Loại cá nhân ra khỏi cuộc chơi trái phiếu riêng lẻ: 'Đi ngược xu thế toàn cầu'

Mục tiêu hướng nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua các quỹ đầu tư đang đi ngược với xu thế toàn cầu hiện nay, theo GS. TS Trần Ngọc Thơ.

Bịt cơ hội tham gia của nhà đầu tư cá nhân

Theo dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán mới nhất, quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã giới hạn ở nhà đầu tư là tổ chức, các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân có thể không được tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ nếu dự thảo luật được thông qua.

Bình luận về sự thay đổi này, chia sẻ với VietnamFinance, GS. TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng dự thảo luật có thể dẫn đến cách tiếp cận cân bằng hơn nếu đặt vấn đề theo một cách khác, cập nhật sự phát triển hiện đại của các đổi mới về công nghệ và xu hướng mới nhất về kênh phát hành riêng lẻ nói chung, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp và những điều chỉnh pháp lý mới nhất ở các nước.

GS. TS Trần Ngọc Thơ  
GS. TS Trần Ngọc Thơ  

Theo giáo sư, vẫn còn không ít quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Mỹ,… cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia sân chơi trái phiếu riêng lẻ.

“Vấn đề là, nếu chúng ta thực sự có một khung khổ pháp lý phù hợp, cộng với chất lượng cao về năng lực của cơ quan quản lý thị trường, thì tiền của nhà đầu tư vẫn có thể được thực hiện một cách có trách nhiệm vào trái phiếu riêng lẻ, mà không tạo ra những đổ vỡ lớn làm mất niềm tin thị trường”, GS. TS Trần Ngọc Thơ cho biết.

Với việc loại bỏ nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân khỏi cuộc chơi trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính cho rằng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có thể tham gia trái phiếu riêng lẻ một cách gián tiếp bằng việc đầu tư vào các quỹ đầu tư, dòng tiền của các quỹ sẽ chảy vào trái phiếu riêng lẻ.

Mục tiêu này của Bộ Tài chính theo GS. TS Trần Ngọc Thơ là chính đáng. Nhưng thực tế cho thấy, các quỹ đầu tư tại Việt Nam hầu như nắm giữ rất ít trái phiếu riêng lẻ, do rủi ro quá cao, khác với khẩu vị rủi ro của quỹ. Hơn nữa, mục tiêu này đang đi ngược với xu thế toàn cầu hiện nay.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2023 chuyên đề về “thị trường vốn, phát hành riêng lẻ và tài chính bao trùm” đã chứng minh xu thế mới về sự tham gia của nhà đầu tư không phải tổ chức vào kênh phát hành riêng lẻ. Phát hành chứng khoán qua kênh đại chúng lâu nay đóng vai trò trung tâm và truyền thống trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Nhưng theo WEF, một sự thay đổi đáng kể đang diễn ra.

Cụ thể, kênh đại chúng đang dần chuyển sang phát hành riêng lẻ với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và hiện chiếm 9.600 tỷ USD tài sản toàn cầu. WEF cho rằng, nhà đầu tư chuyển sang kênh phát hành riêng lẻ vì họ không còn xem đó là giải pháp thay thế theo cách hiểu truyền thống, mà đó còn là cơ hội, là quyền lợi được tham gia vào sự phát triển kinh tế bao trùm.

Giải thích rõ hơn về luận điểm này, GS. TS Trần Ngọc Thơ đã nêu lại sự việc Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi kêu gọi người dân mua trái phiếu để chính quyền có kinh phí làm 183km tuyến đường sắt đô thị trị giá 36 tỷ USD, cũng như câu chuyện diễn ra sắp tới đây, khi Chính phủ tính tới phương án huy động gần trăm tỷ USD cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Một trong những nguồn tài chính để phục vụ cho 2 dự án này có thể đến từ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, do các doanh nghiệp tham gia các dự án thành phần các tuyến đường sắt đô thị và cao tốc nêu trên phát hành.

“Nếu là nhà đầu tư cá nhân (chuyên nghiệp) yêu quý đất nước, thành phố này và có niềm tin, sự tự hào Tổ quốc, thay vì dựa vào “bẫy nợ” nước ngoài, để đóng góp vào sự phát triển chung của dự án đường sắt đô thị TP. HCM và đường cao tốc Bắc - Nam, tại sao tôi không thể mua trái phiếu riêng lẻ do các doanh nghiệp phát hành, mà phải góp tiền thông qua các quỹ đầu tư (với chi phí cao và họ không thể đầu tư lớn vào dự án này do những hạn chế về danh mục đầu tư theo yêu cầu của các cổ đông lớn của quỹ)?”, GS. TS Trần Ngọc Thơ đặt vấn đề.

Mở lối đi khác

Thay vì loại bỏ nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân khỏi cuộc chơi trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ như dự thảo Luật Chứng khoán, GS. TS Trần Ngọc Thơ đề xuất áp dụng cách tiếp cận “tiêu chí cao hơn, tùy chọn rộng hơn”.

Theo đó, cơ quan soạn thảo Luật và Quốc hội vẫn có thể giữ phương án trái phiếu riêng lẻ là sân chơi cho các nhà đầu tư tổ chức, nhưng nới lỏng cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân tham gia mua bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên thị trường thứ cấp, thay vì cấm hoàn toàn. Cách tiếp cận này có thể huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội, trong khi vẫn có thể thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ nhà đầu tư, thay vì loại họ ra khỏi cuộc chơi.

Ảnh minh hoạ  
Ảnh minh hoạ  

Thứ hai, Dự thảo Luật có thể bổ sung áp dụng cơ chế phân loại phát hành trái phiếu riêng lẻ để không bỏ sót các doanh nghiệp khởi nghiệp, các ngành nghề mới nổi, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước.

Thứ ba, thay vì tuân thủ tuyệt đối triết lý bảo vệ nhà đầu tư, GS. TS Trần Ngọc Thơ đề xuất cân nhắc việc hài hòa với triết lý “bảo vệ sự lựa chọn” của nhà đầu tư. Triết lý “bảo vệ sự lựa chọn” của nhà đầu tư có thể bảo vệ nhà đầu tư khỏi thua lỗ một số tiền quá lớn và do đó, tác động không tốt đến niềm tin toàn thị trường. Nó đạt được mục tiêu là vẫn duy trì bảo vệ nhà đầu tư, nhưng cũng góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển thị trường vốn.

Thứ tư, vị chuyên gia này đề xuất việc nghiên cứu nâng cao hơn nữa các điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thể giảm niềm đam mê và sự kiên nhẫn của nhà đầu tư chuyên nghiệp bằng cách tăng thời gian nắm giữ trái phiếu riêng lẻ trong khoản thời gian 1-2 năm hoặc hơn.

Thứ năm là nâng cao trách nhiệm pháp lý đối với các bên trung gian tư vấn phát hành, kiểm toán, luật sư, thẩm định giá và tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Loại cá nhân ra khỏi cuộc chơi trái phiếu riêng lẻ: 'Đi ngược xu thế toàn cầu' - Ảnh 1

Đầu tư trái phiếu DN: 'Hóng' thông tin bề nổi, khó tránh khỏi rủi ro

Tài chính

(VNF) - Nhiều nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam thường chỉ nhìn vào 2 yếu tố khi quyết định mua TPDN, đó là tên doanh nghiệp là gì và lãi suất bao nhiêu và bỏ qua một thực tế là lãi suất cao của một trái phiếu thường là chỉ báo về mức độ rủi ro cao của trái phiếu đó.

Hải Đường

Theo VietnamFinance