Liên tục bị ‘thổi bay’ lợi nhuận sau kiểm toán, TTF ngụp lặn dưới mệnh giá
Trong nhiều kỳ kế toán gần đây, lợi nhuận của Gỗ Trường Thành liên tục bị thổi bay sau kiểm toán.
Lợi nhuận bị thồi bay: Từ lãi thành lỗ
Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét. Sau khi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam thực hiện kiểm toán, kết quả kinh doanh của TTF đã ghi nhận nhiều biến động lớn.
Cụ thể, doanh thu thuần được điều chỉnh tăng nhẹ lên hơn 699 tỷ đồng, trong khi giá vốn có phần giảm so với báo cáo tự lập. Kết quả, lợi nhuận gộp tăng từ 96,2 tỷ đồng (trước kiểm toán) lên hơn 106 tỷ đồng (sau kiểm toán).
Các loại chi phí của Gỗ Trường Thành đều được điều chỉnh sau soát xét, trong đó chi phí tài chính và bán hàng được điều chỉnh giảm, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng thêm gần 14 tỷ đồng lên mức 58,6 tỷ đồng. Sự gia tăng này do trước kiểm toán, Gỗ Trường Thành ghi nhận hoàn nhập dự phòng 11,25 tỷ đồng tuy nhiên lại điều chỉnh thành trích lập dự phòng 3,87 tỷ đồng sau kiểm toán.
Kết quả, khoản lợi nhuận ròng khiêm tốn của công ty trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận ở báo cáo tự lập (4,45 tỷ đồng) biến thành khoản lỗ ròng 5,45 tỷ đồng sau soát xét. Ban lãnh đạo cho biết những sự biến động này do công ty ghi nhận các ảnh hưởng từ chi phí dự phòng phải thu khách hàng trên báo cáo tài chính riêng và các khoản chi phí tương tự tại các công ty con trong hệ sinh thái.
Đáng nói, đây không phải lần đầu lợi nhuận của Gỗ Trường Thành bị “thổi bay” toàn bộ sau kiểm toán. Gần đây nhất, khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán của năm 2023 hồi tháng 4 vừa qua, khoản lợi nhuận ròng 11 tỷ đồng đã biến thành khoản lỗ ròng 134 tỷ đồng.
Nguyên nhân do sự biến động mạnh mẽ ở khoản mục chi phí khác, tăng từ 8,5 tỷ đồng lên 92 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy Gỗ Trường Thành đã ghi nhận thêm chi phí phạt thuế và lỗ từ xoá sổ và thanh lý tài sản, dẫn đến sự gia tăng đột biến của chi phí khác.
Trước đó, kết quả kinh doanh của năm 2022 cũng biến động tương tự khi chuyển từ lãi 6 tỷ đồng thành lỗ 3,7 tỷ đồng sau kiểm toán. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các khoản mục như doanh thu tài chính bị điều chỉnh giảm 41,7%, lợi nhuận khác giảm 22% so với báo cáo tự lập.
Như vậy, sau kiểm toán, Gỗ Trường Thành đã có 2 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ (2022-2023). Sang năm 2024, dù vẫn có lãi sau thuế “tí hon” trong 6 tháng đầu năm, đạt hơn 121 triệu đồng, công ty lại lỗ ròng 5,5 tỷ đồng.
Những kết quả không mấy khả quan này làm Gỗ Trường Thành phải gánh khoản lỗ luỹ kế sau thuế tính đến cuối quý II lên tới 3.241 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã bào mòn vốn cổ phần của TTF, làm vốn chủ sở hữu chỉ còn ghi nhận hơn 256 tỷ đồng, trong khi vốn cổ phần là hơn 4.111 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngụp lặn dưới mệnh giá
Đồng pha với sự kém sắc của kết quả kinh doanh, diễn biến cổ phiếu TTF cũng không mấy khả quan. Kể từ đầu năm đến nay, thị giá của TTF đã lao dốc khoảng 22%, từ mức 4.540 đồng/cổ phiếu còn 3.500 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 6/9). TTF cũng đã thiết lập chuỗi giảm điểm liên tiếp trong 6 phiên gần đây, từ ngày 27/8 đến ngày 5/9.
Kể từ sau biến cố diễn ra vào năm 2016, khi kiểm toán phát hiện hàng tồn kho của Gỗ Trường Thành bị thiếu hụt 980 tỷ đồng so với sổ sách, thị giá của TTF đã rơi liên tiếp từ mức trên 40.000 đồng/cổ phiếu xuống mức dưới mệnh giá, thậm chí cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Biến cố này đã khiến ông Võ Trường Thành, nhà sáng lập của Gỗ Trường Thành phải rời khỏi ban lãnh đạo công ty cùng thoả thuận khắc phục hậu quả. Thay thế ông Thành, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Công ty U&I đã tham gia “giải cứu” Gỗ Trường Thành cùng lời hứa đưa cổ phiếu TTF trở về mệnh giá.
Dưới nhiều sự nghi ngờ của giới phân tích, cổ phiếu TTF không những trở về mệnh giá mà còn thiết lập mức đỉnh ở vùng giá trên 17.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 3/2022, với đà tăng bắt đầu từ quý IV/2021, dù đã trải qua nhiều nhịp điều chỉnh.
Tuy nhiên, sau khi lời hứa của ông Mai Hữu Tín hoàn thành, thị giá của TTF tiếp tục lao dốc kể từ khi thiết lập mức đỉnh, “rơi tự do” về giá trị của 1 cốc đá vào giữa tháng 11/2022 (3.100 đồng/cổ phiếu), tương đương mất khoảng 80% giá trị. Kể từ đó đến nay, TTF chỉ dao động trong vùng giá từ 3.800 – 5.800 đồng/cổ phiếu.
Gỗ Trường Thành vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu. Mới đây, ban lãnh đạo đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Cổ phần Trường Thành và Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành nhằm tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh tại Đắk Lắk.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cũng thông qua việc huỷ kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã xây dựng từ năm 2022 trên cơ sở đánh giá lại tình hình thị trường không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc chào bán và lợi ích cổ đông, cũng như đánh giá lại kế hoạch sử dụng nguồn vốn, kế hoạch kinh doanh.
Thay vào đó, Gỗ Trường Thành dự kiến vay vốn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với giá trị hạn mức tín dụng tối đa là 1.000 tỷ đồng.