Liên tục trúng các gói thầu giá trị hàng nghìn tỷ đồng kể từ đầu năm, sức khỏe tài chính của FECON (FCN) đang ra sao?

Kể từ đầu năm đến nay, Công ty Cổ phần Fecon (Mã CK: FCN) đã trúng hàng loạt gói thầu với tổng giá trị lên đến gần 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe tài chính tại FCN lại không mấy khả quan khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền kinh doanh âm 153 tỷ đồng.

Liên tục trúng các gói thầu kể từ đầu năm

Chỉ tính riêng trong tháng 5/2022, FECON đã trúng hàng loạt gói thầu với tổng giá trị lên đến 420 tỷ đồng.

Cụ thể, trong tháng 5, FCN đã trúng gói thầu thi công hệ thống kè sông, thuộc Dự án Đại Phước Swancity ONE MEA JSC trị giá gần 84 tỷ đồng. FECON cũng trúng gói thầu tiếp thuộc Dự án Park City Hà Nội. FECON đảm nhiệm phần việc thi công cọc PHC với tổng giá trị hợp đồng là 31 tỷ đồng.

Ngoài ra còn gói thầu trị giá 65 tỷ đồng cho phần việc thi công Cọc xi măng đất (CDM - Cement Deep Mixing) đường kính D1200mm tại dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, gói thầu Thi công gia cố nền kho than.

Hay vào cuối tháng 5/2022, FECON ghi nhận thêm gói thầu thứ 4 - thi công kênh dẫn nước Box Culvert tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng II - trị giá 239 tỷ đồng. Với 420 tỷ đồng giá trị các gói thầu trúng trong tháng 5 vừa qua đã nâng mức tổng doanh thu từ các hợp đồng ký mới quý II của FECON lên gần 900 tỷ đồng.

Trước đó, theo như doanh nghiệp công bố, trong quý I, FECON đã đã ký kết thành công nhiều hợp đồng thi công với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng.

Fecon liên tục trúng các gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ kể từ đầu năm.
Fecon liên tục trúng các gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ kể từ đầu năm.

Mới đây nhất, theo thông tin công bố, FECON tiếp tục trúng thêm loạt gói thầu mới tổng giá trị 274,2 tỷ đồng trong nửa đầu quý III/2022. Cụ thể, ở mảng hạ tầng và công trình ngầm, Fecon thông báo trúng gói thầu xử lý nền móng trị giá 111 tỷ đồng thuộc dự án nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc Thị Nghè TP. HCM. Cũng ở mảng này, Fecon trúng gói thầu thi công xử lý nền cho dự án xử lý và cung cấp nước Bakheng tại Campuchia. Tham gia một trong các dự án trọng điểm của đất nước chùa tháp, Fecon đảm nhiệm gói thầu đầu tiên tại đây - xử lý nền bằng công nghệ Jet Grouting D1800mm tại vị trí Break-in của TBM trị giá 13,2 tỷ đồng.

Cuối cùng là loạt gói thầu trị giá 150 tỷ đồng, cung cấp và thi công cọc và xử lý nền thuộc các dự án Vinhomes Phú Quốc, Vinhomes Ocean Park 2, khu đô thị Star Bay, dự án Đồng Nai Waterfront – khu đô thị IZUMI Đồng Nai; gói thầu hạ tầng kỹ thuật khu 2.1 thuộc dự án khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên giải trí Nam Sông Mã - Thanh Hóa; cùng các gói thầu cọc thí nghiệm tại dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 - Hà Tĩnh.

Như vậy, lũy kế kể từ đầu năm 2022 đến nay, FECON đã ghi nhận trúng hàng loạt gói thầu với tổng giá trị lên đến gần 3.000 tỷ đồng.

Cũng từ đầu năm đến nay, FECON liên tục triển khai thi công nhiều gói thầu tại loạt các dự án lớn như Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát – Dung Quất (Giai đoạn 2), Dự án sân bay Long Thành, Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4, Nhiệt điện Vũng Áng II, Hầm chui Lê Văn Lương,…

Lợi nhuận trước thuế lao dốc, dòng tiền kinh doanh âm 153 tỷ đồng

Trong bối cảnh liên tục trúng hàng loạt các gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng, câu hỏi được đặt ra tình hình tài chính của FCN đang ra sao?

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 được FCN công bố cho thấy, trong quý II, doanh thu thuần của FCN đạt 1.039 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và tăng gấp đôi so với quý I/2022. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp giảm 21%, chỉ đạt 106 tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu tài chính của FCN.  
Một số chỉ tiêu tài chính của FCN.  

Có thể thấy, mặc dù doanh thu tài chính tăng gấp 3, đạt 10 tỷ đồng, song chi phí tài chính tăng quá mạnh (39%) lên 53 tỷ đồng đã kéo kết quả lợi nhuận của FCN xuống khá mạnh. Kết quả, FCN chỉ có lợi nhuận trước thuế 10 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của FCN đạt 1.540 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận gộp đạt 194 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động tài chính 6 tháng chịu kết quả âm khi chi phí tài chính tăng mạnh mẽ (49%) lên 100 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính chỉ 21 tỷ đồng, dù đã tăng tới 2,5 lần so với cùng kỳ.

Tổng kết 6 tháng, FCN chỉ có lợi nhuận trước thuế 9 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước.

Về tài sản, tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của FCN đạt 7.774 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu kỳ. Chất lượng tài sản được cải thiện mạnh với việc khống chế tỷ trọng các khoản phải thu ngắn hạn và tồn kho ở mức hợp lý, lần lượt đạt 36% (2.800 tỷ đồng) và 21% (1.687 tỷ đồng)

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết quý II/2022 là 4.361 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Nợ vay có mức tăng nhẹ (6%), lên 2.624 tỷ đồng; trong đó vay ngắn hạn 1.480 tỷ đồng, tăng 11%, vay dài hạn 1.144 tỷ đồng, gần như không đổi.

Đáng chú ý, xét về dòng tiền, 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh âm 153 tỷ đồng, chủ yếu do giảm các khoản phải trả và tăng trả lãi vay. Dòng tiền đầu tư âm 382 tỷ đồng, do FCN tăng chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác.

Dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư của FCN trong 6 tháng đầu năm đều âm hàng trăm tỷ đồng.  
Dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư của FCN trong 6 tháng đầu năm đều âm hàng trăm tỷ đồng.  

FECON thế chấp cổ phần 2 công ty con để vay nợ 150 tỷ đồng trái phiếu

Cụ thể, theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 11/7 vừa qua, Công ty CP FECON đã phát hành thành công 150 tỷ đồng trái phiếu mã FCNH2223001, kỳ hạn 18 tháng với lãi suất cố định 11%/năm.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo và không phải nợ thứ cấp. Số trái phiếu được đảm bảo bằng 22,7 triệu cổ phần của Công ty CP Đầu tư FECON và 15,6 triệu cổ phần Công ty CP Công trình ngầm FECON. Đây là 2 công ty con của FECON và chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 150 tỷ đồng của FECON.  
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 150 tỷ đồng của FECON.  

Về mục đích phát hành, toàn bộ số tiền thu được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo nghĩa vụ phải thanh toán khi triển khai các hợp đồng thi công.

Được biết, trong năm 2022, FECON đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu thêm 44% lên mức 5.000 tỷ, lợi nhuận tăng 296% lên mức 280 tỷ đồng. Đây quả là một thách thức lớn khi nhìn vào thực tế lợi nhuận và doanh thu tính đến hết quý II/2022 của FCN đã được đề cập ở trên.

Thực tế, từ nay đến cuối năm 2022, khi tiến độ giải ngân đầu tư công được thúc đẩy, giá cả vật liệu xây dựng và nhiên liệu được kiểm soát, đồng thời nút thắt về vốn cho thị trường bất động sản được tháo gỡ thì dư địa tăng trưởng cho ngành xây dựng kỳ vọng sẽ rộng mở trở lại, các doanh nghiệp xây dựng như FECONN kỳ vọng sẽ “dễ thở” hơn so với 6 tháng đầu năm.

Anh Huy

Theo Chất lượng và Cuộc sống