Lấy lại vị thế 'đầu tàu' cho TP. HCM: Mở đất Cần Giờ và trông chờ vào bất động sản
Phát biểu tại Tọa đàm Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023/QH15, Tiến sỹ Trần Du Lịch bày tỏ kỳ vọng, từ đây đến năm 2030, mức tăng trưởng kinh tế của TP. HCM phải đạt 2 con số để thay đổi vị trí của TP. HCM trên bản đồ trong khu vực...
Cần giờ: Không gian phát triển mới
Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng, Nghị quyết 98 ra đời đã tháo gỡ những khó khăn và tạo điều kiện để Cần Giờ phát huy thế mạnh để kêu gọi đầu tư, phát triển đồng bộ và phát triển bền vững trên các lĩnh vực.
Cần Giờ hiện có chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD; xây dựng khu đô thị lấn biển quy mô 2.870ha, xây dựng cầu Cần Giờ với hơn 10.000 tỷ, phát triển điện gió ngoài khơi…
Bên cạnh đó, Cần Giờ đang nghiên cứu và kêu gọi đầu tư trong thời gian sớm nhất: Trồng rừng gắn với tín chỉ carbon – chia theo giai đoạn; mô hình du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản phẩm OCOP; phát triển năng lượng tái tạo, trước tiên là điện áp mái cho cả cơ quan công, lẫn tư nhân và bãi muối có thể 3-6 tháng có sản phẩm...
Trông vào bất động sản
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, để triển khai Nghị quyết 98 cần chọn khâu đột phá. Hiện TP. HCM đang chọn bất động sản, tập trung chủ yếu vào hạ tầng giao thông. Nhưng hạ tầng của thành phố mới tập trung cho đường bộ, chưa nói đến đường sắt, đường thủy, hàng không. Mục tiêu phát triển hạ tầng của TP. HCM là giảm được chi phí logistic, nếu giữ nguyên thì rất khó.
Cũng theo TS Nguyễn Đức Kiên, TP. HCM muốn phát triển đô thị phải phát triển bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp, trong khi hiện TP. HCM chưa chú trọng đến bất động sản công nghiệp.
Với Nghị quyết 98, phát triển mô hình TOD thì phải phát triển bất động sản công nghiệp, việc này thuộc thẩm quyền của TP. HCM.
Liên quan đến mô hình TOD, TP. HCM đã rà soát quỹ đất dọc Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 2, Vành đai 3, dọc theo cao tốc TP. HCM – Mộc Bài. Qua đó, rà soát được 10.000ha đất, trong đó có nhiều đất công.
Khai thác được quỹ đất này sẽ tạo được nguồn lực lớn để đầu tư các dự án khác. Không chỉ dừng ở khai thác quỹ đất, những khu vực này sẽ trở thành trung tâm đô thị trong tương lai.
TP. HCM sẽ mạnh dạn xây dựng quy hoạch theo hướng đô thị đa trung tâm, có phương án kết nối các trung tâm với nhau.
Tháo điểm nghẽn thể chế và hạ tầng
Theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, Nghị quyết 98 ra đời tạo công cụ pháp lý để gỡ 2 điểm nghẽn làm cho TP. HCM ngày càng mất vị trí, vai trò trong những năm qua, đó là điểm nghẽn về thể chế. Và khi tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, điểm nghẽn về hạ tầng cũng sẽ được tháo gỡ.
Nghị quyết 98 tạo ra công cụ, để tận dụng công cụ này triển khai thực hiện có hiệu quả là một quá trình. Do đó, TP. HCM cần chọn những việc làm trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn, kiểu mẫu để nhanh nhất có sản phẩm, người dân thụ hưởng và tin tưởng Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 98, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh đến việc tạo một khung pháp lý để vận hành, tạo trách nhiệm, sự an tâm, an toàn và xóa đi tâm lý sợ sai khi làm ở đội ngũ cán bộ trong bộ máy chính quyền TP. HCM. Cần một khung pháp lý để bộ máy vận hành hiệu quả nhất, từ đó trên khung pháp lý này đề xuất những sáng tạo thông qua các mô hình cụ thể.
TS Trần Du Lịch cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định liên quan đến chính sách thuế đối với hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp...
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, mục tiêu của Nghị quyết 98 chính là đưa TP. HCM trở lại quỹ đạo phát triển với tư cách là đầu tàu kinh tế của cả nước, tạo nền tảng để sau năm 2025, TP. HCM có sự tăng trưởng cao, GRDP ở hai con số.
TS Trần Du Lịch Kỳ vọng từ đây đến năm 2030, mức tăng trưởng kinh tế của TP. HCM phải đạt 2 con số để thay đổi vị trí của TP. HCM trên bản đồ trong khu vực...