Lịch sử dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức trước khi bị chuyển hồ sơ sang Bộ Công an

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Bộ trưởng, Thứ trưởng được phân công phụ trách 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 theo từng thời kỳ.

Xử lý trách nhiệm Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách dự án

Kết quả thanh tra cho thấy những sai phạm trong quá trình triển khai 2 dự án có tính hệ thống, vi phạm sau có nguyên nhân từ vi phạm trước; có yếu tố chủ quan xảy ra ở hầu hết các khâu, từ chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư; từ phê duyệt chủ trương, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức đấu thầu; lựa chọn, ký kết và thực hiện các gói thầu.

Công bố kết luận thanh tra dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức.
Công bố kết luận thanh tra dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức.

Kết luận thanh tra cũng cho thấy hợp đồng xây dựng các dự án được ký kết không rõ ràng, không tuân thủ bất kỳ quy định nào tại các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

Đáng chú ý, các dự án vừa ký hợp đồng xong thì 8 ngày sau đã phải đề nghị điều chỉnh thiết kế cơ sở. Đồng thời, dự án tiến hành thi công khi chưa có thiết kế kỹ thuật, chưa có bản vẽ thiết kế thi công và chưa có cả dự toán.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ xác định giá trị lãng phí được phát hiện qua thanh tra tại 2 dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng, cao gấp rất nhiều lần so với số tiền thiệt hại tạm tính khoảng 100 tỷ đồng.

"Hiện tượng lãng phí tại 2 dự án diễn ra rất phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng, có hệ lụy về vật chất như suy giảm nguồn lực, tăng gánh nặng chi phí do quản lý, sử dụng tài sản công không hiệu quả; có hệ lụy phi vật chất như việc lãng phí cơ hội khám chữa bệnh của nhân dân; gây nhức nhối trong dự luận xã hội; làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước", Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Bộ trưởng, Thứ trưởng được phân công phụ trách 2 dự án theo từng thời kỳ liên quan đến các vi phạm, sai phạm nêu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ cũng chuyển hồ sơ, tài liệu vụ việc có dấu hiệu vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222, Bộ Luật hình sự năm 2015 đến Bộ Công an để xem xét, điều tra xử lý theo quy định.

Cơ quan thanh tra xác định 2 nội dung sai phạm được chuyển sang Bộ Công an gồm: Đối với 4 gói thầu tư vấn cố ý vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu xây dựng trong việc trình phê duyệt chủ trương thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập dự án khi chưa rõ về khả năng đáp ứng của đơn vị tư vấn trong nước theo quy định, sử dụng đề xuất tài chính, chi phí tư vấn lập dự án kiến trúc do nhà thầu được chỉ định thầu lập để thẩm tra là trái quy định…; quá trình đấu thầu ký kết hợp đồng đối với gói thầu thiết bị y tế Bạch Mai 1 có nhiều vi phạm, đặc biệt có dấu hiệu vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu, có sự sai khác trong nội dung yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin để Bộ Công an xem xét, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nội dung có nhiều vi phạm phát luật đấu thầu, xây dựng và các quy định của pháp luật có liên quan…

Nhìn lại lịch sử dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức

Hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 khởi công từ năm 2014, mỗi bệnh viện quy mô 1.000 giường với mục đích giảm tải cho cơ sở 1 đã quá tải bệnh nhân. Hai cơ sở đều đặt tại tỉnh Hà Nam và chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm.

Ngoài việc giảm tải, hai dự án được đầu tư với mục tiêu trở thành các bệnh viện hiện đại, quản lý điều hành tiên tiến, trình độ khám chữa bệnh ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, giảm tình trạng người dân ra nước ngoài khám chữa bệnh.

Mỗi dự án có 1.000 giường bệnh, theo quyết định đầu tư được Bộ Y tế phê duyệt năm 2014. Tổng mức đầu tư mỗi dự án khoảng 4.990 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 4.500 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn khác. Các dự án được khởi công xây dựng từ năm 2015, dự kiến năm 2020 hoàn thành, sau đó được gia hạn đến năm 2024 song đến nay vẫn "treo" và mới hoàn thành trên 90% phần thi công phần hạ tầng, kiến trúc.

Dự án được chia thành các gói thầu EPC (thiết kế, thi công, cung cấp, lắp đặt thiết bị); loại hợp đồng được điều chỉnh giá. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã gặp khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh giá hợp đồng, dẫn đến nhà thầu dừng thi công từ tháng 12/2020.

Bệnh viện Bạch Mai từng vận hành một phần cơ sở 2 vào năm 2019 nhưng phải dừng hoạt động từ tháng 3/2020. Trong khi đó, Việt Đức cơ sở 2 chỉ dừng lại ở việc cắt băng khánh thành, chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Hiện tại, khuôn viên hai bệnh viện bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục dang dở và phần lớn chưa được bố trí thiết bị y tế.

Lịch sử dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức trước khi bị chuyển hồ sơ sang Bộ Công an - Ảnh 1

Bộ Y tế xác định có 3 nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ. Đầu tiên, đây là các dự án lớn của ngành y tế, lần đầu áp dụng hình thức EPC. Vì vậy, Bộ Y tế, chủ đầu tư và nhà thầu chưa lường hết được các khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án theo hình thức này. Bên cạnh đó, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế; chưa hiểu rõ tầm quan trọng của pháp luật hợp đồng và chưa có kinh nghiệm quản lý hợp đồng EPC.

Tiếp theo, từ năm 2019 đến năm 2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong đó có thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam phải thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư công. Trong thời gian này, Bộ Y tế phải tập trung toàn bộ lực lượng cho công tác phòng chống dịch nên không thể tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án.

Cuối cùng, các vướng mắc trong việc điều chỉnh giá hợp đồng dẫn đến chủ đầu tư không thể thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu. Những phần này gồm: quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế để bổ sung một số khoa phòng, thay đổi một số chức năng, kết cấu theo đề nghị của hai bệnh viện cho phù hợp với yêu cầu chuyên môn; hợp đồng ký ban đầu chưa quy định rõ về nguyên tắc, phương pháp và phạm vi điều chỉnh giá hợp đồng nên khi điều chỉnh thiết kế thì không có đủ cơ sở để điều chỉnh giá hợp đồng.

Trước tình trạng này, Thủ tướng đã ra quyết định thành lập tổ công tác gồm các bộ Y tế, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp... rà soát các vướng mắc khó khăn liên quan để đề xuất phương án tháo gỡ cho dự án tiếp tục xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hôm 31/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cơ quan thanh tra để kết luận hai dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam trước 31/3.

Đầu tháng 1/2025, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra hai dự án trong 40 ngày làm việc. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2014 đến 31/12/2024, khi cần thiết có thể xem xét thời điểm trước hoặc sau.

Giữa tháng 2/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34 về cơ chế và giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Theo Nghị quyết, Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện đầu tư theo tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Trong trường hợp cần bổ sung kinh phí để bảo đảm hoàn thiện và vận hành đồng bộ hai dự án, Bộ Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nghị quyết cho phép điều chỉnh hợp đồng các gói thầu XDBM-01, XDBM-02, XDVĐ-01, XDVĐ-02 để tiếp tục thực hiện hoàn thành các hợp đồng này, trên các nguyên tắc: Giá hợp đồng điều chỉnh sẽ được xác lập theo dự toán thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt, sau khi chiết giảm tỷ lệ tiết kiệm từ việc đấu thầu từng gói thầu.

Việc điều chỉnh giá của các hợp đồng không được vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt. Giá trị thanh toán hợp đồng sẽ được xác định trên cơ sở khối lượng hoàn thành thực tế, đã được nghiệm thu, và đơn giá hợp đồng chi tiết sẽ được điều chỉnh tương ứng tại thời điểm nghiệm thu và thanh toán.

Giá trị thanh toán khối lượng trong hợp đồng không vượt quá giá hợp đồng điều chỉnh (chưa bao gồm dự phòng). Chi phí dự phòng (nếu có) trong dự toán thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt sẽ chỉ được sử dụng để thanh toán cho khối lượng phát sinh nếu có so với khối lượng trong thiết kế đã được phê duyệt.

Tuệ Lâm

Theo Vietnamfinance