Loại trái phiếu đặc biệt từng làm hại Credit Suisse đang đe doạ Deutsche Bank

Deutsche Bank, "ông lớn" ngân hàng Đức là nạn nhân mới nhất từ những lo ngại của nhà đầu tư sau hàng loạt sự sụp đổ của các ngân hàng lớn trên thế giới. Rủi ro đến với Deutsche Bank liên quan tới trái phiếu AT1, loại trái phiếu rủi ro cao vừa gây "sóng gió" trong cộng đồng trái chủ của

Deutsche Bank bất ngờ bị kéo vào vòng xoáy sut giảm cổ phiếu dù thanh khoản ổn định.
Deutsche Bank bất ngờ bị kéo vào vòng xoáy sut giảm cổ phiếu dù thanh khoản ổn định.

'Nỗi sợ hãi' mang tên AT1 

Trái phiếu Cấp 1, hay AT1, là một loại trái phiếu không thời hạn, có lãi suất cao hơn trái phiếu thông thường vì là loại trái phiếu rủi ro nhất cho các nhà đầu tư, được phát hành để huy động vốn pháp định (core capital). 

Được tạo ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trái phiếu AT1 đóng vai trò "giảm xóc" nếu mức vốn của ngân hàng giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định. Chúng có thể được chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu hoặc được xóa sổ, do đó còn được gọi là trái phiếu "chuyển đổi dự phòng" hoặc "CoCo".

Nếu AT1 được chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu, việc này sẽ hỗ trợ bảng cân đối kế toán của ngân hàng và giúp ngân hàng duy trì hoạt động. Chúng cũng mở đường cho việc "bảo lãnh", hoặc một cách để các ngân hàng chuyển rủi ro cho các nhà đầu tư nếu họ gặp rắc rối.

Mang rủi ro lớn nhưng có lãi suất cao, AT1 vẫn được phát hành trên thị trường tài chính một cách bình thường bởi các ngân hàng từ năm 2008. Tuy nhiên, phải tới vụ mua lại Credit Suisse gần đây, người ta mới hình dung được "rủi ro" thực sự mà loại trái phiếu này mang tới. 

Theo đó, sau khi UBS mua lại Credit Suisse, các nhà chức trách Thuỵ Sĩ đã cho phép ngân hàng gặp rắc rối xoá bỏ toàn bộ 17 tỷ USD trái phiếu AT1 để cân bằng bảng thanh toán và phản ánh việc các nhà chức trách muốn các nhà đầu tư tư nhân chia sẻ "nỗi đau" với Credit Suisse.

Điều này có nghĩa là các trái chủ của AT1 của Credit Suisse, với số nợ lên tới 17 tỷ USD, sẽ "mất trắng". Trong khi cổ đông, những người thường ở vị trí thấp hơn trong bậc thang ưu tiên trả nợ khi một doanh nghiệp phá sản, sẽ nhận được 3,23 tỷ USD theo thỏa thuận mua lại của UBS.

Theo giới chuyên gia, động thái mới của cơ quan quản lý Thụy Sĩ có thể khiến những doanh nghiệp khác gặp khó khăn trong việc huy động các trái phiếu AT1 mới, bởi tâm lý nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng bởi việc số tiền của họ có thể biến mất bất kỳ lúc nào nếu ngân hàng gặp rắc rối về tài chính. 

Deutsche Bank bất ngờ bị kéo vào cuộc

"Tất lẽ dĩ ngẫu", nỗi sợ hãi đã lan tới số trái phiếu AT1 của Deutsche Bank, tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức. Trái phiếu AT1 Deutsche Bank đã bị bán tháo mạnh trong tuần này, kéo theo là hợp đồng hoán đổi nợ xấu tăng vọt và sự sụt giảm cổ phiếu. 

Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 24/3, cổ phiếu niêm yết tại Frankfurt của Deutsche có thời điểm giảm 14%, sau đó thu hẹp mức lỗ còn 6% vào khoảng 4h chiều theo giờ London. Kết phiên giao dịch tại châu Âu, cổ phiếu ngân hàng này giảm 8,5%, kéo dài mức thua lỗ sau khi đã giảm hơn 3% giá trị trong phiên 23/3 trước đó.

Có thời điểm, cổ phiếu Deutsche là mã giảm mạnh nhất trong số các cổ phiếu ngân hàng tại châu Âu trong ngày 24/3, khi đối thủ Commerzbank giảm 9%, Credit Suisse, Societe Generale và UBS giảm hơn 7%. Barclays và BNP Paribas đều giảm hơn 6%.

Cổ phiếu niêm yết tại Frankfurt của ngân hàng Đức ghi nhận mức giảm trong ngày thứ 3 liên tiếp và hiện đã mất hơn 1/5 giá trị trong tháng này. Các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, một hình thức bảo hiểm cho những người nắm giữ trái phiếu của công ty khỏi tình trạng vỡ nợ của công ty, đã tăng vọt lên 173 điểm cơ bản vào tối 23/3, tăng từ mức 142 điểm cơ bản từ hôm trước đó.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của ngân hàng này cũng có thời điểm giảm tới 8,5%, nhưng sau đó đã phục hồi dần và kết phiên 24/3 với mức lỗ 3,11%.

"Deutsche Bank không phải Credit Suisse"

Đây là lời khẳng định của các chuyên gia kinh tế cũng như nhà cầm quyền Đức khi nỗi sợ vô hình của nhà đầu tư bắt đầu hoá thành hành động và bắt đầu gây ra những thiệt hại thực tế. 

Sở dĩ, có thể khẳng định Deutsche Bank không phải Credit Suisse, vì tình trạng tài chính của 2 ngân hàng này hoàn toàn khác nhau. 

Deutsche Bank đã báo lãi 10 quý liên tiếp, sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc trị giá hàng tỷ EUR bắt đầu vào năm 2019, với mục đích giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lời. Ngân hàng này ghi nhận thu nhập ròng hàng năm là 5 tỷ EUR (5,4 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 159% so với năm trước.

Tỷ lệ CET1, thước đo khả năng thanh toán của ngân hàng, ở mức 13,4% vào cuối năm 2022, trong khi tỷ lệ bao phủ thanh khoản là 142% và tỷ lệ tài trợ ròng ổn định là 119%. Những con số này cho thấy ngân hàng này không gặp bất kỳ vấn đề nào về khả năng thanh toán hay vị thế thanh khoản. 

Nhiều nhà phân tích đã phải "vò đầu bứt tai" không hiểu tại sao ngân hàng, vốn đã có lãi 10 quý liên tiếp, tự hào về nguồn vốn và khả năng thanh toán vững chắc, lại trở thành mục tiêu tiếp theo của một thị trường dường như đang ở chế độ “tìm và diệt”.

Ngày 24/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels rằng Deutsche Bank đã “tổ chức lại và hiện đại hóa mô hình kinh doanh của mình một cách triệt để và là một ngân hàng có lợi nhuận cao”, đồng thời nói thêm rằng không có cơ sở để suy đoán về tương lai của tổ chức tài chính này.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde cũng nói với các nhà lãnh đạo EU rằng ngành ngân hàng khu vực đồng euro có khả năng phục hồi nhờ nguồn vốn mạnh, vị thế thanh khoản và các cuộc cải cách sau năm 2008. Bà cũng cho biết bộ công cụ của ECB được trang bị để cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính nếu cần.

Những lời trấn an từ các lãnh đạo khu vực đã phần nào làm dịu sự lo lắng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, không ai có thể chắc chắn được sự bình ổn này sẽ được duy trì trong bao lâu, hay chỉ ngay ngày mai, những nhà đầu tư này lại tìm ra một lý do gì khác để bán tháo cổ phiếu.

Quỳnh Anh

Theo VietnamFinance