án nhằm khai thác tiềm năng kết hợp du lịch, thương mại và dịch vụ của Phú Quốc để tăng quy mô và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch” – ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển