Thực trạng trái phiếu doanh nghiệp: Chậm nhưng dần đi vào chiều sâu
Theo nhận định của đại diện FiinGroup, thị trường TPDN đã hạ cánh mềm và tiềm năng phát triển trong tương lai 5 - 10 năm tới là rất lớn.
'Hạ cánh mềm'
Theo thống kê mới nhất của FiinGroup, tính từ đầu năm đến 13/8/2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trên thị trường sơ cấp đạt 240.000 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 11,7% GDP năm 2023.
Trong đó, về cơ cấu phát hành, dẫn đầu là trái phiếu ngân hàng với 136.500 tỷ đồng, chiếm 68% tổng giá trị phát hành. Theo sau là trái phiếu bất động sản đạt 43.200 tỷ đồng, chiếm 21,54%. Lãi suất danh nghĩa bình quân huy động ở mức 7,47%/năm trong 8 tháng 2024, giảm 66 điểm so với mức bình quân 8,13% của năm 2023. Kỳ hạn bình quân ở mức 3,8 năm cho 8 tháng 2024 và giảm so với mức bình quân 4,7 năm của 2023.
Số dư trái phiếu (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2024 ở mức 315.000 tỷ đồng và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334.000 tỷ đồng. Riêng trái phiếu bất động sản thì số dư đến hạn năm 2024 hiện ở mức 60.000 tỷ đồng và năm 2025 ước tính ở mức 135.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội thảo “Làm sao để biết một trái phiếu 'đắt' hay 'rẻ'” ngày 15/8, ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu tài chính, FiinGroup nhận định: “Phát hành mới trên thị trường sơ cấp đang diễn ra chậm nhưng từng bước có chiều sâu hơn. Tình hình chậm trả đã giảm khá nhiều so với đỉnh điểm năm 2023, đặc biệt là trái phiếu bất động sản, do các nhà đầu tư và tổ chức phát hành đã chủ động tái cơ cấu nợ trái phiếu”.
Dự báo về triển vọng thị trường, chuyên gia của FiinGroup cho biết, trong thời gian tới, trái phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường TPDN.
“Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đang ở mức thấp (tương đương với thời điểm COVID-19), trái phiếu ngân hàng có thể là một kênh đầu tư để nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức có thể nhận được lợi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi, với thanh khoản tốt và sự đa dạng về các sự lựa chọn về kỳ hạn và lợi suất. Dự kiến trái phiếu ngân hàng sẽ chiếm khoảng 70% giá trị phát hành nửa cuối năm 2024”, ông Việt cho hay.
Trong khi đó, trái phiếu bất động sản cũng đã bắt đầu hồi phục nhờ một số có tiến độ pháp lý và trái phiếu hạ tầng có dấu hiệu khởi sắc.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhận định: “Sau thời gian trầm lắng, thị trường TPDN đã hạ cánh mềm đối với các trái phiếu cũ. Đặc biệt, trái phiếu bất động sản, năng lượng tái tạo và đang bước vào chu kỳ phát triển mới”.
Nói thêm về trái phiếu xanh, ông Thuân cho biết trái phiếu xanh, tín dụng xanh là xu hướng không thể đảo ngược tại Việt Nam và nhiều nước trong thời gian tới. "Sự vận động của thị trường sẽ góp phần hình thành chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý để từng bước hoàn thiện nền tảng sản phẩm này", ông nói.
Ông Thuân cũng lạc quan về tương lai dài hạn của thị trường trái phiếu. “Chắc chắn 5 – 10 năm nữa, thanh khoản và quy mô của thị trường trái phiếu sẽ lớn hơn nhiều so với thị trường cổ phiếu. Chúng tôi đã xem của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới rồi, vấn đề chỉ là chậm hay nhanh. Trái phiếu vẫn là kênh đầu tư tiềm năng, giúp đa dạng hóa cơ hội đầu tư cho mọi người”, ông nói.
Làm sao để biết một trái phiếu ‘đắt’ hay ‘rẻ’?
Mặc dù vậy, ông Thuân cũng cho rằng, đối với TPDN, quá trình chỉ mới bắt đầu không chỉ với nhà đầu tư tổ chức mà đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Lý giải về nhận định này, ông cho biết, tại Việt Nam, đại bộ phận nhà đầu tư đã quen với khái niệm về sự “đắt” hay “rẻ”, “rủi ro” và “lợi nhuận” khi đầu tư vào cổ phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư trái phiếu, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân lại chưa quen với khái niệm mua và bán trước khi trái phiếu đến hạn. Ngoài ra, việc ước lượng giá trái phiếu khi mua bán lưng chừng cũng rất trừu tượng.
Đại diện FiinGroup nhận định, TPDN tốt là trái phiếu có rủi ro tín dụng thấp, thanh khoản tốt, lợi suất đáo hạn (YTM) đạt kỳ vọng tương ứng với rủi ro. Mức giá của mỗi trái phiếu doanh nghiệp khi giao dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, cơ bản nhất là khả năng trả nợ của chính doanh nghiệp đó khi trái phiếu đáo hạn.
“Chính vì vậy, nhà đầu tư nên tìm kiếm TPDN theo lợi suất đầu tư kỳ vọng, tìm hiểu thông tin về trái phiếu (tài sản đảm bảo, cấu trúc dòng tiền cũng như kiểm tra thông tin về sức khỏe tài chính, rating và lịch sử chậm trả của tổ chức phát hành) và lựa chọn trái phiếu có chênh lệch lợi suất tương ứng với rủi ro tín dụng”, đại diện FiinGroup chia sẻ.
Trong khi đó, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý quỹ PVI nhận định những khái niệm liên quan đến thị trường TPDN như đường cong lãi suất, giá sạch, giá bẩn, giao dịch thông thường, giao dịch repo hay những phương pháp tính toán như tổn thất tín dụng kỳ vọng, tổn thất tín dụng vỡ nợ,… là những thứ khó hiểu với nhà đầu tư cá nhân, thậm chí là cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp hay làm trong ngành tài chính.
"Do đó, những nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp chưa chuyên sâu về lĩnh vực này nên hoạch định kế hoạch về dòng tiền, xác định rõ khẩu vị rủi ro để cơ cấu và phân bổ tài sản theo hướng hợp lý. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể sử dụng các dịch vụ ratings, tham khảo các đánh giá xếp hạng tín nhiệm để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn hơn", bà Giao kiến nghị.