Liều lĩnh “ôm đất tỉnh”, nhà đầu tư “đứng ngồi không yên” hậu sốt đất

Gần đây, thị trường BĐS có nhiều biến động, kèm với đó lạm phát đã khiến các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất. Trước những biến đổi không lường, nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào đất nền như đang “ngồi trên đống lửa” băng khoăn không biết nên bán lỗ để thu hồi vốn hay chờ đợi thêm.

 

Liều lĩnh “ôm đất tỉnh”, nhà đầu tư “đứng ngồi không yên” hậu sốt đất - Ảnh 1

Ham lời rồi sinh lỗ

Đầu năm 2022, thị trường đất nền tỉnh đang sốt, nhiều nhà đầu tư tập trung vào phân khúc này lợi dụng những ưu điểm như quỹ đất rộng, chi phí hạ tầng thấp, tính thanh khoản cao để thu lợi nhuận.

Anh Trần Trí Thanh (TP.HCM) chia sẻ, anh dành dụm được một số tiền nhàn rỗi, thấy thị trường đất nền đang sôi động nên đã góp vốn cùng với bạn bè đầu tư mua đất ở Bình Chánh, sau vài tháng bán lại đã thu về khoản lợi nhuận lớn bằng nhiều năm đi làm. Thấy việc mua bán đất sinh lời dễ dàng, anh tiếp tục vay thêm tiền từ ngân hàng để đánh mạnh vào thị trường này, anh mua thêm vài lô đất ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Một thời gian sau, không chỉ phân khúc đất nền mà cả thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại, áp lực lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng, anh Thanh rao bán trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa thể bán được.

Một trường hợp khác, chị Huỳnh Kiều Trang (thành phố Thủ Đức) cho biết khi thấy phân khúc đất nền đang “ăn nên làm ra” người người nhà nhà đua nhau đi mua đất kiếm lời. Vợ chồng chị cũng muốn “ăn” theo số đông nên đã mua một lô đất ở Long An với giá 1,8 tỷ trong đó hơn một nửa số tiền là vay vốn từ ngân hàng và bạn bè, với dự tính khi sinh được lời sẽ bán ngay.

Trong thời điểm đầu thị trường đất nền sôi nổi, giao dịch chốt không ngừng, thấy giá đất tăng liên tục chị Trang chờ thêm thời gian để giá tăng cao hơn nữa. Không ngờ thị trường nhanh chóng hạ nhiệt đã bỏ lỡ thời cơ tốt nhất để sinh lời. Đến hơn một năm nay chị vẫn chưa bán được, thị trường thay đổi ngoài dự tính, hoạt động tín dụng bị thắt chặt, sốt đất tỉnh đồng loạt hạ nhiệt khiến kế hoạch thoát hàng ban đầu không thành.

Đây là những trường hợp rủi ro đầu tư phổ biến khi đua nhau “tranh đất” trong lúc thị trường sốt nóng. Phần lớn nhà đầu tư đất nền đều là tay ngang kinh nghiệm phân tích và đánh giá trị trường không nhiều, nguồn vốn hạn chế và áp lực lãi suất vay vốn lớn. Do đó, khi rủi ro kéo đến các nhà đầu tư trở nên hoang mang, bối rối không biết nên cắt lỗ hay tiếp tục chờ đợi.

Liều lĩnh “ôm đất tỉnh”, nhà đầu tư “đứng ngồi không yên” hậu sốt đất - Ảnh 2

Tương lai đất nền

Nguồn cung thị trường BĐS chững lại nguyên nhân chủ yếu đến từ việc hạn chế tín dụng, nhiều chuyên gia dự đoán khi “nút thắt” này được gỡ thì nhu cầu sẽ tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng những nhà đầu tư bỏ vốn mua đất nền với giá được thổi lên cao trong thời gian trước sẽ phải tiếp tục chờ đợi nếu muốn thu hồi vốn vì tính thanh khoản sẽ tới trễ hơn.

Các chuyên gia cho rằng thị trường BĐS có tiếp tục phát triển và khởi sắc trở lại hay không phụ thuộc rất nhiều vào room tín dụng, nhiều dự đoán việc siết vốn tín dụng có thể được khơi thông vào cuối năm nay. Dấu hiện đáng mừng khi thị trường ghi nhận được rất nhiều dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, nguồn vốn lớn hơn nhiều so với những năm trước đặc biệt nguồn vốn chảy vào lĩnh vực BĐS chiếm tỉ trọng rất lớn là cơ hội để thị trường BĐS thay đổi tốt hơn trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, để hạn chế những vấn đề xấu ảnh hưởng đến thị trường BĐS, những dòng vốn này cần được rót vào những dự án uy tín, an toàn và được xem xét kỹ lưỡng. Cân nhắc việc sử dụng đòn bẫy tài chính dể đầu tư trong giai đoạn thị trường biến động.

Một vấn đề quan trọng khác cần cẩn thận, số lượng nhà đầu tư hiện nay tăng lên rất nhiều trong khi nguồn cung BĐS lại hạn chế là nguyên nhân đẩy giá đất ngày càng tăng cao. Nhà đầu tư mới càng vay nhiều tiền càng dễ mất trắng nếu xảy ra rủi ro.

 

Theo Chất lượng và Cuộc sống