Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Nguy cơ mất thanh khoản

Chuyên gia cho rằng việc, tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 1 lên 3 năm có thể dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản thị trường, làm mất đi thị trường thứ cấp mua đi bán lại trái phiếu.

Giảm người mua, tăng thời gian nắm giữ bắt buộc

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi được công bố mới đây đã sửa đổi, bổ sung Điều 31 về chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, bổ sung rõ ĐHĐCĐ phải quyết định về số lượng cổ phiếu, giá chào bán hoặc nguyên tắc xác định giá chào bán; tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên thành 3 năm tương ứng với nhà đầu tư chiến lược (khoản 1 Điều 31); đối với điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ, quy định đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, việc chuyển nhượng trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ được thực hiện giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức (điểm b, c khoản 2 Điều 31).

Như vậy, so với quy định hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi đã giảm bớt đối tượng mua trái phiếu phát hành riêng lẻ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân, đồng thời tăng thời hạn nắm giữ trái phiếu riêng lẻ bắt buộc từ 1 lên 3 năm.

Nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan ngại rằng quy định mới này đang có phần siết chặt quá mức và có thể làm “bóp nghẹt” thị trường trái phiếu nói chung, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Trao đổi với VietnamFinance, TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định rằng các quốc gia trên thế giới không khuyến khích phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, do hình thức phát hành này không thông qua sự giám sát và cấp phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng các quy định mới có xu hướng thắt chặt là hợp lý, vì ông khuyến khích các doanh nghiệp nên phát hành trái phiếu ra công chúng, dưới sự giám sát và cấp phép của UBCKNN.

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa lại không đồng tình với việc kéo dài thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 1 năm lên 3 năm. “Nhà nước không nên quy định về thời gian hạn chế chuyển nhượng mà nên để cho doanh nghiệp phát hành tự quyết định. Đây sẽ là một trong những yếu tố mà nhà đầu tư xem xét khi lựa chọn trái phiếu”, ông chia sẻ.

Theo đó, càng kéo dài thời gian hạn chế chuyển nhượng, nhà đầu tư càng không mặn mà với việc mua trái phiếu. Khi đó, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ là bên phải gánh chịu thiệt thòi. TS. Nghĩa nhấn mạnh rằng quy định này làm gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư và không nên được đưa ra.

“Thị trường cần có thanh khoản. Nếu tôi mua trái phiếu để đầu tư, tôi muốn có khả năng bán lại ngay, và người mua sau tôi cũng phải có cơ hội kiếm lời từ trái phiếu này. Điều này sẽ giúp tạo ra thanh khoản cho thị trường. Nhưng quy định cứng nhắc như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ làm mất đi tính thanh khoản, biến thị trường trái phiếu thành chỉ có thị trường sơ cấp mà không còn thị trường thứ cấp mua đi bán lại”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Trái phiếu bán ra công chúng: Có TSĐB hoặc được ngân hàng bảo lãnh

Đối với trái phiếu phát hành ra công chúng, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung vào khoản 3 Điều 15 (chào bán chứng khoản ra công chúng) điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ.

Nhiều chuyên gia cho rằng quy định này đang tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh các ngân hàng vẫn còn dè dặt với việc bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết rằng nếu có tài sản đảm bảo, họ hoàn toàn có thể tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng mà không cần phải tìm đến kênh phát hành trái phiếu.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng bày tỏ quan điểm rằng điều cần quan tâm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu là khả năng trả nợ. Ngay cả khi có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng, nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì rủi ro vẫn rất lớn đối với trái chủ.

Việc xử lý tài sản đảm bảo cũng không hề đơn giản, bởi quy trình thanh lý thường phức tạp và giá trị sau thanh lý có thể không đủ để trả nợ cho trái chủ. TS. Nghĩa nhận định rằng việc đưa ra quy định bắt buộc tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh ngân hàng là không cần thiết và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông đề xuất rằng thay vào đó, các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu ra công chúng cần phải trải qua quy trình xếp hạng tín nhiệm. Đây là quy định đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

“Xếp hạng tín nhiệm được xem như một cách đánh giá về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Người mua chỉ cần xem xét xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư, thay vì phải đọc báo cáo tài chính”, TS. Nghĩa chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng quy trình xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp thường nghiêm ngặt và đáng tin cậy hơn so với kiểm toán, vì các đơn vị xếp hạng sẽ tập trung vào việc đánh giá khả năng trả nợ trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm thấp vẫn có thể phát hành trái phiếu, nhưng sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn. Đồng thời, nhà đầu tư cũng sẽ phải chấp nhận rủi ro cao hơn khi mua các trái phiếu này, nhưng đổi lại họ sẽ nhận được mức lãi suất hấp dẫn hơn.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh rằng các quy định về phát hành trái phiếu cần được sửa đổi theo hướng tham khảo thông lệ quốc tế, nhằm tạo ra sự nghiêm túc trong quá trình phát hành, kể cả đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Mấu chốt của vấn đề là việc xếp hạng tín nhiệm. Trong quá trình đánh giá, các đơn vị xếp hạng sẽ xem xét kỹ lưỡng phương án kinh doanh của doanh nghiệp, giúp đánh giá chính xác khả năng trả nợ trong 3 đến 5 năm tới.

Hải Đường

Theo VietnamFinance